Bốn thách thức đối với các FTA châu Á

(ĐTCK-online)Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã hối thúc các nước châu Á đẩy mạnh hội nhập khu vực. Nỗ lực này thậm chí còn được tăng cường hơn nữa trong thời gian gần đây thông qua việc ký kết các thỏa thuận mậu dịch tự do (FTA).

 

 

Ngay sau khi Hàn Quốc kết thúc đàm phán FTA với Mỹ trong quý II năm nay, nước này lại đã tiếp tục đàm phán về thỏa thuận tương tự với Liên minh châu Âu (EU). Hàn Quốc cũng hy vọng sẽ kết thúc đàm phán về Thỏa thuận Đối tác kinh tế gần gũi hơn (CEPA) với Ấn Độ vào cuối năm nay.

Hội nhập kinh tế châu Á, với động lực quan trọng là các FTA, đã có bước phát triển mang tính quyết định khi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN đạt được thỏa thuận về kế hoạch dự trữ ngoại tệ để phòng ngừa tình huống khủng hoảng tài chính có thể xảy ra. Đây là một minh chứng về hội nhập kinh tế châu Á và được coi là nền tảng cho hợp tác kinh tế, mặc dù còn khác so với hội nhập kinh tế của các khu vực khác như Khu vực Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hay Liên minh châu Âu (EU).

Mặc dù bùng nổ các FTA, như ANZ-CER (FTA giữa Australia và New Zealand), AFTA (FTA giữa các nước thành viên ASEAN), ASEAN + 3 (các nước ASEAN với 3 nước Đông Bắc Á là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản), APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương)..., nhưng theo các chuyên gia, làn sóng hội nhập này tại châu Á đang phải đối mặt với một số vấn đề liên quan đến sự đa dạng và sự phức tạp của các nước.

Thứ nhất, thách thức chung mà bất cứ sự hội nhập khu vực nào đều phải đối mặt là xung đột giữa các hiệp ước kinh tế mới và các hiệp ước kinh tế cũ. Sự phát triển mạnh mẽ của các FTA có thể làm thành viên của một FTA này đồng thời là thành viên của các FTA khác, do đó dẫn đến sự chồng chéo về các cam kết.

Thứ hai, cơ cấu “trung tâm và ngoại vi” có thể can thiệp vào quá trình phổ biến các FTA. Nhiều nước tham gia có xu hướng cạnh tranh để giành vị trí trung tâm trong các sáng kiến hội nhập khu vực. Do sự cạnh tranh này, nhu cầu về vai trò của chính phủ trong việc kiểm soát thương mại sẽ tăng lên, do đó có thể kéo theo các cơ chế quan liêu không hiệu quả.

Thứ ba, sự phát triển nhanh của các FTA ở châu Á làm thay đổi các quy định về xuất xứ. Ví dụ, trên thực tế, AFTA, FTA giữa Australia và Thái Lan, FTA giữa Nhật Bản và Thái Lan và FTA giữa Mỹ và Thái Lan đòi hỏi những tiêu chuẩn khác nhau liên quan đến quy định xuất xứ. Do đó, một công ty kinh doanh tại Thái Lan có thể phải đối mặt với tất cả các quy định xuất xứ khác khi công ty đó xuất khẩu hàng hóa sang các nước liên quan.

Thứ tư, hiện tồn tại một vấn đề phức tạp liên quan đến các quy định đầu tư của các FTA khác nhau. Cần có một quy định chung về đầu tư để tránh tình trạng phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài. Vì cơ cấu đầu tư tại châu Á ngày càng phức tạp, nên cần nhiều nỗ lực để nhanh chóng đưa các quy định đầu tư khác nhau thành một nguyên tắc chung.

Rõ ràng, nỗ lực đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực của các nước châu Á sẽ gặp không ít khó khăn trước những trở ngại kể trên. Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia, cần có một cơ chế hợp tác khu vực đối với các FTA song phương để giảm thiểu xung đột trong các quy định. Nếu xử lý tốt các mối quan hệ này, các FTA tại châu Á sẽ tiếp tục đóng vai trò là động lực chủ đạo cho hội nhập kinh tế châu Á.

Việt Nga
Việt Nga

Tin cùng chuyên mục