3 kết quả chủ yếu của kinh tế - xã hội năm 2018
“Các ý kiến của đại biểu Quốc hội rất sâu sắc, trách nhiệm, tâm huyết, giúp Chính phủ nghiên cứu, hoạch định đề ra các giải pháp, chính sách trong thời gian tới. Đặc biệt, đây là những ý kiến bổ ích khi chúng ta đang chuẩn bị xây dựng chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư, hầu hết các ý kiến đồng tình với báo cáo bổ sung của Chính phủ, đánh giá nhìn nhận bức tranh kinh tế năm 2018 hết sức tích cực, đánh giá sự nỗ lực phấn đấu của tát vả hệ thống chính trị, các cấp, các bộ ngành, địa phương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó cũng chỉ ra những bất cập, tồn tại cần lưu ý trong giai đoạn tới, kể cả thời kỳ sắp tới.
Làm rõ thêm một số vấn đề, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về tổng quan tình hình kinh tế xã hội, năm 2018 nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển các lĩnh vực xã hội, hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, với 9 chỉ tiêu vượt và khẳng định vai trò năm 2018 là năm bản lề của Kế hoạch kinh tế xã hội năm 2016-2020.
Những thành tựu này được thực hiện và hoàn thành trong bối cảnh trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, tình hình khu vực, quốc tế diễn biến hết sức phức tạp, cùng với những điều chỉnh lớn của các nền kinh tế lớn, đã xuất hiện yếu tố mới tác động sâu rộng, tâm điểm là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ với phương châm của năm 2018 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” thì kết quả đạt được của năm 2018 là rất tích cực, đáng ghi nhận, ông Dũng nói.
Về những mặt được, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh 3 kết quả chủ yếu gồm:
Thứ nhất là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiểm soát lạm phát ở mức thấp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt 7,08%. “Đây là lần đầu tiên chúng ta đạt được tốc độ cao thế này, quay trở lại thời kỳ chúng ta đạt được tốc độ tăng trưởng trên 7%”, ông Dũng giải thích thêm.
Đồng thời, tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với việc gia nhập Hiệp định CPTPP, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển thịnh vượng. Quy mô nền kinh tế, chất lượng tăng trưởng, các cân đối lớn của nền kinh tế… đã được nâng lên đáng kể.
Thứ hai, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển các lĩnh vực xã hội, việc thực hiện thành công 2 mục tiêu vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã tạo thêm dư địa để chúng ta thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chăm lo, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội.
Thứ ba, vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, mở rộng hội nhập quốc tế đã góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của đất nước.
Năm 2018, Việt Nam tiếp tục là điểm đến của cộng đồng quốc tế, là địa điểm được tín nhiệm tổ chức nhiều hội nghị quốc tế quan trọng.
Phân tích các nguyên nhân dẫn tới kết quả này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thứ nhất, chúng ta được kế thừa thành tựu to lớn, quan trọng và có ý nghĩa lịch sử qua hơn 30 năm đổi mới của đất nước, kết quả toàn diện đã đạt được trong 2 năm 2016-2017.
Thứ hai là sự đoàn kết thống nhất nỗ lực phấn đấu chung sức chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, sự phối kết hợp nhịp nhàng đồng bộ hiệu quả hơn của cả hệ thống chính trị trong lãnh dạo chỉ đạo quản triệt tổ chức triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, phát huy đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân, giải quyết kịp thời hiệu quả các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển, đáp ứng mong đợi của xã hội,
Thứ ba là sự đồng thuận, đồng tình, cổ vũ, động viên, góp ý kịp thời của các đồng chí đảng viên lão thành và các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tin báo chí… đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Mô hình tăng trưởng hiện nay chưa là động lực để phát triển bứt phá
Tuy nhiên, ông Dũng cũng lưu ý những những vấn đề còn tồn tại và hạn chế.
“Mặc dù đạt được nhiều hết quả đáng kể trong năm 2018 nhưng nền kinh tế nước ta vẫn đang tồn tại hạn chế mà trong đó có những vấn đề đã tích tụ tồn đọng từ lâu, tác động và gây hậu quả tiêu cực, tạo nên bức xúc xã hội và không dễ một sớm một chiều khắc phục được ngay”, Bộ trưởng nói.
Nổi bật là cấu trúc hạ tầng phục vụ cho sự phát triển của đất nước, nhất là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế xã hội, trong đó có hạ tầng giao thôntg như nhiều đại biểu đã nêu.
“Chúng ta đều biết đã đầu tư nâng cấp đáng kể giai đoạn vừa qua nhưng so với yêu cầu phát triển thì chưa đáp ứng được, hiện nay đang là điểm gây một số bức xúc với người dân và là điểm nghẽn phát triển của một số địa phương”, Bộ trưởng thừa nhận.
Bên cạnh đó, trình độ phát triển khoa học công nghệ và quản lý chưa tốt, từ đó dẫn tới đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tuy đạt một số kết quả nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Bộ trưởng Dũng cũng chỉ rõ, mô hình tăng trưởng hiện nay chưa là động lực để phát triển bứt phá, đưa kinh tế nước nhà tiến nhanh, tiến xa trên trường quốc tế và khu vực.
Việc cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực tiếp tục có chuyển biến tích cực, nhưng đi sâu vào từng ngành từng lĩnh vực thì có những yếu tố thiếu bền vững, biểu hiện cụ thể như đơn vị kinh tế quy mô nhỏ lẻ còn nhiều, đất sản xuất còn phân tán và manh mún, hoạt động sản xuất trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào thay vì đổi mới công nghệ; Chưa tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, hệ thống phân phối còn bất cập, thị trường trong nước khai thác chưa hiệu quả, chưa kết nối được hiệu quả thông suốt từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, chi phí dịch vụ hậu cần logistic còn cao…; Năng lực quản lý xã hội còn hạn chế, chưa theo kịp phát triển văn hóa, xã hội và mở cửa hội nhập quốc tế.
Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học công nghệ đã và đang tạo ra những tác động ngày càng rõ nét tới những quốc gia, nhất là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Tác động đã làm thay đổi quan hệ sản xuất, phương thức sản xuất, quan hệ xã hội, quy cách ứng xử nhận thức và các chuẩn mực xã hội.
Những tác động và biến đổi về văn hóa xã hội môi trường diễn ra nhanh và phức tạp hơn, làm nảy sinh nhiều khó khăn thách thức trong bối cảnh xã hội thông tin, mỗi luồng thông tin đều có khả năng tiếp cận một cách đơn giản, dễ dàng hơn so với trước đây, tốc độ lan truyền tin nhanh chóng, phạm vi ảnh hưởng sâu rộng đã đặt ra nhiều yêu cầu mới về cải cách, tư duy quản lý, đổi mới bộ máy, công cụ quản lý để thích ứng và theo kịp.
Những hạn chế yếu kém về mặt văn hóa, con người đang cản trở sự phát triển của đất nước như tình trạng tha hóa về đạo đức, tệ nạn xã hội, những vi phạm trong một số lĩnh vực về xã hội mà nguyên nhân chủ yếu là sự chưa đồng bộ của hệ thống pháp luật và tính nghiêm minh khi thực thi pháp luật, đang đặt ra những thách thức rất lớn và cần phải quan tâm, ưu tiên giải quyết trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cũng như thực hiện các pháp luật đã được quy định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên không đơn giản và cần có sự kết hợp giữa giải pháp ngắn hạn và dài hạn trong thời gian tới, cần có giải pháp căn cơ, thực hiện phát huy những giá trị văn hóa, sức mạnh con người của Việt Nam và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò và trách nhiệm của các bộ, các ngành, các địa phương và lãnh đạo đứng đầu các địa phương, các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện và giám sát các chương trình, chính sách, dự án đầu tư ở địa phương mình.
“Chúng tôi mong các vị đại biểu quốc hội cùng các đoàn đại biểu quốc hội tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ giám sát và đôn đốc, thúc đẩy việc triển khai thực hiện ở địa phương để chúng ta cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ”, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh.
Giao thông đang là điểm nghẽn của Đồng bằng sông Cửu Long
Trao đổi thêm về vấn đề Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo Bộ trưởng Dũng, trong những năm qua Chính phủ đặc biệt quan tâm và đầu tư nguồn lực cho ĐBSCL.
Chính phủ đã bố trí 2.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương hàng năm và nguồn dự phòng chung của cả nước, các ngành cũng đã bố trí đầu tư rất nhiều cho ĐBSCL.
“Đối với ĐBSCL, hiện nay giao thông đang là vấn đề lớn nhất, đang là điểm nghẽn. Chúng tôi đồng tình là trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục đồng hành quan tâm với ĐBSCL để có đầu tư thích đáng, tạo điều kiện để ĐBSCL phát triển mạnh mẽ, bứt phá hơn”, ông Dũng nói.
Đối với các vấn đề khác, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ và có tham mưu với Chính phủ để có giải pháp kịp thời, hiệu quả để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2019 và giai đoạn 2016-2020.