Phát biểu tranh luận tại Phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) cho rằng, Bộ trưởng đã rất quan tâm tới vấn đề kinh tế báo chí và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc báo chí tự chủ, có nguồn thu ổn định để hoạt động hiệu quả. Ông Nghĩa cho rằng sự hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết, nhưng cần được định hướng rõ ràng, tập trung vào việc hỗ trợ báo chí thực hiện tốt vai trò truyền thông chính sách, chứ không chỉ là nguồn thu để duy trì hoạt động.
Đại biểu Nghĩa cho biết đồng tình với Chỉ thị của Thủ tướng về truyền thông chính sách. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng hiệu quả của công tác truyền thông chính sách mới là điều quan trọng nhất. Việc cấp kinh phí cho các cơ quan báo chí để thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách là cần thiết, nhưng cần đảm bảo rằng báo chí phải tự chủ, cạnh tranh được với các kênh thông tin khác, đặc biệt là mạng xã hội. Ông cũng đặt ra câu hỏi về khả năng huy động nguồn lực tài chính cho hoạt động này.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trước đây, báo chí cách mạng hoàn toàn do cách mạng nuôi, khi xuất hiện kinh tế thị trường, các cơ quan báo chí bên cạnh ngân sách nhà nước còn có nguồn thu từ quảng cáo.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra sự thay đổi trong mô hình hoạt động của các cơ quan báo chí Việt Nam. Từ việc hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước, báo chí hiện nay đã chuyển sang tự tìm kiếm nguồn thu để tồn tại và phát triển (hiện 30% cơ quan báo chí là nhận ngân sách, còn 70% là tự bươn chải). Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, nhiều cơ quan báo chí có tầm ảnh hưởng lớn lại không được hỗ trợ, hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường.
Bộ trưởng cho rằng, cần cân nhắc vấn đề này, nếu báo chí 100% dựa vào thị trường, thì có trở thành báo chí thị trường hay không? Nhà nước làm truyền thông thì có chi trả, đặt hàng cơ quan báo chí không?
Bộ trưởng cho rằng không nên có quan niệm cực đoan, cần dựa trên cả nguồn ngân sách, đặt hàng của nhà nước, đồng thời cũng cần bám sát thị trường, độc giả, để giữ vị thế của báo chí cách mạng.
Do đó, việc Nhà nước đặt hàng truyền thông và chi trả kinh phí là một hình thức hỗ trợ báo chí. Tuy nhiên ông cho rằng mô hình báo chí lý tưởng là mô hình đi bằng hai chân, kết hợp giữa việc nhận đặt hàng từ Nhà nước và tự tìm kiếm nguồn thu trên thị trường.
Đối với vấn đề đại biểu đặt ra "báo chí thay vì cạnh tranh thì hợp tác với mạng xã hội, không chỉ trong quảng cáo mà trong nhiều lĩnh vực", Bộ trưởng Hùng cho biết hiện nay, việc hợp tác với mạng xã hội có 2 nội dung đang được tiến hành. Một là hầu hết cơ quan báo chí đều có tài khoản hoặc có trang trên mạng xã hội để xuất hiện ở chỗ đông người, nhiều độc giả.
Sắp tới trình sửa Luật Báo chí, theo ông Hùng, có thể xem xét trình Quốc hội nội dung này.
“Trước đây cứ phải đăng tin trên báo trước rồi mới được phép đưa thông tin đó ra các tài khoản của cơ quan báo chí trên mạng xã hội. Giờ thì có thể xem xét cho xuất hiện trước trên mạng xã hội”, Bộ trưởng cho biết.
Thứ hai, ông cho biết trong Nghị định số 147/2024/NĐ-CP quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng vừa mới ban hành, các nền tảng mạng xã hội khi sử dụng sản phẩm báo chí phải thỏa thuận với cơ quan báo chí. Bộ trưởng dẫn chứng bên Úc yêu cầu chia sẻ doanh thu, nếu không thỏa thuận được con số, cơ quan Nhà nước sẽ vào cuộc.
“Tới đây nên coi mạng xã hội là đối tượng hợp tác thay vì cạnh tranh, đây là hướng đi tốt”, ông Hùng chia sẻ.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà chất vấn, trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng có nhận định, nhiều cơ quan báo chí hiện nay đã đảm bảo tự chủ một phần chi thường xuyên, tuy nhiên kinh tế báo chí vẫn là thách thức với sự phát triển. Do đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị Bộ trưởng làm rõ việc áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, cơ chế đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách nhà nước đối với cơ quan báo chí hiện nay đã và đang triển khai như thế nào, có gặp khó khăn gì không? Và có bao nhiêu cơ quan báo chí thực hiện được nội dung này?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng cho biết, riêng về viễn thông, các tiêu chuẩn kỹ thuật đều được quốc tế hóa. Chúng ta cũng dùng các tiêu chuẩn như các quốc gia trên thế giới. Khi một trạm được phát sóng thì phải được các đơn vị đến kiểm định, đạt tiêu chuẩn mới được phát sóng.
Về ban hành các định mức kinh tế, kỹ thuật, Bộ trưởng nêu rõ, có khoảng 50 nội dung về định mức kinh tế, kỹ thuật liên quan đến ngành truyền thông. Năm nay Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cố gắng hoàn thành khoảng 80%, còn lại sẽ cố gắng ban hành đủ 100% văn bản về vấn đề này. Tuy nhiên một số quy định trước đây quá khó, nhiều cơ quan chủ quản khó ban hành định mức, mặc dù Bộ đã có hướng dẫn. Các định mức kinh tế, kỹ thuật mới được Bộ xây dựng theo hướng thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thẩm định, đảm bảo đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Trong vấn đề chuyển đổi số, Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới, chúng ta phải đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số các cơ quan báo chí. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia về báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành một chương trình để thực hiện chiến lược này, trong có điểm quan trọng là đưa ra tiêu chí đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành của các cơ quan báo chí trong chuyển đổi số. Bộ thành lập trung tâm hỗ trợ, ban hành cẩm nang, xây dựng chương trình tập huấn cho các Tổng biên tập trong vấn đề chuyển đổi số, để tạo chuyển biến trong vấn đề này.