Diễn đàn có chủ đề “Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chủ trì Diễn đàn.
30 năm đổi mới đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo kinh tế Việt Nam
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã khẳng định chủ trương lớn là “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa".
Cùng với đó là nhiều Nghị quyết quan trọng về hoàn thiện thể chế, pháp luật, các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp, kinh tế tư nhân, phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội...
Điều này đặt ra những nhiệm vụ rất quan trọng và yêu cầu đối với Chính phủ là phải xây dựng được hệ thống những giải pháp, hành động cụ thể để chỉ đạo, điều hành phát triển toàn diện các lĩnh vực của nền kinh tế. Đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trên thế giới.
Nếu không thực hiện đồng thời cải cách và phát triển, chúng ta sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại
- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Theo Bộ trưởng, thành quả quan trọng nhất của 30 năm “Đổi mới” là đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo kinh tế Việt Nam; đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh; Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Đến nay, tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế từng bước cải thiện, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Đến hết năm 2017, quy mô dân số đạt khoảng 94 triệu người, đứng thứ 14 trên thế giới; quy mô nền kinh tế đạt khoảng 220 tỷ USD, xếp thứ 34; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 2.300 USD/năm, xếp thứ 134; tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81% và dự kiến năm 2018 có thể đạt cao hơn; chỉ số phát triển con người (HDI) đứng thứ 116/189 quốc gia; hệ số bất bình đẳng về phân phối thu nhập (GINI) ở mức tích cực, 0,43 điểm. Các chỉ số về năng lực cạnh tranh quốc gia và môi trường kinh doanh đạt nhiều tiến bộ đáng khích lệ.
Năm 2017, năng lực cạnh tranh xếp hạng 55/137, tăng 5 bậc; môi trường kinh doanh xếp hạng 68/190, tăng 14 bậc; đổi mới sáng tạo xếp hạng 47/127, tăng 12 bậc. Trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn từ vị trí thứ ba năm 2016 lên vị trí thứ nhất.
Đạt được kết quả tích cực nêu trên là nhờ sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, của cả xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, nhất là các đối tác phát triển.
Nền kinh tế Việt Nam những năm tới hứa hẹn cả những thách thức và cơ hội đan xen. Một số kịch bản kinh tế đã được đưa ra với triển vọng tăng trưởng trung bình của Việt Nam ước đạt 6,85% trong các năm 2018-2020.
Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn luôn ý thức được những thách thức và khó khăn, cả những vấn đề nội tại cũng như những tác động khách quan từ bên ngoài có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, câu hỏi lớn được đặt ra hiện nay là làm thế nào để tận dụng triệt để được mọi cơ hội, nhất là cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vượt qua được các khó khăn, thách thức, làm rõ các động lực tăng trưởng mới với tầm nhìn phát triển trong kỷ nguyên mới gắn liền với tư duy đổi mới, cải cách để tìm ra phương án tốt nhất cho bài toán tăng trưởng và phát triển của Việt Nam;
Hướng tới tăng trưởng bứt phá, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở tận dụng thành tựu khoa học công nghệ của nhân loại, đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại, có nền kinh tế thị trường tiên tiến, phát triển bền vững lấy mục tiêu phát triển con người là trọng tâm, đảm bảo thực hiện các mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Tầm nhìn và chiến lược phát triển đến 2035: Trụ cột là cải cách thể chế và sáng tạo
Tháng 2/2016, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã công bố Báo cáo Việt Nam 2035 và báo cáo đã trở thành một tài liệu tham khảo có giá trị đối với công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đóng góp tích cực vào việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Báo cáo đã đưa ra khát vọng của Việt Nam đến năm 2035, đó là: "Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ" với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, đạt 10.000 USD/người/năm tính theo giá hiện hành.
Khát vọng này được thực hiện thông qua chương trình cải cách thể chế và các chính sách hỗ trợ dựa trên ba trụ cột chính: Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; Công bằng và hòa nhập xã hội; Nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.
Tại Hội nghị APEC cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định tầm nhìn phát triển của thập niên tới đó là đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế năng động, dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, có khả năng phát triển nhanh và bền vững.
Đó cũng chính là quan điểm, chiến lược phát triển tất yếu để nền kinh tế Việt Nam có đủ nội lực bứt phá, vươn lên trong chặng đường tiếp theo, bắt kịp các quốc gia đã có nền tảng phát triển vững vàng trong khu vực.
“Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, làm thay đổi mạnh mẽ từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp, thậm chí làm thay đổi cả con người, chúng ta đang đứng trước yêu cầu lịch sử là phải đổi mới, cải cách mạnh mẽ, căn bản để tiếp tục phát triển, đi lên. Vì nếu không thực hiện đồng thời cải cách và phát triển, chúng ta sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và cho rằng, đây là thời điểm “vàng” bởi chúng ta đang đứng trước những cơ hội quý.
Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, theo Bộ trưởng, cần phải ý thức được những vấn đề khó khăn, những thách thức phải giải quyết trong giai đoạn tới, nhất là những vấn đề về giải quyết mối quan hệ giữa cải cách và phát triển, trong cả nhận thức và hành động.
Dự báo và ứng phó được với những tác động bất lợi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong bối cảnh phải:
Một mặt, phát hiện và tận dụng được những cơ hội do cuộc cách mạng này đem lại, ưu tiên trong các lĩnh vực công nghệ; cải thiện cho được những chỉ số cấu thành năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam, về môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh, hạ tầng, tiếp cận với công nghệ thông tin và truyền thông;
Huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là nguồn lực của khu vực tư nhân, nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh toàn cầu phải trở thành động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế đất nước; liên kết, hợp tác cùng phát triển giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài; ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đảm bảo phát triển bền vững...;
Mặt khác, giảm thiểu được những thách thức, tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này, nhất là việc sử dụng ngày càng rộng rãi robot thay thế cho con người.
Trên cơ sở xác định rõ nền kinh tế đang ở đâu trong quá trình phát triển, ý thức được những khó khăn, thách thức, nhận diện và tận dụng triệt để được mọi cơ hội, dù là nhỏ nhất, cho cải cách và phát triển, chúng ta cần tập trung xác định những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng và phát triển.
Trong đó, động lực tăng trưởng nền móng của nền kinh tế Việt Nam chính là cải cách thể chế kết hợp với tập trung nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các chính sách, giải pháp phù hợp, hữu hiệu, nhất là thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao; phát triển kinh tế tư nhân trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; phát triển nguồn nhân lực, đây là yếu tố quyết định sự thành công và hiệu quả của tất cả những động lực khác.
Đây cũng là những vấn đề lớn mà Việt Nam kỳ vọng sẽ thu được từ các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Diễn đàn, góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp có hiểu biết toàn diện, sâu sắc hơn về bối cảnh quốc tế và các xu hướng lớn toàn cầu trong thời gian tới, về động lực tăng trưởng mới của Việt Nam; về các bước đi, giải pháp nhằm vượt qua các thách thức, nắm bắt thành công các cơ hội phát triển và phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng mới của đất nước.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội giúp các đối tác phát triển của Việt Nam hiểu rõ hơn những khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải và những ưu tiên phát triển của Việt Nam trong một, hai thập kỷ tới để từ đó xác định được các hình thức hỗ trợ, hợp tác phù hợp, hiệu quả nhất đối với Việt Nam.