Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Phát sinh địa tô thì quyền phân bổ lại là của Nhà nước

Tiếp thu các ý kiến góp ý sửa đổi Luật Đất đai phải dựa trên lợi ích tổng thể của đất nước, người dân và minh bạch, công bằng, bình đẳng khi phân chia các lợi ích này.
Phiên thảo luận về chính sách đất đai tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 : (Ảnh - Duy Linh).

Hai lần lên tiếng về những vấn đề được quan tâm trong phiên thảo luận về chính sách đất đai tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022, sáng 18/9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh rằng, khi phát sinh địa tô thì quyền phân bổ lại là của nhà nước.

Với thời gian không nhiều, đầu tiên, ông Trần Hồng Hà được đề nghị nêu ba điều tâm đắc khi sửa đổi Luật Đất đai.

Bộ trưởng trả lời, Nghị quyết 18 của Trung ương đã nêu các nhóm vấn đề rất cốt lõi, quá trình sửa đổi luật thì phải thể chế hoá các nhóm vấn đề cốt lõi đó. Và cả 11 chính sách lớn tại Nghị quyết này đều là những vấn đề căn cơ.

Nhưng "phải chọn" ba vấn đề tâm đắc nhất, thì ưu tiên thứ nhất, theo Bộ trưởng, một trong những công cụ để thể hiện quyền đại diện của Nhà nước với sở hữu toàn dân về đất đai đó là công tác quy hoạch. Công tác này phải đổi mới về phương pháp, nội dung, hình thức và xác định lại vị thế của nó, để quy hoạch mang được trách nhiệm, quyền hạn của Nhà nước trong việc phân bổ nguồn lực tài nguyên đất đai.

Công tác quy hoạch cũng sẽ giải quyết được yêu cầu về công bằng, bình đẳng cho các bên trong phân bổ, sử dụng đất đai. Giải quyết nhu cầu sử dụng đất, thông qua công cụ này, thể hiện tính dân chủ trong quá trình xây dựng quy hoạch về đất đai, để các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, người dân có thể tham gia, ông Hà nói.

Thứ hai là vấn đề định giá đất. Bộ trưởng đánh giá đây là vấn đề còn khoảng cách khác nhau giữa lý thuyết và thực tiễn. "Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề định giá đất đai cách công khai, minh bạch, bình đẳng thì sẽ giải quyết được các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Giải quyết được mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân có đất, những ngừoi dân bị thu hồi đất và doanh nghiệp", Bộ trưởng nói.

Vẫn theo Bộ trưởng thì đi kèm với định giá đất là vấn đề kinh tế, tài chính đất đai. Khi định giá đúng thì sẽ thực hiện được các chính sách về mặt xã hội theo tài chính đất đai. Nếu chuyển từ mệnh lệnh hành chính, từng bước sang thị trường, công cụ kinh tế kết hợp hành chính sẽ giải quyết được các bất cập hiện nay như đầu cơ, thổi giá, đất đai sử dụng không hiệu quả.

Vấn đề thứ ba Bộ trưởng đề cập là xây dựng thông tin dữ liệu đất đai là rất cần thiết, chuyển đổi số càng sớm càng tốt. Thông qua dữ liệu về đất đai sẽ giám sát nguồn lực này, giúp người dân tiếp cận thông tin đất đai công bằng, bình đẳng. Thông qua hệ thống dữ liệu này, có thể cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Tham gia thảo luận, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM đề nghị bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận với người sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Dự thảo hiện nay không quy định dù chủ trương này đã có trong Nghị quyết 18, ông Châu nói.

Bình luận về tiếp cận đất đai của doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyên gia Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, bên cạnh chú trọng tới đấu giá, đấu thầu đất cũng cần chế định khác cân bằng lại. Vì nếu chỉ đấu giá đấu thầu đất mà tiền sử dụng đất tăng lên thì cơ hội của doanh nghiệp nhỏ tiếp cận rất khó.

Cần phải khuyến khích đất sản xuất công nghiệp, chứ không chỉ làm bất động sản, nhà ở, vì chi phí đất cao quá, hàng hoá Việt Nam sẽ khó cạnh tranh, ông Tuấn đề nghị.

Được mời phát biểu lần hai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đến nay, Bộ đã nhận hàng nghìn ý kiến của người dân về vấn đề đất đai. Điều này cho thấy đây là vấn đề rất lớn, rộng, liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau.

Việc tiếp thu, theo Bộ trưởng quan trọng nhất là phải dựa trên lợi ích tổng thể của đất nước, người dân và minh bạch, công bằng, bình đẳng khi phân chia các lợi ích này.

Trưởng ban Soạn thảo dự án Luật Đất đai cũng nêu vấn đề đang còn ý kiến khác nhau về giao đất. Loại ý kiến thứ nhất, thống nhất giao đất theo hình thức đấu giá, đấu thầu, làm rõ việc chỉ định giao đất, không đấu giá đấu thầu. Loại ý kiến thứ hai, tiếp tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn quyền sử dụng đất, chuyển mục đích không đấu thầu đấu giá.

Trong dự thảo Luật lần này, có quy định trường hợp tự chuyển nhận, tự sắp xếp sử dụng đất của một nhóm người dân thì không cần đấu thầu, đấu giá, nhưng việc một doanh nghiệp làm dự án đất thương mại, đất nhà ở thì có phát sinh địa tô, quyền định đoạt thu hồi, phân bổ lại là ở Nhà nước, ông Hà nói.

Bộ trưởng cũng "hứa" sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cử tri và nhân dân để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau sẽ được Quốc hội quyết định, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục