Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa triệu tập cuộc họp khẩn, kết nối trực tuyến 63 tỉnh thành, với yêu cầu cấp bách: Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong các cơ sở công nghiệp và thương mại; bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu.
Không có tình trạng găm hàng, tăng giá trục lợi
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh do tin tưởng vào khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu của hệ thống phân phối, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ. Tại các địa phương có dịch bệnh, hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường. Các địa phương đều chủ động triển khai các kế hoạch có sẵn về phòng, chống Covid-19.
Thông tin từ các tỉnh khác như Cà Mau, Hải Dương, Yên Bái, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng tốt nhu cầu người dân, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng các phương án chi tiết về việc cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân thủ đô và hỗ trợ các tỉnh, thành phố giải tỏa lượng hàng sản xuất ra.
Lượng hàng hóa dự kiến chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng/ 2021 khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21.500 tỷ đồng. Sở Công Thương Hà Nội xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo 3 cấp độ.
Ông Trần Ngọc Thực, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh cho biết, dịch bệnh đang xảy ra tại 3 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng công tác đảm bảo nguồn cung hàng hóa luôn được thông suốt, nhờ triển khai nhiều chương trình bình ổn giá, xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa theo từng cấp độ, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối trên địa bàn, tỉnh cũng yêu cầu ký cam kết, đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong mọi tình huống. Đến nay, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn vẫn ổn định, không có hiện tượng tăng giá thiếu hàng.
Nỗ lực đảm bảo mục tiêu kép
Theo Bộ Công Thương, đợt dịch thứ 4 này, trọng điểm chống dịch của cả nước tập trung vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy sản xuất kinh doanh, các cơ sở sản xuất, các trung tâm thương mại, chợ truyền thống...
Việt Nam hiện có gần 400 khu công nghiệp đã thành lập, 30 khu kinh tế cửa khẩu, 20 khu kinh tế ven biển, tổng lao động trực tiếp ở các khu này là gần 4 triệu lao động. Trong khi đó, khu vực thương mại có 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại, gần 9.000 chợ với các hộ kinh doanh cá thể, 600.000 nghìn nhà hàng.
Đối với cụm công nghiệp, có 700 cụm và khoảng 600.000 lao động. Đây là những nơi tập trung đông người nhưng vẫn bắt buộc phải hoạt động sản xuất, nếu không sẽ dẫn đến việc bị đứt gãy nền kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, với ngành Công Thương, trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn phải bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu.
Đối với công tác bình ổn thị trường, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các nội dung tại Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 12 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.
Quán triệt về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong các cơ sở công nghiệp và thương mại, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề nghị, Ban quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh quán triệt, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19.