Ngày 17/8, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, đã làm việc với Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về công tác chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19, bao gồm triển khai gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 và cấp cứu, điều trị theo mô hình tháp 3 tầng.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hiện Thành phố đã chuyển đổi mô hình thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 từ tháp 5 tầng thành tháp 3 tầng.
Trong đó, tầng 1 hiện có 18.120 F0 cách ly tại nhà và 153 cơ sở cách ly tập trung F0 tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức (khoảng 24.000 giường bệnh). Tầng 2 gồm có 74 bệnh viện điều trị với 49.392 giường.
Tầng điều trị thứ 3 gồm 8 bệnh viện hồi sức COVID-19 trên địa bàn Thành phố và 5 Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 của Bộ Y tế trên địa bàn với gần 3.850 giường bệnh.
Cùng với đó là áp dụng song song 2 trụ cột gồm: gói chăm sóc sức khỏe tại nhà đối với người mắc COVID-19 (F0) mới được phát hiện tại cộng đồng và gói thứ 2 là cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện của Thành phố.
Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, Thành phố đã tăng quy mô giường có oxy và các trang thiết bị y tế tại các bệnh viện ở tầng 2, triển khai nâng cao năng lực tiếp nhận cuộc gọi và vận chuyển bệnh nhân cấp cứu, triển khai thêm các thuốc điều trị đặc hiệu kháng SARS-CoV-2 tại các bệnh viện tầng 2 và 3 (thuốc Remdisivir)....
Đồng ý với việc phân tầng điều trị thành 3 tầng của Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đồng thời đánh giá cao việc Thành phố đã sáng tạo đưa ra mô hình chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 theo 2 trụ cột.
Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, việc chăm sóc sức khỏe cho F0 tại nhà vô cùng quan trọng, trong đó cần triển khai xét nghiệm tại chỗ, nếu phát hiện ra F0 thì khoanh luôn nhà đó, phát luôn túi thuốc chăm sóc điều trị tại nhà và túi an sinh dùng trong 1 tuần.
"Xét nghiệm tại chỗ, chăm sóc tại chỗ và an sinh tại chỗ sẽ góp phần làm giảm lây nhiễm, giúp hạn chế chuyển tình trạng nặng," Bộ trưởng nhấn mạnh.
Song song đó, Thành phố cũng cần mở rộng tầng 2 và tầng 3, trong đó lưu ý tầng 2 phải bắt buộc có oxy và thuốc chống đông, kháng viêm... Đây là tầng dành điều trị người bệnh trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người không có khả năng tự chăm sóc bản thân.
Nếu điều trị trong 7-10 ngày, bệnh nhân tiến triển, khỏe thì cho về nhà cách ly theo dõi y tế kèm theo túi thuốc chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Còn ở tầng 3, các bệnh viện bắt buộc phải giao ban hàng ngày về chuyên môn với các bệnh viện ở tầng 2, đồng thời cử ê-kíp y bác sỹ xuống tầng 2 hỗ trợ liên tục về chuyên môn để vừa lọc bệnh nhân ở tầng 2, chuyển tuyến tầng 3 ngay khi cần, vừa hướng dẫn thêm cho y, bác sỹ tại tầng 2.
Bên trong phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Dã chiến 13 Huyện Bình Chánh, TP.HCM. (Ảnh: TTXVN phát). |
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng thêm các Tổ đáp ứng nhanh tại các xã, phường (hiện Thành phố có 312 tổ); mỗi tổ này chỉ cần 1-2 nhân viên y tế, còn lại là tình nguyện viên (có thể xem xét huy động lực lượng quân đội); có trạm oxy ngay tại các địa bàn do Tổ đáp ứng nhanh thường trực/Tổ dân phố quản lý và sử dụng ngay cho người dân khi cần cấp cứu.
"Nếu chúng ta làm được thế, người dân sẽ càng yên tâm vì được tiếp cận mọi dịch vụ y tế trực tiếp tại địa bàn sinh sống," Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng quán triệt: "Nếu bệnh viện công nào từ chối bệnh nhân, đề nghị Thành phố kỷ luật, nếu cơ sở y tế trực thuộc Bộ thì Cục Quản lý Khám chữa bệnh kỷ luật. Nếu là cơ sở y tế tư nhân sẽ rút giấy phép ngay. Chúng ta phải đặt tính mạng, sức khỏe của người bệnh lên trên, lên trước hết."
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đặc biệt lưu ý Thành phố Hồ Chí Minh cần lưu tâm thực hiện 5 điểm trong công tác phòng, chống dịch giai đoạn này, đó là thực hiện nghiêm giãn cách xã hội song song thực hiện an sinh xã hội tại chỗ. Bởi chỉ khi người dân được cung cấp các gói an sinh xã hội, họ sẽ không phải ra bên ngoài và như thế sẽ hạn chế được sự lây nhiễm dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Thành phố phải thực hiện xét nghiệm sớm nhằm phát hiện nguồn lây, bóc tách F0 khỏi cộng đồng để có biện pháp hỗ trợ sớm, tránh để lây lan nhanh, diện rộng.
Đồng thời, đặt mục tiêu giảm tối đa các trường hợp tử vong do COVID-19 và thúc đẩy các nguồn lực để nhanh chóng tăng độ bao phủ vaccine toàn bộ dân số.