Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: “Không thể vô cảm với mong muốn của người dân”

(ĐTCK) “Khi nào còn một ai đó chưa có nhà vì bất kể lý do gì thì khi đó còn trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của các cấp ngành, đặc biệt là của ngành xây dựng. Chứ không thể nói một cách vô cảm rằng, ông này, bà này không có chỗ ở vì họ không có tiền. Những người nghèo, người tàn tật, cô đơn, không nơi nương tựa phải có chỗ ở. Mọi người trong xã hội đều có quyền có một chỗ ở tử tế…”. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trải lòng trước thềm Xuân mới.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng

Chuyện về những chuyến đi

Trời Hà Nội những ngày cuối năm con Ngựa vẫn rét tê tái, nhưng mấy hôm nay nắng đã hửng lên thay cho những cơn mưa dầm dề ướt át. Cũng như bất động sản năm qua, những ý kiến dầu thận trọng nhất cũng phải thừa nhận rằng, thị trường đã dần qua cơn bĩ cực. Hơn 22.000 giao dịch bất động sản thành công chỉ trên 2 thị trường lớn TP. HCM và Hà Nội, tăng gần gấp đôi so với năm 2013; tồn kho bất động sản giảm hơn 20.000 tỷ đồng… Những con số ấn tượng hẳn khiến “người trong cuộc” phải xoa tay hài lòng mỗi khi nhắc đến.

Tuy nhiên, cuộc trò chuyện của Đầu tư Bất động sản với người đứng đầu ngành xây dựng lại không bắt đầu bằng những điểm son đó, mà là về những chuyến đi.

Còn nhớ, giữa năm rồi, khi cuộc tranh luận “tư lệnh ngành nên ra trận nhiều hay nên ngồi trong trướng mà quyết việc ngoài ngàn dặm” đang khá nóng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường từng phát biểu, ông “rất khâm phục những bộ trưởng ra trận nhiều, trong đó có ông Trịnh Đình Dũng”.

Lại thêm việc ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, tại Hội nghị trực tuyến ngành xây dựng giữa tháng 1/2015 cứ nhắc đi nhắc lại lời cảm ơn ông Dũng đã sát sao tại hiện trường vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng để chỉ đạo việc giải cứu công nhân. Ông Việt bảo, sự có mặt của ông Dũng, cùng với các vị lãnh đạo khác không chỉ khiến mọi việc răm rắp theo guồng, mà còn động viên tâm lý rất lớn với các chủ nhà đang lúc “nguồn cơn bối rối”. 

Nghe nhắc lại những chuyện đó, ông Dũng cười và bảo rằng, thói quen đi cơ sở ông vẫn giữ từ khi còn ở địa phương. Và bản thân ông vốn đi lên từ cơ sở khi từng là công nhân tại Xí nghiệp Khảo sát thiết kế xây dựng tỉnh Vĩnh Phú, dần lên vị trí Xưởng trưởng, Phó phòng, rồi Trưởng phòng… và đến cương vị Bộ trưởng như hôm nay.

“Có lúc đi công khai, có lúc đi cá nhân. Đi để va chạm thực tế, để thấy những điều gì trong lòng mình không ổn thì phải suy nghĩ, phải trăn trở”, ông Dũng nói và bảo rằng, chính những chuyến đi đã từng cho ông thấy những bất hợp lý khi thu hồi đất của dân để năm 2005, trên cương vị Bí thư Vĩnh Phúc, ông đã chỉ đạo thực hiện chính sách cấp đất dịch vụ cho dân khi thu hồi đất để thực hiện dự án. Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng chính sách này và được đánh giá là “đã giúp cho Trung ương bài học giải phóng mặt bằng".

Những chuyến đi thực tế, theo ông Dũng, sẽ giúp người làm chính sách có trách nhiệm và bớt vô cảm hơn. “Nếu anh đi ngoài đường thấy một người tai nạn, anh đứng lại giúp người ta thì có khi chỉ vài phút thôi, anh có thể cứu một mạng người. Nhưng nếu anh vô cảm thì có thể người gặp nạn sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Dĩ nhiên tôi nhận thức, cá nhân bất cứ ai cũng không thể làm hết mọi việc, mà làm sao để nhiều người cùng làm. Chính vì thế, phải có chính sách phù hợp. Nhân lên những điều tốt, hạn chế những mặt tiêu cực bằng chính sách. Thị trường bất động sản hay cuộc sống nói chung cũng vậy thôi bạn ạ”, ông Dũng trải lòng.

Nguồn: CBRE

Nói về thị trường bất động sản, thưa Bộ trưởng, năm qua, bên cạnh những tín hiệu phục hồi về thanh khoản… mà ai cũng thấy, có một điều quan trọng là sự thay đổi về tư duy của các thành viên thị trường, từ chủ đầu tư, khách hàng, đến ngân hàng cho vay vốn, thay vì phát triển dự án bằng mọi giá, mua bán bằng mọi giá, đã căn cơ, thận trọng hơn nhiều. Theo Bộ trưởng, chính sách đã có tác động như thế nào đến sự thay đổi tư duy đó?

Trước tiên, phải khẳng định các chính sách, các giải pháp của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã trúng, trong đó đặc biệt là quan điểm rất khoa học, thực tiễn và có tính nhân văn là tháo gỡ khó khăn cho thị trường phải gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, bởi Chiến lược nhà ở đề ra các mục tiêu để người dân được cải thiện nhà ở, kể cả người nghèo, người không có thu nhập.

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, ngay tại khu vực đô thị, có tới 80% người cần sự hỗ trợ về nhà ở. Nhưng sản phẩm bất động sản, chỗ thừa cứ thừa mà chỗ thiếu vẫn thiếu. Thiếu sản phẩm quy mô vừa và nhỏ, vừa túi tiền người dân, thiếu cả sản phẩm cần sự hỗ trợ của Nhà nước với người nghèo, không đủ khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường…

Từ nguyên tắc bất động sản sản xuất ra phải phục vụ nhiều đối tượng, đến với đa số người tiêu dùng, sẽ dẫn đến yêu cầu phải đa dạng hóa các sản phẩm. Qua đó, các chủ đầu tư bất động sản bắt buộc phải chuyển dịch, phải điều hòa lại, không tập trung ở chỗ cao cấp, mà chuyển dần sang khu vực có nhu cầu lớn hơn.

Như anh Đặng Hùng Võ mới đây có nói, đó chính là phép dụng binh trên thị trường bất động sản. Tức là việc ban hành và thực thi các chính sách đã làm thay đổi cục diện thị trường. Lý luận thì rất mênh mông, nhưng với tôi, chính sách phải cụ thể, phải hướng về và phù hợp với cuộc sống.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng kiểm tra dự án nhà ở xã hội của Tổng công ty HUD 

Không thể giúp người nghèo nếu… vẫn nghèo

Nói về những điều cụ thể, vậy thưa Bộ trưởng, những quan điểm có tính nguyên tắc đó được triển khai ra thành những giải pháp cụ thể nào?

Rõ ràng, chính sách không có giải pháp triển khai đó sẽ là “chính sách chết”. Từ quan điểm mọi người đều phải có nhà ở, Bộ Xây dựng đã đưa ra hàng loạt giải pháp. Đó là rà soát tất cả các dự án dang dở. Dự án nào tạm dừng, dừng hẳn, dự án nào tiếp tục được thực hiện. Rồi yêu cầu chuyển đổi một bộ phận sản phẩm từ cao cấp xuống bình dân. Yêu cầu và có cơ chế cụ thể hỗ trợ chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Nghị định 188 với những nội dung rất quyết liệt về phát triển nhà ở xã hội sau này chính là nòng cốt của 1 chương về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua.

“Khi cơ chế đã rõ ràng, các chủ đầu tư sẽ phải tính toán tùy thuộc vào khả năng của mình. Anh có tài chính mạnh, chuyên nghiệp cao thì làm dự án cao cấp. Anh năng lực tài chính yếu hơn thì làm dự án bình dân. Nhà nước không bỏ tiền ra để “cứu” bất cứ nhóm đối tượng nào mà hỗ trợ thị trường bằng chính sách. Chẳng hạn, Nhà nước không thu tiền sử dụng đất để giảm giá nhà, hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp…, đó chính là đầu tư. Thay vì đầu tư trường học, đường sá, thì đầu tư cho nhà ở. Mà đầu tư cho nhà ở cũng chính là đầu tư cho tăng trưởng.

Thị trường bất động sản thời gian qua ấm lên đã góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhiều lĩnh vực phụ trợ như sắt thép, xi măng, hàng nội thất, kể cả dệt may… theo đó tiêu thụ tốt hơn. Các ngân hàng cũng phần nào giải quyết được nợ xấu. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là việc hướng thị trường đi theo quan điểm mọi người dân đều phải có nhà.

Nhưng với các chủ đầu tư, mục tiêu tối thượng của họ là lợi nhuận. Không thể bắt họ chia sẻ trách nhiệm xã hội nếu họ không muốn, thưa Bộ trưởng?

Đúng vậy. Nhưng việc này sẽ được điều tiết bằng chính sách. Với ngành xây dựng, phát triển nhà ở xã hội là một chỉ tiêu bắt buộc. Không có chuyện tự giác, tự nguyện như trước đây nữa. Trách nhiệm đảm bảo nhà ở cho người dân là trách nhiệm của Nhà nước, các cấp chính quyền, có tính pháp lệnh.

Nói lý thuyết thì dài dòng, nhưng theo tôi, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa chính là chúng ta dùng công cụ tư bản, dùng thị trường để thực hiện mục tiêu vì con người.

“Dùng công cụ tư bản vì sao”? Để tạo động lực, để nhiều tiền lên, từ đó dùng chính sách để điều tiết lại cho những người nghèo, những người khó khăn. Các sắc luật về nhà ở, về bất động sản vừa được thông qua, trong đó mở rộng thị trường trong nước, mở cửa cho người nước ngoài mua nhà, xuất khẩu tại chỗ bất động sản… chính là để tạo ra nhiều tiền.

Đất nước này không thể giúp người nghèo có nhà nếu nền kinh tế vẫn nghèo, vẫn thu nhập thấp.

Năm qua, Bộ trưởng có nhiều phát biểu gây ấn tượng, như “cứu doanh nghiệp là cứu dân, cứu nền kinh tế” hay “bất động sản làm ra phải đến được với người dân”. Tuy nhiên, so sánh thu nhập trung bình hiện nay với giá nhà thì đa số người dân vẫn khó tiếp cận nhà ở?

Tôi khẳng định, Chiến lược nhà ở mới chỉ đang bắt đầu. Chúng ta phải mất nhiều thời gian, không thể vội vàng, nôn nóng hay cực đoan. Chúng ta hiện thu nhập 2.000 USD/người/năm thì hỗ trợ nhà ở phải là một chiến lược phải lâu dài, vì những nước thu nhập 50.000 USD/người/năm, người ta vẫn phải hỗ trợ nhà ở cho người dân.

Chẳng hạn như trong Nghị định 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội nói rõ, các ngân hàng phải dành nguồn vốn nhất định để cho vay phát triển nhà ở cho người khó khăn, thu nhập thấp. Như vậy, không chỉ có gói 30.000 tỷ đồng. Thống đốc Nguyễn Văn Bình và tôi đã thống nhất, rằng không gọi đó là gói 30.000 tỷ đồng nữa, mà là gói hỗ trợ lâu dài về nhà ở.

Vì vậy, giải pháp hỗ trợ của Nhà nước nhanh chóng, kịp thời rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là đúng đối tượng và có hiệu quả….

Vĩ thanh

Chuông điện thoại của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng liên tục reo, anh thư ký đã vài lần ngó vào nhắc Bộ trưởng về một cuộc họp đã trễ. Nhưng chẳng mấy khi có được cuộc trò chuyện này, tôi “làm phiền” thêm một câu hỏi nữa. Rằng, nếu tính từ tháng 5/2010, thời điểm Bộ trưởng được điều về 37 Lê Đại Hành đến nay đã 5 năm. Lại đúng 5 năm thị trường bất động sản rơi vào chu kỳ suy thoái. Có người bảo “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, nhưng cũng có người cho rằng, nếu ông cứ ở cương vị đứng đầu một tỉnh đầy năng động và phát triển như Vĩnh Phúc thì hẳn đã không phải lao tâm khổ tứ như những năm qua. Đã sắp hết một nhiệm kỳ Bộ trưởng, ông có thể đánh giá đâu là những điều tâm đắc nhất của mình? 

Trầm tư hồi lâu, ông Dũng trả lời: Bí thư Vĩnh Phúc hay Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Xây dựng là nhiệm vụ Trung ương điều động. Không có việc thích hay không thích, làm hay không làm, mà chỉ là làm như thế nào!

Điều tâm đắc nhất của tôi trong nhiệm kỳ vừa rồi là cơ bản hoàn thiện được cơ chế, chính sách cho ngành xây dựng, bất động sản, quản lý đô thị. Chính sách tốt sẽ động viên tất cả mọi người thực hiện, sẽ huy động được sức mạnh toàn xã hội vì một mục tiêu chung.

Thứ nữa là đưa được chính sách mới với quan điểm mới vào cuộc sống. Trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, giao đúng người đúng việc, quy trách nhiệm tập thể, cá nhân rõ ràng. Trong công tác quản lý phát triển đô thị phải theo kế hoạch, quy hoạch, hạn chế tình trạng đầu tư tự phát, phong trào, quá khả năng thanh toán của nền kinh tế.

Thị trường bất động sản có ảnh hưởng cực lớn đến mỗi người dân, vì ai chẳng có hoặc mong có được một mái ấm. Vì vậy, áp lực với người quản lý thị trường cũng không nhỏ. Tuy nhiên, điều xuyên suốt mà tôi luôn tâm niệm là phải làm thế nào tạo điều kiện để mọi người dân đều có nhà. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Khi người ta giàu có thì cho nhau cái xe máy, cái ô tô có khi chả là cái gì cả. Nhưng với những người khó khăn, có khi chỉ vài trăm ngàn cũng đủ để giúp người ta qua cơn bĩ cực.

Vấn đề là chúng ta không được vô cảm, kể cả vô cảm khi đứng ở vị trí của người ban hành và thực thi chính sách hay vô cảm khi là một cá nhân chứng kiến những mảnh đời, những thân phận thua thiệt hơn trong cộng đồng.  

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trọng Hiếu - Nguyên Minh
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục