Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Nền kinh tế cần sự minh bạch”

(ĐTCK) "Điều quan trọng đối với nền kinh tế hiện nay phụ thuộc vào chính Việt Nam. Chúng ta có quyết tâm cải cách không, có cải cách đúng chỗ không? Nếu không, năm 2015, 2016, sẽ còn khó khăn hơn nữa", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Nền kinh tế cần sự minh bạch”

Dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 của Báo Đầu tư, lắng nghe kiến nghị của cán bộ, phóng viên Báo Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh không từ chối trả lời, dù là câu hỏi nhỏ nhất. Trên cương vị người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng cũng đã chia sẻ những suy nghĩ về tình hình kinh tế chung của đất nước với nhận định, nếu Việt Nam không cải cách sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn.

Nếu không cải cách, nền kinh tế tiếp tục khó khăn

Năm 2013, đất nước ta tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động, phá sản không ngừng tăng lên, trong đó có không ít là các DN lớn, từng hoạt động lành mạnh. Ngoài nguyên nhân do tác động từ nền kinh tế thế giới, “nội tại nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều vấn đề, càng làm, càng thấy nhiều vấn đề cần phải xử lý”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Nền kinh tế cần sự minh bạch”   ảnh 1

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Việt Nam cần phát triển nền kinh tế thị trường thực thụ

Trên bức tranh tổng thể, từ năm 2010 đến nay có thể thấy, mục tiêu kiềm chế lạm phát của Việt Nam đã thực hiện tốt (năm 2010, CPI là 11,75%; năm 2011 là 18,73%; năm 2012 là 6,81% và năm 2013 là 6,04%). Cùng với đó, tăng trưởng GDP cũng dần được cải thiện: năm 2012, GDP là 5,03%, năm 2013 dự kiến là 5,39% và năm 2014, kế hoạch đặt ra là 5,8%. Bộ trưởng nhận định, kinh tế Việt Nam có bước nhích dần lên, nhưng so với yêu cầu còn rất chậm chạp.

Điều quan trọng đối với nền kinh tế hiện nay, theo Bộ trưởng, là phụ thuộc vào chính Việt Nam. “Chúng ta có quyết tâm cải cách không, có cải cách đúng chỗ không? Nếu không, năm 2015, 2016, sẽ còn khó khăn hơn nữa”, Bộ trưởng nói.

 

Cải cách - bắt đầu từ sự minh bạch

Nếu không cải cách sẽ tiếp tục khó khăn, nhưng cải cách phải bắt đầu từ đâu? Câu trả lời xuyên suốt trong thông điệp của Bộ trưởng là cần bắt đầu từ sự minh bạch và tôn trọng quy luật kinh tế thị trường.

“7 năm qua, Luật Đầu tư công do Bộ KH&ĐT xây dựng chưa được thông qua, cứ làm xong lại phải làm lại, vì quá nhiều ý kiến phản đối, nhưng năm nay, các ý kiến đã đồng thuận hơn”, Bộ trưởng nói. Luật này ra đời sẽ thay đổi rất lớn tư duy phân bổ vốn, quản lý vốn nhà nước.

“Nếu không ban hành Luật Đầu tư công thì không thể khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát. Tình trạng này càng kéo dài, đất nước càng rơi vào vực thẳm của nợ công”, người đứng đầu ngành KH&ĐT bày tỏ sự lo ngại.

Quyết tâm xây dựng và bảo vệ Luật Đầu tư công trước Chính phủ, trước Quốc hội và chuyển kế hoạch đầu tư hàng năm sang kế hoạch đầu tư trung hạn, theo Bộ trưởng, đây là cách để minh bạch, để không có chạy chọt, tham nhũng nữa. Cùng với Luật Đầu tư công, Bộ trưởng đặt mục tiêu, mỗi năm, Bộ KH&ĐT sẽ xây dựng 1-2 luật, để từng bước luật hóa các vấn đề kinh tế lớn, tạo hành lang pháp lý minh bạch nhất cho các chủ thể hoạt động.

Để tránh những Vinashin, Vinaline (những DN đã gây thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế) mới phát sinh, Bộ trưởng khẳng định, bắt đầu từ quý I năm 2014, sẽ có văn bản yêu cầu các DNNN phải công bố công khai thông tin tài chính định kỳ, nhằm nhìn rõ DN nào nợ ở đâu, lỗ vốn ở đâu, hiệu quả ở đâu. “Nếu không minh bạch khối DN này, kinh tế nước ta sẽ còn suy yếu”, Bộ trưởng nói.

Nói về kinh tế thị trường, người đứng đầu Bộ KH&ĐT cho rằng, đó là tinh hoa của nhân loại, các chính sách lớn điều hành nền kinh tế phải tuân theo quy luật thị trường, theo đúng bản chất vốn có.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam cần phát triển nền kinh tế thị trường thực thụ, ở đó không có chuyện các bộ chủ quản thích tăng giá điện, giá xăng lúc nào thì tăng, mà bắt buộc phải tôn trọng các quy luật của thị trường. Nhà nước sẽ can thiệp thị trường khi cần thiết, sẽ phải tính toán, cân đo lúc nào nên can thiệp, can thiệp như thế nào, ở mức độ liều lượng nào để không phá vỡ quy luật tự nhiên của thị trường. Với cách tư duy này, thời gian qua, Chính phủ đã kiềm chế rất tốt chỉ số lạm phát và chắc chắn sẽ làm tốt công tác này trong các năm tới.

Dù phải chịu trách nhiệm với một khối lượng công việc rất lớn, nhưng Bộ trưởng khẳng định, ông sẵn sàng dành thời gian đối thoại với DN, với các chủ thể trong nền kinh tế để giải đáp mọi thắc mắc. Phần thưởng cho ông là niềm tin của cộng đồng DN và những dòng vốn mới đang chảy ngày càng mạnh hơn vào Việt Nam.

Bộ trưởng mong rằng, những vấn đề kinh tế lớn của đất nước, tư tưởng về minh bạch nền kinh tế, cần được công chúng thấu hiểu, để đồng lòng thực hiện và đánh giá đúng những chuyển biến vĩ mô.     

Báo Đầu tư cần tập trung minh bạch hóa các vấn đề kinh tế lớn

 

Bước chân đến Báo Đầu tư, tôi cảm nhận được sự quy củ, sự ngăn nắp, nét văn hóa, mà không phải đơn vị nào cũng có được. Đây là một tập thể mà tôi tin rằng, với sự chèo lái vững vàng của người đứng đầu và tập thể Ban Biên tập, sẽ vượt qua được sóng gió của nền kinh tế để phát triển bền vững.

 

Năm 2013, đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Số liệu các DN ngừng hoạt động, giải thể, phá sản mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hàng kỳ vẫn tăng lên, dù bên cạnh đó, có nhiều DN mới đi vào hoạt động.

 

Trong lúc nền kinh tế khó khăn, nhiều DN đổ bể, TTCK, thị trường bất động sản trầm lắng, hệ quả đương nhiên là lượng bạn đọc sẽ bị thu hẹp, thị trường báo chí cạnh tranh mạnh mẽ hơn, khó khăn hơn. Tuy nhiên, năm 2013, Báo Đầu tư đã làm được rất nhiều việc, đã giành được nhiều giải thưởng báo chí trong nước và quốc tế, đó là sự cố gắng rất lớn.

 

Khó khăn khi đến với DN, cũng đồng nghĩa đến với báo chí, trong đó có Báo Đầu tư, nhưng Báo Đầu tư đã vươn lên, không chỉ đảm bảo tự trang trải hoàn toàn về tài chính, đóng góp cho Ngân sách Nhà nước, mà còn khẳng định, nâng cao uy tín của một tờ báo lớn, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

Điều tôi muốn góp ý với Báo Đầu tư là phải tiếp tục rà soát, xác định rõ ai là độc giả chính của Báo, để có cách giữ độc giả và phục vụ đúng đối tượng. Việt Nam hiện có 15.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore là 4 nền kinh tế đang có vốn đầu tư lớn nhất vào nước ta, vậy tờ Vietnam Investment Review của Báo đang phủ được đến những đối tượng nào?

 

Đây là việc cần xác định rõ, cũng như các ấn phẩm khác của Báo Đầu tư, cần xác định rõ khách hàng chính yếu của mình. Việc xác định rõ khách hàng chính yếu sẽ giúp Báo tìm ra bước đi bền vững - tiếp tục phát triển một cách đĩnh đạc, trên cơ sở mang lại giá trị thực sự cho khách hàng, độc giả của mình.

 

Cảm nhận của tôi là Báo Đầu tư dù đã phát triển mạnh mẽ, nhưng với tư cách là Cơ quan ngôn luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn chưa khai thác đầy đủ thông tin từ Bộ. Trong thời gian tới, tôi sẽ chủ trì một cuộc họp với những người đứng đầu các cục, vụ, viện và Ban Biên tập Báo Đầu tư để bàn việc giải quyết vấn đề này.

 

Bên cạnh đó, Văn phòng Bộ, với việc quản lý khoảng 16.000 - 17.000 văn bản mỗi năm, cũng cần kiểm soát, phân loại, cái gì không phải văn bản mật, sẽ thông tin cho Báo để Báo làm tốt hơn công tác truyền thông của mình.

 

Trong quan điểm của tôi, đất nước ta cần sự minh bạch và Báo Đầu tư cần tập trung làm minh bạch hóa các vấn đề kinh tế lớn của đất nước, làm rõ những điểm yếu kém, bất hợp lý để cung cấp thông tin nhiều chiều, sâu sắc hơn, đa dạng hơn cho công chúng.

 

Bên cạnh phản ánh các thông tin thời sự, cần phản ánh sâu những vấn đề phía sau các kiến nghị, sau thông điệp của nhà đầu tư, của doanh nghiệp, của các tổ chức kinh tế là gì. Đó là nhiệm vụ, là không gian làm việc của Báo Đầu tư.           

Tường Vi
Tường Vi

Tin cùng chuyên mục