Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phát huy nội lực là cách làm của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Chuyển đổi số còn là cuộc cách mạng của toàn dân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh trong tham luận tại Đại hội Đảng XIII, sáng 28/1.
 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Trong tham luận, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói: Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.

Cách đây hơn 20 năm, khi lần đầu tiên kết nối Internet, Việt Nam đã đặt những “dấu chân” đầu tiên trên một miền không gian hoàn toàn mới - không gian mạng. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã đi được một hành trình dài trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Năm 2020 được xác định là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia.

“Nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số được thay đổi đột biến”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Chuyển đổi số là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số, cho phép đưa toàn bộ hoạt động lên không gian số. Cuộc dịch chuyển này diễn ra với tốc độ nhanh chóng theo ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Giống như khai phá những vùng đất mới, không gian mạng được mở rộng sẽ tạo dư địa và mở ra không gian phát triển mới cho đất nước.

Theo Bộ trưởng, năm 2021 và cả giai đoạn 2021 - 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước.

Trong đó, mục tiêu là Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh, không ai bị bỏ lại phía sau.

Để đạt được mục tiêu đó, cần có quyết tâm và đột phá với cách làm mới, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn.

“Phát huy nội lực là cách làm của Việt Nam”, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh và nhắc đến câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói khi sinh thời: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng độc lập”.

Về vấn đề làm chủ hạ tầng số, Bộ trưởng nói, để đáp ứng nhu cầu phát triển, hạ tầng viễn thông sẽ chuyển dịch thành hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông và điện toán đám mây, Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ di động 5G, làm chủ hạ tầng điện đám mây (cloud) thông qua các nền tảng “Make in Viet Nam”.

Bên cạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, việc làm chủ hạ tầng số, làm chủ dữ liệu của người Việt là nhiệm vụ chiến lược, cần được ưu tiên hàng đầu.

Về làm chủ các nền tảng số, Bộ trưởng cho rằng, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chính phủ số, chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả.

“Nhanh hơn ở chỗ các nền tảng đã sẵn sàng đưa vào sử dụng, dùng chung. Giảm chi phí ở chỗ không cần đầu tư kinh phí và thời gian phát triển mới từng phần mềm. Dịch vụ được cung cấp qua các nền tảng số sẽ ngày càng rẻ như hoá đơn điện nước nếu có lượng người dùng lớn. Và vì vậy, chuyển đổi số dựa trên các nền tảng số sẽ trở nên hiệu quả”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh: Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Ông nhắc lại quan điểm đã nói đến nhiều lần, đó là: Chuyển đổi số không phải là cuộc cách mạng của công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Chỉ có đổi mới sáng tạo, Việt Nam mới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Cụ thể, ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia.

"Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương", ông Hùng nhấn mạnh.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục