Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Năm 2021, chống dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu

0:00 / 0:00
0:00
Nhìn lại hơn một năm chống "giặc" Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ; bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn khá chông gai, dịch bệnh vẫn có thể tái bùng phát nếu các biện pháp kiểm soát bị nơi lỏng hoặc người dân có tâm lý chủ quan.

Không chủ quan, lơ là

Ngày 6/1 tại Hội nghị Y tế toàn quốc, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế đánh giá Covid-19 là dịch bệnh chưa từng có trong tiền lệ.

“Lịch sử ngành Y tế chưa bao giờ ghi nhận cuộc chiến chống đại dịch nào có sự tham gia của toàn dân, toàn quân với tinh thần đoàn kết một lòng, nhất trí cao nhằm khống chế, truy vết, khoanh vùng, dập dịch như những gì chúng ta đã, đang làm thời gian qua”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Y tế toàn quốc sáng 6/1 (Ảnh: Quỳnh Trang).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Y tế toàn quốc sáng 6/1 (Ảnh: Quỳnh Trang).

Để ứng phó với dịch Covid-19 ngoài nỗ lực của các y, bác sỹ trong việc cấp cứu, điều trị bệnh nhân với tỉ lệ chữa khỏi lên tới hơn 96%, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong khoa học công nghệ khi là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên giải trình tự gene virus; 1 trong 5 quốc gia sản xuất được sinh phẩm chẩn đoán kháng thể.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã sản xuất thành công máy thở phục vụ cho nhu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia của ASEAN thử nghiệm vắc xin trên người.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, năm 2021, chống dịch Covid-19 vẫn là mục tiêu hàng đầu và cần ưu tiên, hướng tới bảo vệ tính mạng người dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường (Ảnh: Quỳnh Trang)

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, năm 2021, chống dịch Covid-19 vẫn là mục tiêu hàng đầu và cần ưu tiên, hướng tới bảo vệ tính mạng người dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường (Ảnh: Quỳnh Trang)

Dù đạt được kết quả rõ nét song người đứng đầu ngành Y tế cũng khẳng định, chặng đường chống dịch Covid-19 của chúng ta còn khá chông gai khi số ca mắc và tử vong trên toàn cầu ngày càng tăng, đặc biệt với sự xuất hiện của chủng virus mới với tốc độ lây lan cao hơn 70% so với chủng virus cũ.

“Do đó, năm 2021, chống dịch Covid-19 vẫn là mục tiêu hàng đầu và cần ưu tiên, hướng tới bảo vệ tính mạng người dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Trong bối cảnh người dân sắp đón Tết Nguyên đán và sự kiện chính trị lớn là Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn từ 25/1 đến 2/2, tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành Y tế và các bộ, ban ngành liên quan phải nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, không để dịch bệnh xâm nhập, bùng phát và lây lan; đồng thời đảm bảo công tác y tế phục vụ Đại hội Đảng tuyệt đối an toàn.

“Nhân dịp này, tôi cũng kêu gọi mỗi người dân hãy nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với biểu hiện lơ là, chủ quan, coi thường lợi ích cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để đón Tết lành mạnh, an toàn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục kéo dài, chưa xác định được thời điểm kết thúc nên chúng ta phải thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch, thông điệp 5K của Bộ Y tế, đồng thời phải đẩy nhanh việc nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu vắc xin đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Về tình hình sản xuất vắc xin Covid-19 của Việt Nam Thủ tướng khẳng định, việc thử nghiệm vắc xin đầu tiên với kết quả khả quan đã chứng minh tính khoa học, tính trách nhiệm, nhân đạo, sự nhanh nhạy, chạy đua với thời gian; sự tự tin, tự lực, tự cường của Việt Nam trong bảo vệ người dân trước đại dịch lịch sử của loài người.

“Tuy nhiên, để vắc xin tới được người dân còn rất nhiều khó khăn, các đơn vị cần không ngừng nỗ lực, với ưu tiên cao nhất là an toàn, không nóng vội, đốt cháy giai đoạn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công

Năm 2021, ngoài công tác phòng chống dịch Covid-19, các dịch bệnh như sốt xuất huyết, bạch hầu vẫn tồn tại và có nguy cơ bùng phát thành dịch, vậy nên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống y tế để ứng phó với các tình huống khẩn cấp, phòng chống dịch bệnh chủ động, phát hiện sớm, khống chế kịp thời.

Thủ tướng cũng đề nghị ngành Y tế quan tâm đến phòng, chống các bệnh không lây nhiễm khi các bệnh này đang chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật và 73% số ca tử vong.

Ngoài ra, tình trạng quá tải ở một số bệnh viện trung ương và tuyến cuối chưa khắc phục tốt, cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh còn là cản trở Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế cần tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân về khám chữa bệnh bằng cách công khai chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, thực hiện việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, liên thông kết quả chẩn đoán hình ảnh giữa các bệnh viện, hạn chế tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm.

Từ ngày 1/1/2021 theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, cả nước đã thực hiện thông tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc. Đây là quy định tạo thuận lợi cho người dân song lại là thách thức không nhỏ của cả ngành Y tế và cả các chính quyền địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngành Y tế phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, quản trị trong từng bệnh viện, cơ sở y tế; sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công cho ngành, tránh tình trạng thất thoát, lãng phí (Ảnh: Quỳnh Trang)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngành Y tế phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, quản trị trong từng bệnh viện, cơ sở y tế; sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công cho ngành, tránh tình trạng thất thoát, lãng phí (Ảnh: Quỳnh Trang)

“Để đảm bảo tối đa quyền lợi cho người dân, ngành Y tế và chính quyền các địa phương phải chủ động nâng cao chất lượng, không để tình trạng người bệnh dồn về một số bệnh viện, gây quá tải cục bộ, dẫn đến giảm chất lượng điều trị, chăm sóc nhân dân”, người đứng đầu Chính phủ nghiêm túc yêu cầu.

Với vấn đề xã hội hóa y tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng điều này cần được tăng cường để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hội nhập quốc tế song phải trên cơ sở công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

“Phải làm sao để người dân không phải gánh chịu chi phí không cần thiết, không thể đưa giá thiết bị y tế lên 5 - 7 lần và lấy chi phí của người bệnh cao hơn 5 - 7 lần so với bình thường”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Một yêu cầu khác được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho ngành Y tế là đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý cũng như cơ chế quản trị trong từng bệnh viện, cơ sở y tế; sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công cho ngành, tránh tình trạng thất thoát, lãng phí.

Chính phủ quyết tâm cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế gắn với cơ chế tiền lương, giá dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế. Do đó, Bộ Y tế cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tiếp tục triển khai lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế gắn với thực hiện bảo hiểm y tế, phấn đấu đạt mục tiêu hơn 95% vào năm 2025.

Ngoài ra, ngành Y tế phải có trách nhiệm bảo đảm hơn nữa tính minh bạch về viện phí, kiểm soát tốt hơn chi phí dược phẩm, phác đồ và thuốc chữa bệnh cũng như vật tư, thiết bị y tế.

“Đồng thời cần nghiên cứu đề xuất tăng mức đóng BHYT phù hợp, bảo đảm phục vụ tốt nhất quyền lợi của người bệnh, sử dụng quỹ hợp lý và hiệu quả, bảo đảm cân đối quỹ BHYT; phối hợp giải quyết dứt điểm tình trạng treo, nợ quỹ”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

An Hà
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục