Cụ thể, trong khoảng hai tháng gần đây (từ ngày 4/7 đến 3/9), giá xăng dầu đã 4 lần giảm liên tiếp, với tổng mức giảm gần 3.400 đồng/lít, nhưng giá cước vận tải khách bằng đường bộ vẫn “án binh bất động”.
Đây có thể xem là “căn bệnh mạn tính” không được chữa trị dứt điểm. Chiêu bài chính mà các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, vận tải hành khách tuyến cố định đưa ra vẫn hết sức cũ: khi giá xăng tăng, cước không tăng, nên đến nay giá xăng giảm, cước chưa thể giảm. Tuy nhiên, đó chỉ là sự biện minh vô lý cho việc cố tình không giảm giá cước, bởi các doanh nghiệp đang hưởng lợi rất lớn khi giá nhiên liệu đầu vào giảm mạnh. Do chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35 - 40% chi phí giá thành, nên nếu giá xăng, dầu giảm 10%, cước taxi phải giảm tương ứng 5%.
Trên thực tế, khi giá xăng tăng lên 20.000 đồng/lít, không ít doanh nghiệp vận tải taxi đã vội điều chỉnh tăng thêm 500 - 1.000 đồng/km.
Điều đáng nói là, trong khi giá cước vận tải hàng hoá bằng đường bộ, vận tải hàng hoá bằng đường biển, đường thuỷ nội địa… đã được điều chỉnh liên tục trên cơ sở đàm phán giữa chủ hàng và chủ doanh nghiệp, thậm chí nhiều trong nhiều trường hợp chủ hàng khối lượng lớn còn ép giá ngược doanh nghiệp vận tải, thì trong vận tải hành khách, dù có trên 4.000 doanh nghiệp tham gia, nhưng tính cạnh tranh về giá là rất thấp.
Cuối tháng 8 vừa qua, sau 4 lần giá xăng dầu giảm liên tiếp, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã chỉ đạo các sở GTVT phối hợp sở tài chính và cơ quan liên quan, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp biến động giảm của chi phí nhiên liệu đến giá cước vận tải. Song hiện chưa thấy bất kỳ động thái nào từ phía các doanh nghiệp vận tải sau yêu cầu của cơ quan quản lý dù giá xăng vừa giảm thêm một lần nữa vào ngày 4/9.
Thực tế này cho thấy, không thể trông chờ sự tự giác của doanh nghiệp vận tải, hay sự tự điều chỉnh theo quy luật cạnh tranh của thị trường mà các hiệp hội vận tải thường biện minh cho việc tăng giá cước vận tải.
Dường như đang có một sự đồng thuận ngầm giữa hàng ngàn chủ doanh nghiệp vận tải hành khách bằng đường bộ trên khắp cả nước khi cùng nhau đẩy cước lên cho dù giá nhiên liệu tăng chút đỉnh và cố neo cước dù giá nhiên liệu giảm rất sâu. Về khía cạnh đạo đức kinh doanh, đây là sự thiếu sòng phẳng, không tôn trọng quyền lợi của khách hàng.
Cần phải nói thêm rằng, trách nhiệm của doanh nghiệp đã được quy định rất rõ trong Luật Giá, khi yếu tố hình thành giá thay đổi, doanh nghiệp có thể thay đổi giá, tăng, giảm giá cho phù hợp. Do đó, nếu doanh nghiệp không điều chỉnh giá phù hợp là hành vi vi phạm pháp luật.
Để “bốc thuốc” cho “căn bệnh” trầm kha này, cần phải nâng cao hiệu lực của cơ quan quản lý trong công tác quản lý giá cước vận tải hành khách bằng đường bộ. Đã đến lúc, các bộ, ngành chức năng cần sớm tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành tại doanh nghiệp vận tải đầu mối quy mô lớn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, công khai tên, địa chỉ các doanh nghiệp vi phạm để người dân biết và tẩy chay doanh nghiệp làm ăn gian dối, cố tình “móc túi” người tiêu dùng.
Nếu bất lực hay tiếp tục buông lỏng việc quản lý giá cước thì sẽ rất nguy hại. Khi đó, doanh nghiệp vận tải sẽ dần liên kết không giảm giá cước để thu lợi bất chính và tất yếu, lòng tin của người dân về hiệu lực quản lý nhà nước đối với loại hình dịch vụ ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh này sẽ bị mai một.