Không có căn cứ gì mà đến 2025 sổ hộ khẩu vẫn còn giá trị, Bộ Công an quyết tâm đến 1/7/2021 là thực hiện được việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh.
Mở đầu phiên họp thứ 47, sáng 10/8 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 với nhiều thay đổi đáng chú ý, trong đó có bỏ sổ hộ khẩu (hộ khẩu giấy).
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, số ý kiến thảo luận tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội tán thành việc thay đổi phương thức quản lý cư trú mới nhưng cũng có ý kiến không nhất trí việc thay đổi phương thức quản lý dân cư như đề xuất của Chính phủ.
Một số vị băn khoăn về tính khả thi của phương thức quản lý này và cho rằng quy định thời điểm có hiệu lực của Luật là từ ngày 1/7/2021 là không đủ thời gian để bảo đảm các cơ sở dữ liệu liên quan có thể hoàn thiện và vận hành ngay được trên thực tế.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân từ cách thức thủ công, truyền thống bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các tàng thư văn bản sang quản lý bằng số hóa, có kết nối thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân là hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử.
Việc này cũng bảo đảm thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện tốt hơn quyền, vừa nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm chi phí giao dịch.
Song lưu ý từ Thường trực Ủy ban Pháp luật là, để phương thức quản lý cư trú mới theo quy định của Luật này có thể được thực hiện thì cần phải đáp ứng ít nhất là 2 điều kiện cơ bản.
Một là phải hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú và cấp đầy đủ số định danh cá nhân cho mọi công dân.
Hai là tất cả các cơ quan đăng ký cư trú theo quy định mới của Luật (cơ quan Công an từ cấp xã) phải được trang bị đủ máy móc, thiết bị, hạ tầng mạng và có cán bộ, chiến sĩ đủ năng lực để thực hiện việc cập nhật, quản lý, xử lý thông tin về cư trú trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo kết quả khảo sát của Thường trực Ủy ban Pháp luật thì vẫn còn khá nhiều ý kiến lo ngại về việc bảo đảm thực hiện các điều kiện nói trên bởi đến nay vẫn còn một số địa phương chưa thu thập đủ phiếu thông tin về dân cư; một số phiếu đã thu thập nhưng còn sai sót, thiếu thông tin, hoặc chưa đạt yêu cầu.
Việc trang bị máy tính, cơ sở vật chất, tập huấn nghiệp vụ cho Công an cấp xã để thực hiện nhiệm vụ còn nhiều hạn chế..
Cơ quan thẩm tra đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý Chính phủ tập trung chỉ đạo, bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung công việc như trong kế hoạch đã đề ra và nội dung đã cam kết, báo cáo với Quốc hội nhằm bảo đảm để Luật có thể có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.
Trường hợp không thể hoàn thành theo thời gian nói trên, thì đề nghị Chính phủ cần sớm đề xuất phương án điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật cho phù hợp trước khi Quốc hội thông qua dự án Luật này.
Từ phân tích trên, dự thảo luật sau khi chỉnh lý quy định: kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025.
Đề nghị giữ nguyên lộ trình như Chính phủ trình, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu sự phối hợp của các cơ quan liên quan để hoàn thành các điều kiện bỏ hộ khẩu giấy.
Nếu giữ sổ hộ khẩu đến 2025 là thể hiện quyết tâm không cao, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng nhắc đến nhiều văn bản chỉ đạo cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong hoàn thành cơ sở dữ liệu về dân cư và khẳng định Bộ Công an đã tính kỹ bước đi, lộ trình, đến 1/7/2021 là có thể bỏ sổ hộ khẩu. Vì thế không có căn cứ gì mà kéo dài đến 2025 sổ hộ khẩu vẫn còn giá trị.
Phát biểu sau đó, Chủ tịch Quốc hội cũng thể hiện quan điểm mạnh mẽ ủng hộ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu của Chính phủ.
"Trên thế giới không biết còn nước nào giữ sổ hộ khẩu không, ta đưa ra chủ trương bỏ sổ hộ khẩu quá lâu rồi, đã đến lúc phải bỏ, tôi ủng hộ việc này" - Chủ tịch Quốc hội phát biểu.