Bob Iger, người khai phá “mỏ vàng” cho đế chế Walt Disney

(ĐTCK) Nói tới thành công của Walt Disney, không thể không nhắc tới các thương vụ mua lại nổi tiếng của hãng này. “Cây đũa thần” M&A nhắm vào đâu, lợi nhuận lại ào ạt đổ về Walt Disney đến đấy. Và người có công lớn nhất trong những thành quả ấy, không ai khác chính là CEO Bob Iger.

Thứ Ba tuần trước, CEO Bob Iger cho biết, Walt Disney đã thỏa thuận mua lại 33% cổ phần của tập đoàn kinh doanh công nghệ BAMTech với giá 1 tỷ USD. Thỏa thuận này sẽ giúp hãng tiếp cận với công nghệ trực tuyến mạnh mẽ của BAMTech - được dự đoán sẽ sử dụng cho kênh truyền hình cáp ESPN của Walt Disney.

“Chúng tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ với BAMTech nhằm mục đích tìm ra những cách thức mới để cung cấp các nội dung độc đáo của Walt Disney thông qua một loạt nền tảng”, Iger nói.

Đây được cho là khoản đầu tư lớn nhất của Walt Disney vào mảng kỹ thuật số trong nhiệm kỳ của Iger - một trong những bước đi chiến lược của vị CEO này với quan điểm: “Các thiết bị công nghệ cao ngày càng được sử dụng trong nhiều hoạt động của con người. Do đó, điều mà chúng ta cần làm là tích cực áp dụng tiến bộ công nghệ cao để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng”. Cũng nhờ thông báo này, cổ phiếu của Walt Disney đã tăng thêm 1,23%.

Ngược dòng thời gian, có thể thấy, những thương vụ mua lại khác của Bob Iger đều mang về những món hời lớn cho Walt Disney. Ngay sau khi tiếp quản vị trí CEO vào năm 2005, đến đầu năm 2006, Iger đã tiến hành mua lại Hãng phim Pixar với giá 7,4 tỷ USD, vốn nổi tiếng với công nghệ và kỹ xảo sản xuất phim hoạt hình 3D vượt trội. Trong bối cảnh người tiền nhiệm của Iger là Micael Eisner có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Steve Jobs (CEO của Pixar khi đó), thì việc Iger chủ động bắt tay với Jobs cho thấy tầm nhìn thấu đáo của ông. Và chỉ 12 tháng sau đó, cổ phiếu của Disney tăng 36%.

Sau đó 3 năm, Bob Iger tiếp tục gây chú ý khi chi 4,2 tỷ USD mua lại Marvel, hãng giải trí và truyện tranh hàng đầu thế giới. Trong cuộc hội đàm với các nhà đầu tư, Iger cho biết, thương vụ này cho phép Walt Disney bán các hình tượng nhân vật điện ảnh nổi tiếng của Marvel thông qua các kênh truyền thông khác nhau và tại nhiều thị trường hơn nữa.

Thực tế cho thấy, chỉ với 2 “bom tấn” là “Iron Man 3” và “The Avengers: Age of Ultron” đã giúp Walt Disney thu về 4,1 tỷ USD tại các phòng vé trên toàn cầu, trả lại cho hãng này số tiền đã bỏ ra khi thâu tóm Marvel. Các hình tượng siêu anh hùng của Marvel còn giúp cho Walt Disney thu được lợi nhuận lớn từ việc xây dựng các công viên chủ đề hấp dẫn ở khắp nơi trên thế giới. Một năm sau khi nắm trong tay “hơn 5.000 siêu nhân và quái thú” của Marvel, cổ phiếu của Disney tiếp tục tăng thêm 25%.

Trong một động thái được các chuyên gia thị trường coi là khá bất ngờ khác, năm 2012, Walt Disney đã bỏ ra 4,05 tỷ USD mua lại Lucasfilm – hãng sản xuất chuỗi phim nổi tiếng “Star Wars”. Không chỉ là một nhà sản xuất phim, Lucasfilm còn làm game trên máy tính với bộ phận LucasArts, các công nghệ tạo hiệu ứng hình ảnh với “Industrial Light and Magic”. Vì thế, việc Walt Disney mua lại Lucasfilm được ví như là sự kết hợp giữa Hollywood với game lẫn cả công nghệ. Thương vụ này cũng cho thấy mối quan tâm đặc biệt và dài hạn của Bob Iger đối với công nghệ - lĩnh vực có mối quan hệ chặt chẽ với nội dung trong việc phủ sóng.

Tuy nhiên, khả năng của Bob Iger không chỉ dừng lại ở các quyết định thâu tóm các thương hiệu tỷ USD, vị CEO 65 tuổi này còn nhận được sự khâm phục ở các quyết định “thâu tóm nhân tài”. Chưa tính đến cái bắt tay với cố CEO Steve Jobs, Iger đã có một trong những quyết định đúng đắn nhất khi xây dựng “đế chế” Walt Disney, đó là tuyển mộ Alan Horn, dựa trên quan điểm “trọng dụng nhân tài của đối thủ”.

Năm 2011, Alan Horn - nhân tài một thời của Warner Bros, người đứng sau nhiều dự án “bom tấn” như series Harry Potter - bị buộc phải ra đi vì “đã già”. Thế nhưng, thật may mắn cho cả Alan Horn lẫn Walt Disney khi Bob Iger đã đặt trọn niềm tin vào “vị tướng già 68 tuổi” này. Iger đã giao cho Horn chức Chủ tịch Disney Studios với niềm tin rằng, ở Hollywood, Alan Horn là người “hiểu rõ nhất về quan điểm của giới bình dân”.

Niềm tin đó đã đặt đúng chỗ, khi lợi nhuận từ Disney Studios tăng mạnh qua từng năm nhờ có Alan Horn. Đặc biệt, năm 2015, nhờ 2 siêu phẩm “The Age of Ultron” và “The Force Awakens” do Alan Horn cầm trịch, Walt Disney chiếm tới phân nửa số lợi nhuận mà Hollywood đạt được (2,5 tỷ USD so với 5,2 tỷ USD).

“Đó là một mức độ thành công điên rồ”, nhà phân tích Doug Creutz nhận xét.

Bob Iger quả thực đã tiếp quản và xây dựng thành công “đế chế” Walt Disney hùng mạnh bằng những quyết định thâu tóm tài tình. Song, không có vị vua nào tại vị mãi. Và “vua” Bob Iger cùng “lão tướng” Alan Horn cũng đang ở nhiệm kỳ cuối, với hợp đồng kết thúc vào năm 2018. Liệu Walt Disney có thể tìm được một vị vua mới với tài năng tương xứng để tiếp tục khai phá những “mỏ vàng” tiềm năng?

Mai Thảo (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục