Liên quan đến câu hỏi, một số ý kiến cho rằng chủ trương mua lại các ngân hàng thua lỗ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu quả chưa rõ ràng, trong khi NHNN lại phải ôm vào một khoản nợ xấu lớn, rất khó xử lý và nguy cơ mất vốn cao, quan điểm của Chính phủ về vấn đề này thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, việc can thiệp bắt buộc của NHNN thông qua mua, tiếp quản NHTM yếu kém để xử lý, cơ cấu lại chỉ được thực hiện khi ngân hàng yếu kém không có khả năng tự tái cơ cấu, không sáp nhập, hợp nhất tự nguyện được hoặc trong trường hợp chỉ định NHTM nhà nước mua lại, nhận sáp nhập sẽ có tác động tiêu cực trực tiếp đến tình hình tài chính, hoạt động của NHTM nhà nước. Trong khi đó, việc áp dụng biện pháp phá sản ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, qua phân tích và đánh giá cụ thể từng trường hợp cho thấy tổn thất cho Nhà nước và xã hội là rất lớn và có thể gây mất an toàn hệ thống.
Việc NHNN mua, tiếp quản NHTM yếu kém là cách làm phù hợp thông lệ quốc tế, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng đã áp dụng...
Việc NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của ngân hàng yếu kém và chuyển thành ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước (như áp dụng đối với Ngân hàng Xây dựng vừa qua) được thực hiện theo quy định của pháp luật. Đây là biện pháp mạnh, khẳng định quyết tâm của Chính phủ, NHNN kiên quyết xử lý triệt để, tái cơ cấu những tổ chức này, đồng thời cảnh báo trách nhiệm của các cổ đông nói chung, nhất là các cổ đông lớn trong việc quản trị, điều hành, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Sau khi mua lại ngân hàng yếu kém, theo Người phát ngôn Chính phủ, NHNN sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý những tồn tại, yếu kém và cơ cấu lại toàn diện, nhất là về quản trị, điều hành, chiến lược kinh doanh phù hợp hơn, lành mạnh hoá tài chính, xử lý nợ xấu để thu hồi vốn cho ngân hàng.
Nợ xấu của các ngân hàng yếu kém (phần lớn có liên quan hoặc có tài sản bảo đảm là bất động sản) sẽ được thu hồi, xử lý triệt để bằng các biện pháp cơ cấu lại, xử lý phù hợp với sự hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan chức năng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đang phát triển ổn định thuận lợi, cùng với đó các hoạt động kinh doanh mới của ngân hàng sẽ tạo lợi nhuận bù đắp các tổn thất còn lại (nếu có).
Nguồn vốn để xử lý, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém chủ yếu là nguồn vốn huy động trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
“Quan điểm nhất quán của Chính phủ là không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung và mua lại, xử lý ngân hàng yếu kém nói riêng...”, ông Nên nhấn mạnh và cho biết thêm, trong trường hợp phải bỏ tiền ra để mua cổ phần của ngân hàng yếu kém thì NHNN sử dụng nguồn vốn của NHNN theo quy định của pháp luật. Tất cả số tiền này sẽ được thu hồi sau thời gian tái cơ cấu lành mạnh tình hình tài chính bằng chính lợi nhuận của các ngân hàng này, cũng như bán lại số cổ phần đã mua cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Liên quan đến câu hỏi, thời gian qua, tỷ giá trên thị trường có nhiều biến động, tăng mạnh, vậy sắp tới, Chính phủ có chỉ đạo điều chỉnh tỷ giá hay không, ông Nên cho hay, diễn biến tỷ giá có xu hướng tăng trên thị trường hiện nay chủ yếu là do yếu tố tâm lý, còn các yếu tố về kinh tế cơ bản không có biến động lớn và không đáng quan ngại.
Việc tiếp tục điều chỉnh tỷ giá cần được cân nhắc thận trọng trên cơ sở đánh giá tác động trên nhiều mặt đến nền kinh tế như: Mức độ cải thiện xuất khẩu so với tác động tăng chi phí nhập khẩu; sức ép gia tăng lạm phát; ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp.
“Trên cơ sở đánh giá tổng thể các vấn đề nêu trên, NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến trên thị trường ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế, tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, điều hành tỷ giá theo mục tiêu đề ra từ đầu năm để đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ và chính sách tiền tệ của NHNN...”, ông Nên cho hay.