Bộ trưởng tài chính Ấn Độ: Việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ và bất ổn địa chính trị là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết, các mối đe dọa lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ có thể đến từ các yếu tố bên ngoài nước này, ví dụ như nguy cơ giá dầu tăng và các xung đột địa chính trị giữa các nước. 
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ bà Nirmala Sitharaman Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ bà Nirmala Sitharaman

"Tác động đối với giá nhiên liệu từ việc cắt giảm sản lượng dầu bất ngờ gần đây của OPEC+ và sự lan tỏa các hệ quả từ cuộc xung đột Nga-Ukraine là điều tôi lo lắng hơn những gì xảy ra trong nội bộ nước mình,” bà Sitharaman nói trong một cuộc phỏng vấn ngày thứ Bảy (15/4).

Bà cũng cho biết, nguy cơ suy thoái có thể xảy ra ở Mỹ và các nước phát triển khác cũng sẽ là lực cản đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế Ấn Độ, ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu, đặc biệt là hoạt động sản xuất.

Bà Sitharaman đang có chuyến thăm đến Mỹ để tham dự các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và đồng chủ trì cuộc họp của các giám đốc tài chính Nhóm G20, cùng với Thống đốc Shaktikanta Das của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI, ngân hàng trung ương).

Nền kinh tế trị giá 3,2 nghìn tỷ USD của Ấn Độ đang có dấu hiệu "mệt mỏi" khi nhu cầu trong và ngoài nước đều sụt giảm do lãi suất tăng cao. Tăng trưởng trong quý IV/2022 của nước này giảm xuống 4,4%, từ mức 6,3% trong quý III/2022 do hoạt động tiêu dùng và đầu tư suy giảm.

IMF vào đầu tuần này đã cắt giảm dự báo về triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ xuống 5,9% cho năm tài chính 2023, từ mức dự báo 6,1% được đưa ra vào tháng 1. Trong khi đó, tăng trưởng cho năm tài chính 2024 của Ấn Độ cũng đã bị IMF cắt giảm dự báo thêm 0,5% xuống còn 6,3%. IMF cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 2,8% trong năm nay từ mức 2,9% được đưa ra trước đó.

Mặc dù Ấn Độ vẫn đang giữ được dự báo là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất trên thế giới trong năm nay, nhưng các dự đoán của IMF không được như ước tính 6,5% của RBI.

Những lo ngại về tăng trưởng kinh tế suy yếu và tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu đã khiến RBI hồi đầu tháng này đã phải tạm dừng tăng lãi suất trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong một thập kỷ của Ấn Độ. Ngân hàng trung ương RBI cho biết họ sẽ đánh giá tác động của việc tăng lãi suất lên mức 2,5% đã tác động thế nào đến nền kinh tế nước này và sẽ có những hành động điều chỉnh nếu cần.

Bà Sitharaman cho biết một số ngân hàng trung ương có thể bắt đầu có những chính sách khác với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo bà, việc tạm dừng thắt chặt thêm chính sách tiền tệ có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng ở một số quốc gia, những quốc gia có thể đối phó với những thách thức kinh tế của họ mà lạm phát đã không còn ở mức quá cao để phải tiếp tục tăng lãi suất.

Tỷ lệ lạm phát của Ấn Độ đang giảm bớt, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 5,66% trong tháng 3 so với một năm trước đó, đây là tốc độ chậm nhất trong 15 tháng qua do chi phí lương thực tăng chậm lại.

Diệp Anh
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục