Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đầu tư mạnh mẽ nguồn nhân lực bán dẫn là bước đi chiến lược

Theo Bộ trưởng, Việt Nam phải ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đây là bước đi chiến lược nhằm xây dựng vị thế trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn là “trái tim” của cuộc cách mạng công nghệ. (Ảnh: Đức Trung) Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn là “trái tim” của cuộc cách mạng công nghệ. (Ảnh: Đức Trung)

Chiều 9/8, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tập đoàn Cadence, Tập đoàn FPT và tổ chức Tresemi (Hoa Kỳ) tổ chức Tọa đàm “Phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn”.

Chủ trì và phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những nền tảng quan trọng của nền kinh tế hiện đại, là “trái tim” của cuộc cách mạng công nghệ, cơ sở cho sự phát triển của nhiều ngành công nghệ cao.

Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam xác định cần phải ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết để bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu, mà còn là bước đi chiến lược nhằm xây dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn.

Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo “Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050”.

Ngày 5/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ làm cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Đây là những bước đi hết sức chủ động của Bộ nhằm phát triển hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Việc NIC phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế là những tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qorvo, Cadence, ARM, Siemens, Google, Samsung, FPT… để xây dựng các chương trình đào tạo thiết kế vi mạch là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn.

“Có thể nói, công tác đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và dẫn dắt, đang được các địa phương, doanh nghiệp và trường đại học hưởng ứng mạnh mẽ và triển khai đồng loạt”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, khi nói đến 3 nhà là Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, mỗi nhà có vai trò khác nhau.

“Thời gian qua, Nhà nước còn làm việc miệt mài hơn cả doanh nghiệp. Về nhà trường, chưa bao giờ trong thời gian ngắn như vậy, các trường đại học tham gia đào tạo ngành bán dẫn nhanh chóng, sẵn sàng”, ông Bình nói.

Chia sẻ kế hoạch FPT dự kiến đào tạo 10.000 nhân lực ngành bán dẫn thời gian tới, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, Tập đoàn đã bắt đầu đầu tư hệ thống phổ thông cho đến hệ thống cao đẳng, đại học, làm việc với các đối tác từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ để tìm mọi con đường hợp tác đào tạo.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Đức Trung)

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Đức Trung)

Nhắc đến vấn đề “đầu ra” - công ăn việc làm cho nhân lực ngành bán dẫn, ông Trương Gia Bình khẳng định có rất nhiều cơ hội việc làm từ các start-up ngành chip bán dẫn do những "anh hùng hào kiệt" người Việt ở Hoa Kỳ tập hợp nhau lại để xây dựng, hay các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Vingroup, FPT, Viettel… “Chúng tôi cần nhiều người chung tay làm chip. Việc của chúng ta phải học nhiều để vươn lên”, ông Bình cho hay.

Ông cũng kêu gọi các bạn trẻ quan tâm đến việc quan tâm đến xu hướng đưa AI lên chip. “Nếu chúng ta đầu tư vào hướng này, sẽ không thể tưởng tượng được sẽ phát triển như thế nào trong tương lai”, ông Bình nói.

Chia sẻ về mục tiêu phát triển Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hàng đầu Châu Á trong lĩnh vực đào tạo công nghệ bán dẫn, ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM cho biết, Đại học Quốc gia TP. HCM đã hợp tác với các trường đại học uy tín trên thế giới trong lĩnh vực vi mạch, trao đổi chương trình hợp tác với các doanh nghiệp như Synopsys, Intel, NVIDIA, đầu tư mới 2 phòng thí nghiệm chuyên sâu cho lĩnh vực này.

Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tham gia vào phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp, nhiệm vụ, trong đó, tập trung vào 3 nhóm giải pháp: xây dựng các cơ sở pháp lý tạo ra chính sách thu hút đầu tư; chuẩn bị quỹ đất, cơ sở hạ tầng; liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển nhân lực và thu hút chuyên gia lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo các địa phương, đại học, doanh nghiệp chúc mừng các học viên tốt nghiệp chương trình đào tạo thiết kế vi mạch. (Ảnh: Đức Trung)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo các địa phương, đại học, doanh nghiệp chúc mừng các học viên tốt nghiệp chương trình đào tạo thiết kế vi mạch. (Ảnh: Đức Trung)

Trong khuôn khổ sự kiện, NIC cũng đã tổ chức bế giảng chương trình đào tạo thiết kế vi mạch “Thiết kế Vật lý Vi mạch VLSI Cơ bản”. Chương trình đào tạo tuyển chọn được hơn 70 học viên xuất sắc từ các trường đại học lớn trên cả nước để cấp học bổng và tham gia chương trình đào tạo.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các học viên tốt nghiệp chương trình đều có thể tham gia hoạt động tại doanh nghiệp. Hiện đã có gần 20 học viên được nhận làm việc tại các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về thiết kế vi mạch như Marvell, Synopsys, FPT, Faraday, Samsung...

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục