Ngày 28/5, Bộ Y tế đã ban hành công văn khẩn gửi các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương về việc hướng dẫn cách ly, xét nghiệm trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp.
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các cơ sở sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp phải thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá.
Căn cứ kết quả kiểm tra, đánh giá để xem xét quyết định cho phép bộ phận, dây chuyền, phân xưởng của cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc toàn bộ cơ sở sản xuất kinh doanh có được tiếp tục sản xuất hoặc dừng sản xuất để khắc phục đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tiếp tục đánh giá an toàn Covid-19 và cập nhật trên bản đồ an toàn Covid-19.
Bên cạnh đó, với các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, Bộ Y tế yêu cầu tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 hằng tuần cho các đối tượng liên quan và báo cáo kết quả cho Sở Y tế.
Các đối tượng phải xét nghiệm hằng tuần bao gồm toànbộ người lao động tham gia cung cấp các dịch vụ cho cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp như ăn uống, dịch vụ khách sạn, lưu trú cho chuyên gia, vận chuyển vật tư, hàng hóa, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì máy móc ...
Xét nghiệm ngẫu nhiên cho 20% người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp và khu nhà trọ của người lao động có nguy cơ. Quản lý chặt chẽ người lao động đi, đến từ khu vực có dịch hoặc tham gia các sự kiện tập trung đông người có nguy cơ cao.
Yêu cầu phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động trong khu công nghiệp và những người liên quan (người cung cấp dịch vụ, suất ăn, vận chuyển vật tư, hàng hóa...).
Bộ Y tế yêu cầu tại các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh các phương tiện vận chuyển người lao động đảm bảo các quy định phòng, chống dịch gồm giãn cách sử dụng dưới 50% công suất vận chuyển), mở cửa sổ (nếu có) và hạn chế sử dụng điều hòa, vệ sinh khử khuẩn phương tiện sau mỗi lần đưa đón người lao động và thực hiện 5K.
Khi có ca mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, trước khi đưa các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đi cách ly y tế thì phải thực hiện phân nhóm theo từng dây chuyền, phân xưởng sản xuất và mức độ nguy cơ tiếp xúc; n3hững nhóm có cùng nguy cơ bố trí cách ly y tế trong cùng phân khu cách ly.
Cũng theo Bộ Y tế, khi số lượng các trường hợp FI vượt quá năng lực cách ly của địa phương, có thể áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung (khu vực phong tỏa) ngay tại khu vực, địa điểm có đông người lao động là F1 lưu trú (ký túc xá, nhà trọ tập trung đông công nhân). Điều này thực hiện thí điểm đối với tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Đồng thời khi cách ly Bộ Y tế yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định như đối với khu cách ly y tế tập trung lắp camera giám sát, yêu cầu không ra khỏi nơi lưu trú; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ, để lây nhiễm chéo trong khu vực phong tỏa và lây lan rộng ra cộng đồng.
Trưa ngày 28/5 thông tin từ Bộ Y tế cho thấy tại các ổ dịch phát hiện thêm 40 ca mắc Covid-19. Cụ thể, Bắc Giang 23 ca, Bắc Ninh 13 ca, Hải Dương 1 ca, Hưng Yên 1 ca, Hà Nam 1 ca, Hà Nội 1 ca.
Các bệnh nhân đều thuộc diện F1 hoặc được phát hiện trong khu phong tỏa. Cùng ngày, Bộ Y tế công bố 43 trường hợp mắc Covid-19 khỏi bệnh.