Bởi cuộc đời là những khoảnh khắc...

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Có những ngày, tôi ước mình có thể quay trở lại quá khứ. Không phải để thay đổi bất cứ điều gì. Đơn giản chỉ là, cảm nhận một vài khoảnh khắc… lần thứ hai…

Chúng ta đã có hẹn…

Giữa trưa nắng gay gắt, chị Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank, “thủ lĩnh” của đoàn công tác phát lệnh triệu tập gấp để tiến về đảo Hòn Nhạn - Điểm A1 đường cơ sở Việt Nam. “Đội quân” rầm rập với người điện thoại, người chạy đi tìm “đồng đội” của mình để khẩn trương hành quân rời trạm Radar 610 trên đảo Thổ Chu xuống cảng.

Điểm A1 tại Hòn Nhạn, quần đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang: N9˚15'0" - E103˚27'0" (Ảnh: Nguyễn Kiên)

Điểm A1 tại Hòn Nhạn, quần đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang: N9˚15'0" - E103˚27'0" (Ảnh: Nguyễn Kiên)

Phó tổng giám đốc Agribank tiết lộ: “Kết thúc xong hoạt động của Đoàn công tác vào giữa buổi sáng thì nhận được tin một số thành viên của Tàu 528 sẽ rời đảo Thổ Chu sớm để thăm Hòn Nhạn với sức hấp dẫn đặc biệt là trên đảo có dấu mốc chủ quyền Điểm A1. Suy nghĩ bật ngay lên lúc đó là các thành viên của Tàu 924 cũng rất nên ra thăm Điểm A1, bởi vốn đã không dễ gì có thể đến được đây thì không thể bỏ qua cơ hội tuyệt vời này”.

Để có được kết quả là lệnh triệu tập giữa trưa nắng là những cuộc điện thoại trao đổi xuyên bữa trưa của các thủ trưởng, sĩ quan của Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải quân và Phó tổng giám đốc Agribank…

Đảo Hòn Nhạn thuộc quần đảo Thổ Chu, nơi có Điểm A1 đường cơ sở Việt Nam. (Ảnh Nguyễn Kiên)

Đảo Hòn Nhạn thuộc quần đảo Thổ Chu, nơi có Điểm A1 đường cơ sở Việt Nam. (Ảnh Nguyễn Kiên)

Sau quãng thời gian ngắn, các thành viên của Tàu 924 đã tập kết tại cảng Thổ Chu để chuyển sang ghe đánh cá của dân. Dù thời tiết có hỗ trợ so với mọi khi, nhưng cũng không thực sự sóng yên biển lặng nên cảnh báo được gửi tới những người sức khoẻ không tốt, theo đó, không phải tất cả các thành viên đều lên đường. Để đảm bảo gần 30 thành viên đặt chân lên Hòn Nhạn an toàn, các thủ trưởng của Tàu 924 đã điều động 4 sĩ quan và chiến sĩ sang ghe cá của dân.

Giữa những con sóng mạnh khiến ghe cá chao đảo nhưng 4 sĩ quan, chiến sĩ với nước da sạm nắng, gương mặt rắn rỏi, cương nghị, vẫn hiên ngang, lừng lững không rời mắt khỏi các thành viên trong ghe khiến mọi người đều thấy an lòng.

Trung uý Chu Đình Dương, Phó thuyền trưởng cho biết, đảo Hòn Nhạn thuộc quần đảo Thổ Chu, cách đảo Thổ Chu khoảng 3 hải lý về phía Nam. Ngày 12/11/1982 nước ta ra tuyên bố về đường cơ sở gồm 11 điểm và Hòn Nhạn là điểm A1- điểm đầu tiên. Cột mốc cơ sở được xây dựng năm 2017 do Bộ đội Biên phòng quản lý. Địa chất của đảo là đá trắng xếp chồng, là nơi chim nhạn biển thường đến làm tổ, đẻ trứng vào mùa mưa, vì vậy có tên Hòn Nhạn. Trên đảo vốn chỉ có cây bụi, một số cây xanh thân gỗ do Bộ đội Trung đoàn 152 của Quân khu 9 mang từ đất liền ra trồng và Bộ đội Biên phòng hàng tuần lên tưới nước.

“Từ đảo Thổ Chu ghe di chuyển khoảng 40 phút chậm hơn so với thường lệ bởi một phần do ảnh hưởng của gió, dòng nên ghe bị dạt ra xa, do đó đi hơi lâu, các anh chị cố gắng”, Phó thuyền trưởng động viên.

Dập dềnh sóng biển, lắc bên phải lắc bên trái, nước biển bắn lên ghe cùng những tiếng ồ được cất lên. Chặng đường không dài nhưng cũng đủ để một vài thành viên trong đoàn say sóng, ói mửa nhưng đó chưa phải là tất cả. Khi Hòn Nhạn hiện diện rõ rệt nhất thì vẫn phải chuyển sang xuồng mới được bước chân lên đảo. Sóng mạnh nên vấn đề đổi từ ghe sang xuồng khá khó khăn và tiếp tục có thành viên “tuột xích”...

Nhưng rồi nhóm đầu tiên đã lên được chiếc xuồng nhỏ, lạch tạch tìm nơi ghềnh đá ít sóng, rồi từng người đỡ nhau đặt chân lên đảo. Bạt cây, bạt cỏ, vấp ngã, trèo qua các mỏm đá một cách nhanh nhất để cảm xúc vỡ oà khi chạm vào cột mốc cơ sở lãnh hải A1, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng ta đã có hẹn… để gặp gỡ khi đúng ngày, đúng giờ…

Tôi yêu Tổ quốc tôi

Với đặc thù công việc cùng với sự hỗ trợ nhiệt tâm của các anh, chị, em Agribank, tôi may mắn được đến thăm những địa danh, nơi đánh dấu cột mốc nơi biên cương, hải đảo, lãnh thổ của Tổ quốc. Và mỗi lần được chạm vào những biểu trưng là cảm xúc dâng trào, nhưng lần này sự thiêng liêng như bóp vụn trái tim khi âm thanh vang vọng đâu đó giai điệu của bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” hào sảng trong tiếng gió, tiếng sóng rì rào.

“Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình. Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá. Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả. Bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây. Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình. Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá. Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước. Một tấc biển cắt rời vạn tấc đất đớn đau”…

Đoàn công tác tưởng niệm các chiến sĩ quân đội đã hy sinh và hơn 500 người dân vô tội bị quân Khmer Đỏ giết hại tại đền Thổ Châu (đảo Thổ Chu). (Ảnh Nguyễn Kiên)
Đoàn công tác tưởng niệm các chiến sĩ quân đội đã hy sinh và hơn 500 người dân vô tội bị quân Khmer Đỏ giết hại tại đền Thổ Châu (đảo Thổ Chu). (Ảnh Nguyễn Kiên)

Cầm cuốn sách “Hải quân nhân dân Việt Nam tài trí dũng cảm” được Đại uý Cao Minh Hiếu, Thuyền trưởng Tàu 924 nắn nót ghi tặng chị Nguyễn Thị Phượng và đoàn công tác, lịch sử chiến đấu, bảo vệ quần đảo Thổ Chu như những thước phim quay chậm ồ ạt ùa về trong tôi…

Đó là ngày 10/5/1975, Khmer Đỏ đưa quân đánh đảo Thổ Chu, dồn hơn 500 người dân Việt Nam trên đảo đưa về Campuchia và tàn sát. Đó là 19 giờ 35 phút ngày 23/5/1975, lực lượng tham gia chiến đấu tái chiếm đảo Thổ Chu đã tập hợp đội hình ở bãi Cao Cát, chuẩn bị xuất phát đổ bộ. Hải quân nhân dân Việt Nam đưa vào trận 2 tàu vận tải của Đoàn 125 và cùng với đó là 3 tàu tuần tiễu PCF…

Là 5 giờ 15 phút sáng ngày 24/5/1975, những phát súng đầu tiên đánh chiếm bãi Ngự đã nổ và các mũi tiến công khác như bãi Mun, bãi Đông cũng đồng loạt nổ súng. Bãi Mun đã được giành lại ngay từ những phút đầu của trận đánh. Đến 8 giờ 30 phút, quân ta làm chủ bãi Đông nhưng cuộc chiến vẫn diễn ra quyết liệt ở bãi Ngự trong cả buổi sáng. Quân địch dựa vào hai điểm tựa ở phía Bắc và phía Đông Nam bãi Ngự để chống trả.

Là 9 giờ sáng ngày 25/5/1975, với sự tăng cường thêm hai tàu tuần tiễu K-62 được trang bị 2 pháo 37mm 2 nòng và 2 pháo 25mm 2 nòng, Hải quân đã dùng pháo 37mm khống chế cao điểm Đông Nam bãi Ngự và pháo 25mm bắn bộ binh địch… Quân Khmer Đỏ nhanh chóng tan rã và đến ngày 27/5/1975 trận đánh kết thúc khi các đảo khác trong quần đảo Thổ Chu được giành lại…

Một góc bình yên trên đảo Thổ Chu. (Ảnh Nguyễn Kiên)

Một góc bình yên trên đảo Thổ Chu. (Ảnh Nguyễn Kiên)

Chụp nhanh tấm ảnh kỷ niệm bên Điểm A1 uy nghiêm giữa biển trời mênh mông, xanh ngát để nhường vị trí cho các thành viên khác, chậm chậm bước từng bậc tam cấp quay về xuồng, tôi quay đầu nhìn lại, để lưu giữ cột mốc chủ quyền trên biển của Tổ quốc vào ký ức. Bởi đôi khi, chúng ta sẽ không bao giờ biết được giá trị thật sự của một khoảnh khắc cho đến khi nó trở thành kỷ niệm.

Từ ngày 14 đến ngày 20/1/2024, Tàu 528 và Tàu 924 thuộc Lữ đoàn 127, Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải quân thực hiện nhiệm vụ chở Đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, Agribank, phóng viên đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển đảo và phát triển kinh tế biển, góp phần hiện thực hoá các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về biển và phát triển bền vững kinh tế biển.

Tấp nập cảng đảo Thổ Chu. (Ảnh Nguyễn Kiên)

Tấp nập cảng đảo Thổ Chu. (Ảnh Nguyễn Kiên)

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục