Boeing không chỉ bán máy bay cho các hãng hàng không Việt Nam

Việt Nam là thị trường hàng không quan trọng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi ngành hàng không đang phát triển nhanh nhất thế giới.
Ông Skip Boyce, Chủ tịch của Boeing Khu vực Đông Nam Á, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về kế hoạch kinh doanh của Boeing tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thị trường Việt Nam quan trọng như thế nào đối với Boeing, nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới, thưa ông?

Boeing dự báo quy mô thị trường chủ yếu trên tổng thể các khu vực, chứ không phải dựa vào quy mô riêng lẻ của từng quốc gia. Theo dự báo của chúng tôi, Việt Nam là thị trường rất quan trọng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi ngành hàng không đang phát triển nhanh nhất thế giới.

Theo Khảo sát thị trường năm 2014 của Boeing, thì khu vực này được kỳ vọng sẽ chiếm tới 37% lưu lượng vận hành máy bay mới trong vòng 20 năm tới, với tổng giá trị khoảng hơn 2.000 tỷ USD. 

Ông có thể tiết lộ kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới tại Việt Nam của Boeing?

Boeing sẽ tiếp tục hợp tác với các khách hàng và đối tác Việt Nam để tìm ra các biện pháp tốt nhất, nhằm đáp ứng các yêu cầu về máy bay hiện tại và tương lai của họ, dựa trên các chiến lược tăng trưởng và bảo trì của họ. Boeing cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Cục Hàng không Việt Nam phát triển ngành hàng không Việt Nam, qua đó giúp phát triển các hãng hàng không thực hiện các chiến lược trong tương lai, đóng góp nhiều hơn nữa vào nền kinh tế Việt Nam với nhiều đường bay trực tiếp hơn nữa.

Ngoài ra, Boeing cũng sẽ hợp tác mạnh mẽ hơn với các đối tác Việt Nam để tìm ra những lợi ích chung, giúp Việt Nam vận hành và bảo trì các tàu bay một cách an toàn trong một đất nước Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh.

Việt Nam đang mở rộng một số sân bay và dự kiến cũng sẽ xây dựng thêm sân bay trong tương lai. Liệu Boeing có thấy đây là cơ hội đàm phán thêm các hợp đồng mua tàu bay với các đối tác trong nước không?

Có chứ, như tôi vừa nói, Boeing đã dự báo rằng ngành hàng không khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng rất mạnh trong hai thập kỷ tới. Thành công và tăng trưởng của ngành hàng không sẽ có tác động và liên quan tới nhiều ngành, từ thiết kế, sản xuất, lắp đặt, vận hành và bảo trì tàu bay, cho tới các ngành khác như phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng và ban hành chính sách và các quy định, thương mại và du lịch. Việc mở rộng và cải thiện các sân bay chắc chắn sẽ giúp nâng cao năng lực và cơ hội cho các hãng hàng không phát triển và thu hút nhiều hành khách hơn.

Được biết, Boeing đang hợp tác khá chặt chẽ với Vietnam Airlines và VietJet Air. Chẳng hạn như, vào tháng 4/2013, Ngân hàng Eximbank của Việt Nam cho Vietnam Airlines vay 100 triệu USD để đặt hàng mua 8 máy bay Boeing 787. Vietnam Airlines sẽ nhận 4 chiếc đầu tiên vào quý II/2015. Như vậy, bên cạnh việc hợp tác với 2 đối tác trên, thì Boeing còn mong muốn hợp tác với những đối tác nào tại Việt Nam?

Cùng với những khách hàng hiện tại, Boeing cũng đang đẩy mạnh hợp tác với một số đối tác khác tại Việt Nam, từ các nhà sản xuất, giáo dục, đến các nhà làm chính sách và các cộng đồng dân cư.

Cụ thể, Boeing đang làm việc với Học viện Hàng không Việt Nam để tìm kiếm những lĩnh vực hợp tác chung. Vào tháng 3 vừa rồi, hai bên đã ký một bản ghi nhớ về việc này. Ngoài ra, Boeing cũng đã triển khai một chương trình học bổng, trong đó cấp học bổng cho 10 sinh viên/năm trong vòng 4 năm.

Ngoài ra, các công ty sản xuất trong ngành hàng không của Việt Nam cũng đang sản xuất các linh kiện tàu bay cho Boeing, như Công ty Mitsubishi Heavy Industries Aerospace Việt Nam và Nikkiso Việt Nam tại Hà Nội sản xuất các linh kiện cho các loại tàu bay Boeing 737, 777, và 787 Dreamliners. Điều này sẽ hỗ trợ ngành sản xuất trong công nghiệp hàng không của Việt Nam phát triển, tạo việc làm và đóng góp cho đất nước.

Boeing cũng đang phối hợp với Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam về các chuẩn mực về an toàn và chính sách, phù hợp với các quy định của Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ. Điều này sẽ giúp mở các đường bay trực tiếp từ Việt Nam đến Hoa Kỳ.

Boeing cũng đẩy mạnh hợp tác với nhiều tổ chức tại Việt Nam nhằm cải thiện giáo dục và hỗ trợ người nghèo. Ví dụ, Boeing đã giúp xây dựng 26 trường học tại 21 tỉnh, hợp tác với Tổ chức Quốc tế Hagar nhằm hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân của mua bán người và bạo hành gia đình. Ngoài ra, nhằm giúp trẻ em nghèo, dị tật, Boeing cũng phối hợp với “Trả Lại Tuổi Thơ”- một tổ chức phi lợi nhuận, nhằm giúp trẻ em phát huy tối đa tiềm năng của mình thông qua việc chăm sóc về y tế, giáo dục, dinh dưỡng và đặc biệt là tình yêu thương.

Thanh Tùng thực hiện
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục