Bóc tách nợ xấu ngân hàng nửa đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xu hướng nợ xấu trong các ngân hàng thương mại đang biến động mạnh, với tỷ lệ nợ xấu nội bảng gần 5% và tổng tỷ lệ lên đến 6,9% khi bao gồm nợ tiềm ẩn. Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công khai, minh bạch vấn đề này để xã hội có cái nhìn rõ ràng hơn và các bên liên quan cùng chịu trách nhiệm.
Bóc tách nợ xấu ngân hàng nửa đầu năm

Bài viết sẽ phân tích sâu các yếu tố ẩn sau sự biến động này, giúp hiểu rõ hơn bản chất và tác động của nợ xấu đến nền kinh tế hiện tại.

Khi kinh tế khó khăn, nợ xấu của hệ thống ngân hàng luôn là một quan ngại rất lớn và thu hút sự quan tâm rộng rãi từ nhiều tầng lớp trong xã hội. Các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư đều lo lắng về tác động của nợ xấu đối với nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên gần 5% và khi tính cả nợ tiềm ẩn, con số này đạt khoảng 6,9%. Với một ngành nghề có tính đòn bẩy tài chính cao như ngành ngân hàng, đây là một tỷ lệ rất đáng lo. Sự gia tăng này không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng, mà còn có tác động sâu rộng đến chiến lược kinh doanh và quản lý rủi ro.

Ông Lê Hoài Ân, CFA

Ông Lê Hoài Ân, CFA

Vấn đề hiện tại không chỉ nằm ở yếu tố quy mô, mà còn là những diễn biến khó lường của nợ xấu, trong bối cảnh mức tăng trưởng tín dụng hàng năm vẫn ở mức cao và Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ tiếp tục được gia hạn thêm 6 tháng. Một số ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng đột biến, trong khi những ngân hàng khác lại có xu hướng giảm. Sự thay đổi trong tỷ lệ nợ xấu này không chỉ phản ánh tình hình kinh tế chung, mà còn bị chi phối bởi các yếu tố nội tại của từng ngân hàng. Nợ xấu phụ thuộc rất nhiều vào chính sách trích lập dự phòng của mỗi ngân hàng nên sẽ mang tính chủ quan nhất định, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận của các ngân hàng khi báo cáo ra ngoài.

Giải mã diễn biến nợ xấu

Đầu tiên, chúng phải hiểu là tỷ lệ nợ xấu 5% của ngành ngân hàng không phải là mức nợ xấu của tất cả ngân hàng, mà là mức nợ xấu bình quân. Mức nợ xấu của các ngân hàng niêm yết (chiếm khoảng 80% dư nợ) vẫn ở mức dưới 3% nên nợ xấu mức cao phần lớn tập trung ở các ngân hàng chưa niêm yết hay các ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Đây là nợ xấu từ những doanh nghiệp nội tại yếu kém và khi kinh tế khó khăn, nhóm doanh nghiệp này càng trở thành nguồn phát sinh nợ xấu và thực tế là đã và đang được Ngân hàng Nhà nước khoanh vùng xử lý.

Do đó, sẽ phù hợp hơn khi chúng ta tập trung vào việc phân tích diễn biến số liệu nợ xấu của các ngân hàng niêm yết hiện tại. Xu hướng nợ xấu của các ngân hàng thương mại đã chứng kiến nhiều biến động trong suốt một năm qua. Quý III/2023, tỷ lệ nợ xấu tăng cao lên mức 2,24%, trước khi giảm về mức 1,96% trong quý IV/2023 nhờ vào các giải pháp khác nhau. Dù vậy, tỷ lệ này đã tăng trở lại lên 2,18% vào quý I/2024 và tiếp tục tăng nhẹ lên 2,22% trong quý II/2024.

Nợ xấu hiện tại là tác động đan xen của những ảnh hưởng tiêu cực do tình hình tài chính của một số doanh nghiệp gặp khó khăn khi kinh tế chậm phục hồi và những tác động tích cực từ việc tình hình tài chính của một số doanh nghiệp được cải thiện khi các ngân hàng thúc đẩy giải ngân cho tăng trưởng tín dụng. Một điểm cần lưu ý trong số liệu của kỳ báo cáo này, đó là việc hệ số bao phủ nợ xấu, đo lường bởi mức trích lập dự phòng rủi ro các ngân hàng đã thực hiện so với quy mô nợ xấu, tiếp tục xu hướng giảm. Điều đó thể hiện sức chống chịu rủi ro nói chung của hệ thống đã giảm đi đáng kể so với cách đây 2 năm.

Diễn biến thay đổi nợ xấu hiện tại không chỉ liên quan đến tình hình nợ xấu của các ngân hàng, mà còn phụ thuộc vào chiến lược tăng trưởng và khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng. Để thấy rõ điều này, chúng ta sẽ thực hiện chia tách 27 ngân hàng niêm yết thành 4 nhóm: Ngân hàng quốc doanh, ngân hàng tư nhân lớn, ngân hàng tư nhân trung bình và ngân hàng nhỏ. Kết quả cho thấy, các ngân hàng quốc doanh có tỷ lệ nợ xấu trung bình khoảng 1,5%; các ngân hàng tư nhân lớn có tỷ lệ này từ 2-3%; còn các ngân hàng tư nhân trung bình và nhỏ lại có tỷ lệ nợ xấu cao hơn hẳn, từ 4-6% và có dấu hiệu tăng mạnh trong những quý gần đây.

Xu hướng nợ xấu theo từng nhóm ngân hàng

Tăng trưởng tín dụng nhanh trong thời gian ngắn và chiến lược kinh doanh khác biệt của từng ngân hàng cũng góp phần làm thay đổi tỷ lệ nợ xấu. Do đó, việc hiểu định hướng chiến lược kinh doanh của từng nhóm ngân hàng tiêu biểu đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của những mức thay đổi nợ xấu để thấy ở thời điểm hiện tại, nợ xấu tăng chưa hẳn đã xấu và nợ xấu giảm chưa hẳn đã tốt.

Các ngân hàng quốc doanh trong giai đoạn này tỏ ra thận trọng hơn trong việc trích lập dự phòng nợ xấu nhằm bảo đảm an toàn tài chính. Tranh thủ giai đoạn Thông tư 02 vẫn còn có hiệu lực, các ngân hàng như Vietcombank, BIDV và VietinBank đều ghi nhận nợ xấu và gia tăng trích lập hàng quý. Mặc dù vậy, tỷ lệ nợ xấu của nhóm ngân hàng này vẫn thuộc nhóm thấp nhất thị trường và danh mục cho vay của họ có mức ổn định cao hơn các nhóm khác.

Ngược lại, các ngân hàng tư nhân có xu hướng giảm trích lập để tối ưu hóa lợi nhuận đi kèm với chiến lược đa dạng hóa danh mục cho vay để duy trì tăng trưởng. Ví dụ, Techcombank đẩy mạnh cho vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ so với việc tập trung vào các hệ sinh thái doanh nghiệp bất động sản như trước đây, trong khi ACB tập trung vào tín dụng doanh nghiệp vừa và lớn sau khi mảng khách hàng cá nhân không có nhiều động lực tăng trưởng như giai đoạn trước. Điều này cho thấy sự khác biệt trong chiến lược kinh doanh và quản lý rủi ro của từng ngân hàng: Techcombank với chiến lược mở rộng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn do rủi ro phân tán hơn; còn ACB định hướng vào các doanh nghiệp lớn, lại phải đối mặt với rủi ro cao hơn do sự phụ thuộc vào một số ít khách hàng, nên đòi hỏi khả năng quản trị rủi ro tốt hơn. Những ngân hàng tốt trong nhóm này sẽ cố gắng kiểm soát nợ xấu trong một biên độ nhất định và cân bằng với vấn đề tăng trưởng lợi nhuận.

Cuối cùng, nhóm các ngân hàng thương mại tư nhân quy mô nhỏ đều có sự gia tăng đáng kể tỷ lệ nợ xấu. Bên cạnh phần nợ xấu của các ngân hàng không niêm yết, phần nợ xấu của các ngân hàng trong nhóm này cũng là khu vực cần lo lắng hơn cả. Do không có nhiều lợi thế trong việc lựa chọn khách hàng nên các khách hàng vay của các ngân hàng trong nhóm này cũng thường có năng lực tài chính kém hơn, nên dễ bị tổn thương hơn trước điều kiện kinh tế khó khăn kéo dài. Do đó, khu vực này cần sự giám sát chặt chẽ hơn về diễn biến nợ xấu và các kế hoạch tăng trưởng tín dụng nhằm quản lý rủi ro cho hệ thống.

Nợ xấu trong các ngân hàng là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi phân tích toàn diện và chiến lược quản lý hiệu quả. Việc hiểu rõ bản chất và các yếu tố tác động đến nợ xấu sẽ giúp các ngân hàng điều chỉnh chiến lược kinh doanh, từ đó đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành. Sự biến động của nợ xấu không chỉ phản ánh tình hình kinh tế chung, mà còn là hệ quả của các quyết định chiến lược và quản lý rủi ro của từng ngân hàng. Chỉ khi nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và toàn diện, chúng ta mới có thể đưa ra các giải pháp hiệu quả để quản lý và kiểm soát nợ xấu.

Lê Hoài Ân, CFA

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục