“Bom hẹn giờ” Pháp có thể được tháo gỡ an toàn

(ĐTCK) Pháp được một số người mô tả như một “trái bom hẹn giờ” giữa lòng châu Âu. Nói như vậy là hơi quá, mặc dù đúng là nước này vẫn cần phải tái cấu trúc trên rất nhiều lĩnh vực.
“Bom hẹn giờ” Pháp có thể được tháo gỡ an toàn

Quá trình tái cấu trúc ở nước này đến nay mới chỉ đạt được những kết quả khiêm tốn, nhưng “trái bom nổ chậm” có thể được vô hiệu hóa. Tăng trưởng kinh tế đã quay trở lại, dù còn yếu, và lợi suất trái phiếu công vẫn ở mức thấp trong nhiều thập kỷ. Một cuộc khủng hoảng nợ công tương tự như đã xảy ra ở các nước ngoại vi khu vực đồng euro còn ở rất xa với Pháp.

Tóm lại, “những người chỉ trích Pháp” đã bắt đầu thất vọng.

Vậy quả bom đã được tháo ngòi nổ? Hay là nó vẫn đang trong quá trình cháy chậm?

Pháp đang hưởng lợi từ một thực tế rằng, các nhà đầu tư tổ chức, bao gồm các công ty bảo hiểm Bắc Âu, các ngân hàng trung ương châu Á và các quỹ đầu tư công có rất ít lựa chọn ngoài việc nắm giữ các tài sản dài hạn bằng đồng euro. Trong khi đó, trái phiếu của các nước ngoại vi eurozone vẫn quá rủi ro trong con mắt của các nhà đầu tư thận trọng. Khi trái phiếu của các nước này bị bán tháo vào thời điểm cao trào của cuộc khủng hoảng khu vực, các nhà đầu tư này đã đổ dồn đến với trái phiếu chính phủ Đức. Tuy nhiên, trái phiếu chính phủ Pháp cũng không phải là một lựa chọn tồi khi nước này vẫn được thừa nhận là một phần của nòng cốt châu Âu, trong khi có lợi suất trái phiếu cao hơn.

Áp lực từ thị trường đối với Pháp trong việc thực hiện cải cách vì thế được giãn ra - ít nhất khi so sánh với sự cấp thiết ở khu vực ngoại vi vào lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nợ công.

Theo một cách hiểu, việc thiếu đi áp lực từ thị trường tạo nên tâm lý tự mãn. Sự vô kỷ luật về tài khóa đẩy chi tiêu công lên các mức cao mà điều này thì không thể duy trì được mãi, ngay cả nếu các điều kiện tài trợ là thuận lợi.

Đây là tình huống dây cháy chậm: các lựa chọn chính sách không thể kéo dài chắc chắn sẽ dẫn đến khủng hoảng, dù cho tình hình có thể được trì hoãn bởi

việc tài trợ dễ dàng.

Thậm chí, với cách nhìn lạc quan hơn, cũng không hy vọng cải cách kinh tế nhanh chóng sẽ giúp thay đổi nền kinh tế Pháp trong một sớm một chiều. Nhạy cảm chính trị trong nước sẽ ngăn cản điều này. Nhưng khoảng thời gian bình yên có được bởi môi trường tài trợ thuận lợi tạo ra cơ hội cho một quá trình điều chỉnh từ từ, nghĩa là làm tăng khả năng tháo gỡ “trái bom nổ chậm” Pháp một cách an toàn.

Điều chỉnh từng bước là hợp lý. Thật vậy, hãy nhìn vào bài học Tây Ban Nha. Việc nước này tiến hành cải cách kinh tế vĩ mô một cách đột ngột đã dẫn đến những hậu quả tai hại, như thất nghiệp tăng vọt. Và việc thắt chặt các biện pháp tiền tệ và tài khóa ở nền kinh tế lớn thứ hai eurozone đe dọa làm trầm trọng hơn tình trạng sụt giảm cầu, và do đó tăng thêm rủi ro giảm phát.

Mong muốn thực hiện cải cách từng bước trong lý thuyết có thể hành động đơn giản trong thực tiễn. Có hai lý do để lạc quan.

Thứ nhất, Chính phủ Pháp đã làm được nhiều hơn những gì được tin tưởng. Những cải cách trong lĩnh vực lao động được thông qua một năm trước cho phép sự uyển chuyển hơn ở cấp độ doanh nghiệp.

Những sáng kiến đó đề cập một cách vừa phải đến những vấn đề nhạy cảm hơn về mặt chính trị và cốt yếu hơn ở khía cạnh kinh tế vĩ mô, bao gồm: giảm trợ cấp thất nghiệp dài hạn; giảm việc làm công; khuyến khích luân chuyển lao động giữa các lĩnh vực, không chỉ trong các doanh nghiệp. Nhưng chúng phải được bắt đầu ở đâu đó.

Cải cách ở Pháp vẫn sẽ là một quá trình lưỡng lự, do được kiểm soát dưới hệ thống radar chính trị. Tiếp cận rón rén chỉ là cách để cải cách có thể sống sót về mặt chính trị.

Tuy nhiên, dù cho những lợi ích kinh tế vĩ mô của việc tái cấu trúc còn chưa rõ ràng, các thành viên thị trường vẫn nên hiểu về giá trị kinh tế vĩ mô được tạo nên bởi cải cách, ngay cả khi chúng được thực hiện lặng lẽ.

Thứ hai, mặc dù nước Pháp có lẽ là quá lớn, nước này vẫn đủ năng lực thể chế để thực hiện cải cách khi có quyết tâm chính trị. Điều này không thể áp dụng với tất cả các thành viên của eurozone. Năng lực thể chế ở đây là thứ khiến Pháp vẫn sẽ là một trụ cột của châu Âu, bất chấp các thách thức kinh tế khó khăn.

Hai lý do nói trên không phải để vẽ nên một bức tranh lạc quan cho sự thay đổi ở Pháp. Có rất nhiều việc cần được làm. Các tuyên bố gần đây của Tổng thống Pháp François Hollande cho thấy Chính phủ đang hiểu về các thách thức, nhưng hành động mới là cần thiết, chứ không phải lời nói.

Quang Huy(Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục