“Điểm nghẽn của Điện Biên là gì?”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã bắt đầu cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên, bằng câu hỏi như vậy.
Chuyến công tác của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tới các tỉnh miền núi phía Bắc là để chuẩn bị cho việc xây dựng Chiến lược 10 năm 2021-2030, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công 2021-2025, và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2021.
Bởi thế, điều quan trọng, theo Bộ trưởng, các địa phương phải nhận rõ tiềm năng, lợi thế, cũng như điểm nghẽn của mình, từ đó đưa ra các định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn tới.
“Phải xác định được đâu là lĩnh vực trọng yếu, đâu là cực tăng trưởng của Điện Biên, từ đó tính toán các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công chuẩn được”, Bộ trưởng nói.
Đánh giá cao những nỗ lực của Điện Biên trong thời gian qua, đặc biệt trong thực hiện các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, giữ đất, giữ rừng, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng không khỏi lo lắng khi Điện Biên còn nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên. |
Điện Biên hiện đang bị chia cắt với các địa phương khác vì khoảng cách quá xa, giao thông không thuận lợi, đường thủy, đường sắt không có, đường bộ thì chỉ là độc đạo, lại là đường núi quanh co, đường hàng không thì khai thác kém…
“Đi từ Điện Biên về Hà Nội mà mất 9 tiếng thì quá lâu, không thể kết nối giao thương được, sản xuất cũng sẽ có chi phí cao, không cạnh tranh được. Điều kiện như thế thì rất khó để thu hút đầu tư”, Bộ trưởng nói.
Từ thực tế như vậy, Bộ trưởng nói: Điểm nghẽn lớn nhất của Điện Biên chính là hạ tầng giao thông.
Không chỉ Bộ trưởng, mà Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Văn Sơn và Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn cũng thẳng thắn thừa nhận: Nút thắt lớn nhất của Điện Biên chính là hạ tầng giao thông.
Đó cũng chính là một trong những lý do, khi xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới, cũng như năm 2021, Điện Biên xác định, để thúc đẩy phát triển kinh tế, tỉnh sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông.
Cụ thể, theo Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn, trong Dự thảo Kế hoạch 5 năm, Điện Biên xác định mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thị sát Sân bay Điện Biên. |
Cùng với đó, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc và di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng và an ninh. Quyết tâm đưa Điện Biên thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Để thực hiện mục tiêu này, Điện Biên xác định tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng cơ chế chính sách tạo đột phá, thu hút đầu tư phát triển; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đô thị theo hướng hiện đại; thực hiện tái cơ cấu đầu tư công theo hướng thiết thực, hiệu quả…
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, nhu cầu vốn đầu tư của Điện Biên là trên 31.132 tỷ đồng trong đó nhu cầu kế hoạch đầu tư công năm 2021 là hơn 4.501 tỷ đồng.
Theo đó, một số dự án trọng điểm như Xây dựng, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên; Cụm hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, như hồ Huổi Cánh, hồ Huổi Bẻ, Nậm Xả…; Dự án đường Chà Cang - Nà Khoa - Nậm Nhừ - Nậm Chua - Nà Hỳ - Nà Bủng… đã được đề xuất đầu tư xây dựng.
Trong đó, dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được đặc biệt coi trọng. Cảng hàng không này đã được xây dựng từ thời Pháp thuộc, đã qua nhiều lần cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, nhưng theo Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Văn Sơn, do “chưa có tầm nhìn”, nên cho đến nay, không đáp ứng được nhu cầu phát triển.
“Đây là điểm nghẽn ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng Sân bay Điện Biên là rất cần thiết và cấp bách”, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Văn Sơn nói.
Vì cần thiết và cấp bách, nên Điện Biên đề nghị thực hiện dự án này theo phương án vừa triển khai thực hiện đầu tư xây dựng đường băng mới, vừa tiếp tục khai thác, sử dụng đường băng cũ, để tránh bị gián đoạn việc khai thác, vận chuyển hành khách.
Ủng hộ kế hoạch này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Con đường đi ra nhanh nhất của Điện Biên chính là làm sân bay. Nếu không nhanh thì lại bỏ lỡ cơ hội”.
Liên quan đến các định hướng phát triển khác của Điện Biên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trước mắt, Điện Biên phải tập trung xây dựng quy hoạch, xác định những lĩnh vực trọng yếu cần phát triển, phải thu hút được dự án có tính chất động lực, dẫn dắt, lan tỏa.
“Điện Biên đã xác định là tỉnh nông nghiệp, nhưng cần lấy nông nghiệp hiệu quả cao làm gốc. Hiệu quả cao là sản xuất ra bán được giá cao, nông dân thu lợi. Phải gắn kết với thị trường, với doanh nghiệp, với HTX thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Và đi thẳng vào nông nghiệp hữu cơ. Hiện cả thế giới cũng đã đi theo con đường này rồi”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao tặng 200 triệu đồng cho Quỹ Vì người nghèo tỉnh Điện Biên. |
Trong khi đó, về công nghiệp, Bộ trưởng “hiến kế”, Điện Biên phải phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với xây dựng nông thôn mới; lưu ý giá trị văn hóa, lịch sử, khai thác các tiềm năng lợi thế của vùng lòng hồ để phát triển du lịch.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã ủng hộ các kiến nghị của Điện Biên trong thực hiện dự án bệnh viện ở Nậm Pồ, dự án tái định cư thủy điện Sơn La…
Bộ trưởng cũng cho rằng, bên cạnh phát triển hạ tầng, Điện Biên phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường thu hút đầu tư, bởi chỉ khi có dự án động lực, kinh tế - xã hội của tỉnh mới “bứt” lên được.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đó là Điện Biên phải thực hiện thật tốt nhiệm vụ chính trị của các tỉnh miền núi phía Bắc, là giữ đất, giữ rừng, giữ dân, đồng thời quan tâm tạo sinh kế cho người dân.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao tặng Quỹ Vì người nghèo tỉnh Điện Biên số tiền 200 triệu đồng.