Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể bán, tuyên bố phá sản các dự án ngàn tỷ thua lỗ

Sáng 15/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh là vị Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội về nhóm vấn đề của ngành công thương.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn sáng 15/11. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn sáng 15/11.

Trước lúc Quốc hội chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã phát biểu trước Quốc hội. Bộ trưởng đã cảm ơn Quốc hội đã dành ưu tiên cho ông là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn. Nhận chức vụ Bộ trưởng Công Thương hơn 7 tháng, Bộ Công Thương là bộ đa ngành, đa lĩnh vực... Là Bộ trưởng đứng đầu một ngành, ông Trần Tuấn Anh nhận thấy trách nhiệm của mình trước những vấn đề, lĩnh vực mà Đảng, nhân dân giao phó. Ông cam kết Bộ sẽ thực thi tốt chức năng quản lý Nhà nước, góp phần đóng góp xây dựng đất nước giàu mạnh.

Bộ trưởng Tuấn Anh một lần nữa bày tỏ sự cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu cho ông và các thành viên Chính phủ.Theo Bộ trưởng, Bộ Công thương vinh dự nhận được nhiều sự quan tâm của đồng bào cử tri cả nước, Bộ Công thương sẽ cố gắng cung cấp đầy đủ rõ ràng tới đồng bào cử tri cả nước. Tuy nhiên, đối với những vấn đề liên quan đến các bộ ngành khác hoặc cần thêm thông tin để báo cáo, Bộ Công thương "xin phép" sẽ gửi câu trả lời bằng văn bản tới đại biểu sau.

Ngay lập tức có 22 vị đăng ký đặt câu hỏi chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) là đại biểu đầu tiên gửi câu hỏi tới Bộ trưởng liên quan đến nhóm dự án ngàn tỷ, đắp chiếu, gây lãng phí: "Báo cáo tới Quốc hội về nguyên nhân của những siêu dự án do Nhà nước đầu tư, Bộ Công Thương quản lý, Bộ trưởng đã chỉ rõ không loại trừ có những hành động. Tôi hiểu có sai phạm trong quản lý điều hành, quản trị doanh nghiệp. Đề nghị Bộ trưởng Công Thương làm rõ những sai phạm này, đâu là trách nhiệm của các cơ quan quản trị doanh nghiệp và quản lý Nhà nước? Bộ trưởng có kiến nghị gì để không lặp lại tình trạng "con voi chui lọt lỗ kim" như vừa qua?".

Trả lời chất vấn về vấn đề này, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh,5 dự án thua lỗ, tồn đọng, còn nhiều vướng mắc thuộc quyền quản lý của Bộ Công thương. Năm dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ giai đoạn 2000-2008 và kéo dài đến nay ở nhiều lĩnh vực: xơ sợi, xăng sinh học, gang thép...

"Trong từng lĩnh vực và dự án cụ thể đi sâu phân tích, theo tính chất đặc thù của ngành, dự án có nhiều nguyên nhân khác nhau, nên đánh giá chung tổng thể thì rất khó", Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tuấn Anh bổ sung thêm: các dự án này đều có chủ tưởng đầu tư kéo dài quá thời hạn so với được phê duyệt. Như dự án Đạm Ninh Bình không những kéo dài quá trình đầu tư, nhưng tới giờ cũng không tất toán được đầu tư dù đã đi vào vận hành.

Theo phân tích của Bộ trưởng, các dự án này cũng có điểm chung là thị trường thế giới có biến động: dầu thô từ mức hơn 100 USD một thùng tới hơn 170 USD một thùng, hiện nay chỉ còn trên dưới 40 USD một thùng... đã ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của dự án. Nên các dự án Xơ sợi Đình Vũ không thể cạnh tranh nổi với các dự án đầu tư của nước ngoài có giá thành rẻ hơn.

Chính sự hạn chế nguồn nhân lực và điều kiện triển khai nên nhiều dự án kéo dài, dự án thực hiện không đúng theo hợp đồng. Trong quá trình tham gia triển khai thực hiện thì đòi hỏi phải có sự can thiệp của các cơ quan quản lý, nhưng sự can thiệp này cũng không đem lại hiệu quả vì nhiều lý do....

"Vì thế các dự án này hiện nay hiệu quả kinh tế đều không còn, dù có vận hành thương mại cũng không đủ cạnh tranh, thậm chí nhiều dự án doanh thu không đủ bù chi phí", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Các giải pháp của các dự án này, theo Bộ trưởng Tuấn Anh phải đảm bảo mục tiêu bảo toàn vốn, bảo vệ lợi ích tài sản, Nhà nước trong các dự án này. Các giải pháp xử lý cũnh phải phù hợp với nguyên tắc thị trường và cam kết quốc tế.

"Có thể tính tới bán dự án, thậm chí tuyên bố phá sản... nếu cần thiết. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành báo cáo Chính phủ. Cụ thể Gang thép Thái Nguyên, dự án Xơ sợi Đình Vũ, dự án nhiên liệu xăng sinh học .... Bộ đã có giải pháp báo cáo Chính phủ và sau cuộc họp này Chính phủ sẽ họp, đưa ra quyết định cụ thể", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Giải thích về nguyên nhân thua lỗ, ông Trần Tuấn Anh cho rằng có nhiều nguyên nhân như: Năng lực chủ đầu tư yếu kém, theo phân cấp là thuộc các Tập đoàn, Tổng Công ty 91, phải chịu trách nhiệm về việc lập, triển khai dự án. Năng lực của các Ban quản lý các dự án là yếu kém. Năng lực đàm phán, thực hiện dự án, các nhà thầu yếu kém dẫn đến việc kéo dài, gây thua lỗ, hiệu quả kinh tế không còn, thậm chí nếu đưa vào sản xuất sẽ thua lỗ, sản xuất không bù đủ chi phí.

Về trách nhiệm của các bên liên quan trong đầu tư, quản lý và vận hành các dự án này, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nếu cá nhân, tổ chức cố tình sai phạm có thể bị truy tố, xét xử.

Đối với trách nhiệm của các bên liên quan trong đầu tư, quản lý và vận hành các dự án này, Bộ trưởng cho biết, cũng không loại trừ có sự cố tình làm sai trong quản trị doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp...

"Do các dự án có tính chất đặc thù khác nhau, nhưng dù một số dự án đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính, Bộ Côn Thương... nên cơ quan quản lý sẽ tập hợp và báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, với các hành vi vi phạm pháp luật và cố tình làm sai trong quản trị, quản lý các dự án trên... sẽ bị xử lý nghiêm; thậm chí có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự", Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục