Bốn kịch bản cho nền kinh tế

(ĐTCK) Khép lại quý I, không ít ý kiến lạc quan cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục ngay trong năm nay. ĐTCK đã trao đổi với TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cao cấp, xung quanh vấn đề này.
TS.Lê Đăng Doanh. TS.Lê Đăng Doanh.

Thưa ông, có quá lạc quan khi cho rằng, nền kinh tế đang dần phục hồi và có thể thoát khỏi khó khăn ngay trong năm nay?

Có thể nói, nền kinh tế hiện nay mới chỉ phục hồi mang tính chất cục bộ. Chẳng hạn, ngành xây dựng vào tháng 1/2008 vẫn "nằm im" thì nay đã khởi động trở lại khi giá nguyên vật liệu đã giảm và các chính sách liên quan đến nhà ở xã hội được thực hiện… Hoặc những lĩnh vực sản xuất, dịch vụ liên quan đến nhu cầu thiết yết và có đầu ra tại thị trường nội địa như thực phẩm, dược phẩm, điện… Còn lại nhìn chung tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn do xuất khẩu suy giảm mạnh, giảm cả về giá lẫn khối lượng xuất khẩu. Chúng ta không thể tiêu thụ trong thị trường nội địa hết 9 tỷ USD sản phẩm dệt may hay người Việt Nam không thể uống hết 1 triệu tấn cà phê, chúng ta coi trọng thị trường nội địa, nhưng nó không thay thế được thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, xuất khẩu của 12 mặt hàng trong "câu lạc bộ trên 1 tỷ USD" chỉ có gạo tăng, còn tất cả các mặt hàng khác đều giảm mạnh do tác động kép, giảm cả về lượng lẫn về giá.

Một cách hiện thực, ông đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ theo kịch bản nào?

Về lý thuyết, hồi phục kinh tế Việt Nam có thể diễn ra theo 4 kịch bản. Một là hồi phục theo kịch bản hình chữ V, nghĩa là suy giảm sau đó lên ngay. Hai là hình chữ U, nghĩa là đi xuống sau đó ở lại lâu hơn (khoảng hơn 1 năm) và phục hồi trở lại. Thứ ba là kịch bản chữ W, nghĩa là kinh tế xuống sau đó đi lên và lại đi xuống và đi lên. Tồi tệ nhất là kịch bản chữ L, sau khi sụt giảm thì duy trì ở mức đó rất lâu chưa biết khi nào mới hồi phục. Trong 4 kịch bản trên tôi hy vọng sẽ là kịch bản chữ V, vì kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Hơn nữa, kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế nông nghiệp cung ứng các nhu yếu phẩm trong đời sống và không chỉ trong nước mà thế giới cũng có nhu cầu. Chính lĩnh vực kinh tế nông nghiệp là cơ sở để đưa ra nhận định kinh tế Việt Nam có thể đạt từ 4 - 5% tăng trưởng trong năm nay trong bối cảnh nhiều nền kinh tế suy thoái hoặc tăng trưởng bằng 0.

Tuy nhiên, để đạt được theo kịch bản này, chúng ta cần đẩy mạnh việc cải cách đồng bộ. Chẳng hạn, cần cải cách các thể chế nhằm bù đắp những khoảng trống về mặt pháp lý, kiểm soát độc quyền trong kinh doanh, kiềm chế lợi ích nhóm lấn át lợi ích công, cần xem xét tính hiệu quả của các tập đoàn. Luật Đất đai cần sửa cho phù hợp với thực tế, hạn chế thấp nhất kẽ hở cho tham nhũng hiện đang là tâm điểm cho lạm dụng quyền lực và gây bất bình trong quần chúng.

Ông thấy gì từ gói kích cầu đang thực hiện?

Chúng ta đã có gói kích cầu 6 tỷ USD được công bố từ tháng 12/2008, song chỉ có 1 tỷ USD trợ cấp lãi suất tín dụng để nhằm cho vay 650.000 tỷ đồng là được công bố tường minh, còn 5 tỷ USD còn lại bao gồm miễn giảm thuế và những ưu đãi khác chưa được công khai cả gói. Người ta thấy trong gói kích thích kinh tế này thiếu vắng các biện pháp đồng bộ, có hiệu lực hướng tới giúp tái cơ cấu các DN đã "chết lâm sàng" để biến phá sản DN trở thành "sự tàn phá sáng tạo", sáp nhập và tái cấu trúc các DN này, cũng như trợ giúp đầu tư vào khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực, cũng như các biện pháp đặc thù cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Kinh tế chưa phục hồi hẳn, nhưng TTCK đang lên điểm khá mạnh. Có gì mâu thuẫn ở đây, thưa ông?

Theo tôi được biết thì NĐT nước ngoài đang tỏ ra rất dè dặt với TTCK, không chỉ với TTCK của Việt Nam mà cả với các nước khác. TTCK trước và sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nay đã rất khác. Các thị trường phát triển phải thắt chặt hơn việc quản lý các ngân hàng, CTCK, quỹ đầu tư và cả các sản phẩm phái sinh. Họ sẽ quy định chặt chẽ các loại hàng hóa nào được chứng khoán hóa, việc chia thưởng ra sao trong các tập đoàn, sử dụng các sản phẩm phái sinh ra sao.

Về phía TTCK Việt Nam, tôi thấy có 3 vấn đề. Thứ nhất là luật pháp chưa đầy đủ, kỷ luật chưa được thực thi nghiêm. Chẳng hạn, việc chậm công bố công khai các báo cáo tài chính kiểm toán của DN niêm yết. Thứ hai là các hành vi kinh doanh nội gián ở nước ngoài xử lý vô cùng nghiêm khắc, nhưng ở Việt Nam vẫn còn nương tay. Thứ ba là cần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh mới. Cần nâng cao tính độc lập, minh bạch của hệ thống công ty kiểm toán, nhằm xóa bỏ tình trạng bất đối xứng thông tin trên thị trường.

TTCK suy thoái cùng với việc kinh tế khó khăn khiến tiến trình CPH cũng chậm lại. Điều này có tác động ngược trở lại TTCK như thế nào, thưa ông?

Tôi cho rằng, CPH không nên kỳ vọng đạt được thặng dư vốn cao như giai đoạn năm 2006, đầu năm 2007. Cần đẩy mạnh CPH trong giai đoạn hiện nay với hai mục tiêu. Thứ nhất là lành mạnh hóa DNNN, đưa các DN này sang quản lý tại một khung pháp lý thống nhất để các DN cùng bình đẳng trước pháp luật. Thứ hai là cung cấp các loại hàng hóa có chất lượng cho TTCK, nhằm nâng độ tin cậy, hấp dẫn, an toàn cho NĐT.

Trong bối cảnh hiện nay, việc thu hút NĐT nước ngoài là rất khó khăn. Không chỉ do họ khan hiếm tiền, mà bởi những biến động về tỷ giá cũng khiến lợi nhuận sụt giảm đầu tư, thí dụ như đồng Won của Hàn Quốc đã mất giá 40%, các NĐT Hàn Quốc rất khó tìm ra vốn để đầu tư vào chứng khoán hay thực hiện các cam kết FDI trước đây. Do đó, để thu hút thêm NĐT mới, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tạo ra một sân chơi lành mạnh, minh bạch cũng như đẩy nhanh hơn tiến trình CPH.

Đông Hải thực hiện
Đông Hải thực hiện

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 0.0 0.0% 230,739 tỷ
HNX 241.54 0.0 0.0% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.0 0.0% 1,197 tỷ