Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cần tư duy mới trong tiếp cận các vấn đề hệ trọng của đất nước

0:00 / 0:00
0:00
Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đối với các đơn vị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Hội nghị giao ban sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hội nghị giao ban sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chiều ngày 18/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị giao ban sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Chủ trì Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hội nghị nhằm đánh giá công tác nửa đầu năm 2022 để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đồng thời xác định những vấn đề lớn đặt ra cho 6 tháng cuối năm trước những biến động khó lường, phức tạp trên thế giới cũng như trong nước.

Theo Báo cáo tại Hội nghị, quán triệt chủ đề điều hành năm 2022 của Chính phủ, khẩn trương, kiên quyết, kiên trì khắc phục những mặt còn hạn chế, bất cập, quyết tâm nỗ lực hoàn thành các đề án, nhiệm vụ được giao, với phương châm hành động là “Phục hồi hiệu quả, Phát triển bền vững”, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ nhiều chương trình, đề án, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Là cơ quan tham mưu tổng hợp, dưới sự chỉ đạo của tập thể Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ và sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thường xuyên cập nhật, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế, kịp thời đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, tranh thủ thời cơ phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục, như: Số nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao chưa hoàn thành, quá hạn vẫn còn. Trước tồn tại đó, các đơn vị thuộc Bộ đã kiểm điểm một cách nghiêm túc, đánh giá những mặt được, chưa được đối với từng lĩnh vực công tác.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, bên cạnh các nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị thuộc Bộ cần khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo kế hoạch cũng như các nội dung sẽ trình tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XV và khẩn trương hoàn thành 47 đề án, báo cáo được giao 6 tháng cuối năm 2022.

Cụ thể, về các đề án, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội và mô hình kinh tế mới, trong 6 tháng cuối năm, Bộ sẽ triển khai xây dựng và hoàn thiện Đề án bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn, thành lập và ban hành quy chế hoạt động của 5 Hội đồng điều phối vùng cho 5 vùng kinh tế - xã hội, xây dựng Báo cáo đánh giá việc thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thời kỳ đến năm 2020 và vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Về quy hoạch tổng thể quốc gia, cần chủ động bám sát và kịp thời tham mưu Chính phủ triển khai thực hiện các bước tiếp theo ngay sau khi Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến đối với nội dung “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia”. Đồng thời, tiếp tục triển khai lập quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Về xây dựng Luật, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan hoàn thiện, trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư đối với 02 dự án Luật là Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Hợp tác xã (sửa đổi), bảo đảm trình Chính phủ xem xét trước ngày 10/8/2022.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, bối cảnh cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đòi hỏi các đơn vị phải nhanh hơn, nỗ lực hơn, tư duy mới hơn trong tiếp cận các vấn đề hệ trọng của đất nước mới có thể đáp ứng được yêu cầu.

“Khối lượng công việc từ giờ đến cuối năm rất lớn, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 chưa làm được bao nhiêu, dù các đơn vị hết sức cố gắng, lãnh đạo Bộ quyết liệt”, Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, về công tác quy hoạch, qua giám sát của Quốc hội vừa qua, dù Bộ đã làm quyết liệt nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia trong năm nay là hết sức quan trọng, bởi đây là cơ sở để dẫn dắt nền kinh tế, sự phát triển đất nước, là cơ sở triển khai nhiệm vụ, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh.

Về công tác xây dựng pháp luật, Bộ trưởng nhắc lại quan điểm không được bảo thủ, không được hài lòng với những gì đã có. “Nếu chỉ 1 lần thì là cá biệt, nhưng lặp đi lặp lại 2, 3 lần trở lên thì là vấn đề. Nếu hiểu là có vấn đề thì phải nghiêm túc xem lại hệ thống pháp luật, chính sách”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hiện tại, dù đang đối mặt với thách thức, nhưng yêu cầu phục hồi nhanh hơn, phát triển nhanh hơn, tận dụng các cơ hội đang được đặt ra, đòi hỏi trách nhiệm của công chức ngành kế hoạch và đầu tư.

"Chúng ta không chỉ cần nỗ lực hơn, quyết tâm hơn, mà cần tư duy phải đổi mới hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế", Bộ trưởng yêu cầu.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục