Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Cần bỏ giấy giới thiệu khi phóng viên tác nghiệp tại tòa

(ĐTCK) Trao đổi bên hành lang Quốc hội liên quan đến hoạt động của báo chí, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, việc yêu cầu phóng viên tác nghiệp tại tòa án phải có giấy giới thiệu là một loại giấy phép con, cần hủy bỏ.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (19/6) Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (19/6)

Theo đó, Thông tư số 01/2014 về nội quy phiên tòa của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định, các phóng viên muốn tham dự đưa tin phiên tòa phải xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu.

Quy định trên đây đã vấp phải phản ứng của dư luận vì theo Nghị định số 51/2002/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành Luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí), nhà báo tham dự phiên tòa chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo.

Trao đổi với báo chí về quy định này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, ông vừa được báo cáo ngày hôm qua.

“Thông tư 01 của Tòa án tối cao về nội quy phiên tòa đúng là có quy định nhà báo đến dự phiên toà, theo dõi, đưa tin thì phải có 2 loại giấy tờ, thứ nhất là thẻ nhà báo, thứ hai là giấy giới thiệu công tác của lãnh đạo tờ báo. Anh em thấy rằng, giấy giới thiệu thì có vướng với Nghị định của Chính phủ và Luật Báo chí. Nghị định quy định rất rõ nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo thôi” – Bộ trưởng nói.

Ông Hà Hùng Cường cho biết thêm, về nguyên tắc, Bộ tư pháp không có quyền kiểm tra, kiểm soát Thông tư do Tòa án Tối cao ban hành mà chỉ có thể góp ý. Bộ sẽ cố gắng đến ngày 21/6, sẽ có văn bản góp ý với Tòa án. Đồng thời, Bộ trưởng nhận định: “đấy là giấy phép con và phải sửa”.

Ông đánh giá, yêu cầu phải có giấy giới thiệu gây ra rào cản cho hoạt đông nghề nghiệp báo chí và rất không cần thiết. Hơn nữa, quy định phải xuất trình 15 phút  trước khi phiên tòa bắt đầu, nếu muộn hơn thì không được cũng làm khó cho báo chí.

“Nguyên tắc là xét xử công khai, trừ trường hợp bí mật theo luật định, ngay cả tuyên án cũng phải công khai và Nghị định của Chính phủ đã quy định thủ tục báo chí tiếp cận thông tin rồi” – ông Hà Hùng Cường nói.

Được biết, trong trường hợp, Thông tư của Tòa án tối cáo “có vấn đề” thì cấp có thẩm quyền hủy bỏ, sửa đổi… là Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, Bộ trưởng cho biết, còn “nợ” ngành báo chí văn bản này, bởi vi phạm trong cung cấp thông tin, đăng tải thông tin vẫn chưa làm rõ khác biệt giữa chủ thể vi phạm là nhà báo và chủ thể vi phạm là người dân bình thường.

Ông Hà Hùng Cường cho biết, đã yêu cầu làm sớm, tách riêng 2 chủ thể này và chỗ nào là trách nhiệm của báo chí thì quy định rõ cấp nào mới được xử phạt, không phải là mọi người có thẩm quyền xử phạt mà luật quy định đều được quyền xử phạt báo chí.

Hoàng Duy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục