Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Không chấp nhận đùn đẩy công việc

Cuộc làm việc đầu tiên giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa kết thúc sau gần 5 tiếng làm việc.
Cuộc làm việc đầu tiên giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ diễn ra chiều 25/8 Cuộc làm việc đầu tiên giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ diễn ra chiều 25/8

Làm nhanh để người dân được nhờ

Có 15 nhiệm vụ đã quá hạn trong số 241 nhiệm vụ được giao là đầu bài mà Tổ công tác giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị trước cuộc làm việc này.

Tuy nhiên, con số nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực tế còn nhiều hơn, lên tới 745 văn bản trong thời gian tháng 1/1 đến ngày 22/8/20016. So với các bộ, ngành, địa phương khác, đây là con số lớn nhất.

Trong số này, hai phần ba là các đề án, dự thảo văn bản pháp luật, nghĩa là cần có ý kiến của nhiều bộ, ngành và thời gian nghiên cứu, tham vấn.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư là bộ tổng hợp, nên công việc nhiều, liên quan tới nhiều bộ, ngành, địa phương. Cho dù chúng tôi đã có đốc thúc, nhưng cũng còn công việc chậm. Thực tế, cũng có đơn vị chưa làm hết trách nhiệm. Chúng tôi đã yêu cầu, công việc đến phải xử lý ngay, nếu phát hiện vướng mắc khó khăn, cần thêm thời gian nghiên cứu phải đề xuất nhưng cũng phải có thời hạn, không được đùn đẩy”, Bộ trưởng Dũng trao đổi tại cuộc làm việc.

Đây cũng là yêu cầu mà người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra với các lãnh đạo vụ, viện khi giải trình lý do chậm trễ của 15 nhiệm vụ chưa hoàn thành. Vì, khá nhiều lý do được xác định là chậm trễ trả lời của các bộ liên quan, do quan điểm chưa thống nhất, cần phải thảo luận thêm...

“Phải làm rõ trách nhiệm, phần nào thuộc tránh nhiệm của mình thì phải nhận. Chúng tôi hiểu là nếu chúng tôi làm nhanh hơn, làm thêm một chút thì người dân, doanh nghiệp được nhờ vì cả hệ thống sẽ chạy nhanh hơn. Chúng tôi đã quán triệt tinh thần này tới toàn bộ cán bộ, công chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ rõ quan điểm.

Văn phòng Chính phủ cũng nhận lỗi

Chia sẻ với người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao,  ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác cũng thẳng thắn, việc xác định đúng thẩm quyền, thời gian thực hiện để tham vấn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương là trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ.

“Chúng ta không thể ngồi trên mây được. Có những phần lỗi của Văn phòng Chính phủ khi mới cập nhập được 30% công việc được giao của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Lại có văn bản ký ngày 23, trả lời trước ngày 24 thì làm sao có ý kiến được”, ông Mai Tiến Dũng thẳng thắn.

Thậm chí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa còn cho rằng, là bộ có chức năng tham mưu tổng hợp, nên việc chờ đợi các bộ có ý kiến hoặc tổ chức được các cuộc họp lấy ý kiến cũng rất mất nhiều thời gian.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một trong số ít bộ có quy chế riêng để đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Nhưng có lẽ phải có kiến nghị sử dụng công nghệ thông tin, áp dụng góp ý qua thư điện tử... chứ không cứ phải họp. Tình trạng hiện giờ là họp nhiều qua, có khi không còn lãnh đạo để cử đi họp...”, Thứ trưởng Thừa nói và đề nghị Văn phòng Chính phủ xem xét trao quyền linh hoạt hơn cho đơn vị chủ trì soạn thảo trong trường hợp các bộ không có ý kiến theo đúng hạn.

Đổi mới phương thức làm việc

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, sẽ nghiên cứu, đổi mới phương thức làm việc, để đảm bảo thời gian xử lý các văn bản nhanh, thuận tiện.

“Tổ công tác sẽ đôn đốc kiểm tra giúp Thủ tướng Chính phủ, nếu phát hiện vướng mắc sẽ tham mưu giải pháp. Chúng tôi biết có những việc không thể làm 1 cơ quan, bộ, ngành nào làm mà cần có sự phối hợp, có chỉ đạo tầm chiến lược. Tuy nhiên, các bộ, ngành phải báo cáo khi có ý kiến khác nhau, nếu không xử lý được sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta tranh luận vì mục tiêu vì việc chung là cần thiết”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Đặc biệt, Văn phòng Chính phủ đang hoàn tất Quy chế làm việc mới, trong đó sẽ quy định rõ quy trình, trách nhiệm, thời hạn xử lý công việc ở từng khâu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

“Tới đây sẽ làm việc sử dụng văn bản điện tử trong quá trình xem xét, thẩm định để khi bản giấy gửi đến là hoàn tất thủ tục trình. Chúng ta sẽ phải tính toán để công nhận tính pháp lý của văn bản điện tử. Chúng tôi đang rất quyết liệt trong việc rút ngắn thời gian xử lý các văn bản”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm.

Riêng với 15 nhiệm vụ đã quá thời hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ công tác yêu cầu rà soát lại, loại ra một số nhiệm vụ đã có văn bản cho phép lùi thời hạn, một số nhiệm vụ không còn phù hợp để có giải pháp xử lý dứt điểm...

Ngay mai, Tổ công tác sẽ có buổi làm việc thứ hai với Bộ Tài chính.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục