Tại phiên họp ngày 31/5 của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có thông tin về việc thiếu thuốc, vắc-xin thời gian qua.
Về vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, thời gian qua Bộ Y tế đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng với 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ trong cả nước.
Giai đoạn 2016-2020 thực hiện Quyết định số 1125 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu y tế dân số giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế được bố trí kinh phí ngân sách trung ương để thực hiện mua sắm tập trung vắc-xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc chống lao, thuốc kháng HIV ARV và vitamin A, ký hợp đồng với nhà cung ứng cấp phát cho các địa phương thực hiện, trong đó đối với các vắc-xin sản xuất trong nước gồm 9 loại.
Các vắc-xin này chỉ có một nhà sản xuất trong nước, mỗi đơn vị sản xuất từ 2 đến 4 loại vắc-xin. Đây là các đơn vị thuộc Bộ Y tế nên Bộ đã thực hiện cơ chế đặt hàng đối với tất cả các loại vắc-xin sản xuất trong nước theo đúng quy định tại Nghị định số 32 năm 2019 thay thế Nghị định số 130 năm 2013.
Đối với các vắc-xin nhập khẩu, Bộ Y tế đã thực hiện cơ chế mua sắm thông qua tổ chức UNICEF theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 của Luật Đấu thầu hoặc thực hiện đấu thầu tập trung đối với các loại vắc-xin đủ điều kiện có 3 đăng ký trở lên.
Giai đoạn năm 2021-2022 do Chương trình mục tiêu y tế, dân số theo Quyết định 1125 chỉ được thực hiện đến hết năm 2020.
Đồng thời, theo Luật Đầu tư công (sửa đổi) năm 2019 không còn Chương trình mục tiêu y tế, dân số mà chỉ còn một số hoạt động được lồng ghép vào nội dung chi của 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và không có nội dung mua vắc-xin, các nội dung còn lại chuyển thành các nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, các cơ quan trung ương và các địa phương.
Vì vậy, để có lộ trình phù hợp khi chuyển đổi cơ chế từ mua sắm bằng ngân sách trung ương chuyển giao cho các địa phương triển khai thực hiện, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 129/2020 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021.
Theo đó, Bộ Y tế được giao nguồn dự toán từ ngân sách trung ương thực hiện mua sắm để cung ứng vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo cho 2 năm 2021, 2022.
Năm 2022 dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc triển khai một số nội dung của chương trình ở nhiều địa phương.
Bộ Y tế trong thời gian vừa qua đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố tăng cường triển khai tiêm thường xuyên trong các tháng cuối năm và rà soát các đối tượng tiêm vét, tiêm bổ sung, tiêm bù cho đối tượng trẻ em và phụ nữ trên toàn quốc.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương, Bộ Y tế đã có đề nghị Bộ Tài chính xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, trong đó, đề nghị bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chuyển từ Chương trình mục tiêu y tế, dân số về nhiệm vụ thường xuyên để mua vắc-xin Chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc chống lao cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế, thuốc ARV và vitamin A cho trẻ em.
Tuy nhiên, các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu y tế, dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của các bộ, ngành và địa phương nên theo quy định của Luật Đầu tư công, phân cấp ngân sách nhà nước Bộ Y tế không được phân kinh phí để triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế cũng đã rà soát nguồn vắc-xin gối đầu từ năm 2022 chuyển sang đến nay, đối với các vắc-xin sản xuất trong nước, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã cung ứng đủ số lượng vắc-xin của năm 2022 và gối đầu đến tháng 7/2023.
Riêng vắc-xin viêm gan B, vắc-xin phòng lao sử dụng đến tháng 8/2023, các vacine viêm não Nhật Bản, vắc-xin sởi, rubela, bOPV dùng đến quý III và quý IV/2023, vắc-xin uốn ván và bại liệt tiêm thực hiện ở các tuyến đủ đáp ứng đến hết năm 2023.
Hiện nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn tiếp tục triển khai tiêm các vắc-xin sẵn có tại các điểm tiêm chủng của xã, phường.
Đối với các thuốc lao, ARV, Vitamin A liều cao, Bộ Y tế tích cực làm việc với các nhà tài trợ và sử dụng nguồn thuốc sẵn có để đảm bảo cung ứng cho các địa phương.
Đến nay, Bộ Y tế đang triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ em trên toàn quốc, bắt đầu từ ngày Quốc tế thiếu nhi, ngày mai là ngày 1/6.
Hiện nay các địa phương đang tích cực để triển khai nhiệm vụ này. Đối với vắc-xin nhập khẩu 5 trong 1, đây là vắc-xin nhập khẩu do năm 2022 tiến hành các thủ tục đấu thầu, mua sắm theo quy định, tuy nhiên không có nhà thầu tham gia nên có thiếu trên thị trường.
Để đảm bảo vắc-xin năm 2023, Bộ Y tế đã làm việc, lắng nghe và trao đổi với các địa phương và đã trình Chính phủ tờ trình và dự thảo nghị quyết về nội dung này.
Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo quyết liệt Bộ Y tế phối hợp cùng với Bộ Tài chính để bố trí kinh phí, ngân sách trung ương năm 2023 để Bộ Y tế triển khai mua sắm theo quy định như những năm trước đây.
Để triển khai nhiệm vụ này, Bộ Y tế đã có công văn gửi 63 tỉnh, thành phố, đến nay đã tổng hợp đủ nhu cầu của 63 tỉnh liên quan đến đề nghị mua vắc-xin trong cả nước.
Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị cung ứng vắc-xin sẵn sàng các công việc theo quy định như rà soát khả năng cung cấp, năng lực sản xuất cũng như xác định giá theo quy định.
Đồng thời, để triển khai nội dung này có căn cứ pháp lý, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về nguồn lực phòng, chống Covid-19 và y tế cơ sở, y tế dự phòng thì Chính phủ và Đoàn giám sát đã đồng thuận trình Quốc hội với nội dung tiếp tục triển khai thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng.
Để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Quốc hội bố trí nguồn ngân sách trung ương để tiếp tục thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong bối cảnh chương trình mục tiêu y tế dân số đã kết thúc.
Về các giải pháp đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, trong thời gian vừa qua, liên quan đến vấn đề này Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt.
Khi đó, đã ban hành rất nhiều văn bản, nghị quyết, nghị định và thông tư của các bộ, ngành liên quan đến giải quyết các vấn đề thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Đến thời điểm này các văn bản này cơ bản đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đảm bảo cơ sở pháp lý để cho các đơn vị triển khai thực hiện. Để thể chế hóa các nội dung này, Chính phủ đã chỉ đạo đưa các nội dung này vào các luật sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới đây.
Nhằm đảm bảo nguồn cung, thực hiện theo Nghị quyết 80 của Quốc hội, Bộ Y tế đã gia hạn được 10.572 thuốc, đến nay cả nước đã có nguồn thuốc là 22.000 đảm bảo đủ cung ứng thuốc cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Thông tư 07 của Chính phủ ban hành cũng đã tháo gỡ những khó khăn về trang thiết bị y tế, hiện nay nguồn trang thiết bị y tế cũng đã được đảm bảo.
Vấn đề liên quan đến tâm lý và vấn đề triển khai thực hiện mua sắm, báo cáo với Quốc hội trong thời gian vừa qua đã rất nhiều các đơn vị ở cơ sở y tế đã tập trung triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và đến nay thì cũng cơ bản đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc.
Chẳng hạn, như Bệnh viện Bạch Mai là một đơn vị có khoảng từ 7.000 đến 8.000 bệnh nhân một ngày, đến nay thì Bệnh viện đã báo cáo là cơ bản đáp ứng được tất cả các nhu cầu về thuốc, không khó khăn, vướng mắc gì.
Tuy vậy trong thực tiễn vẫn còn một số nơi còn e ngại, né tránh trong việc thực hiện quá trình mua sắm, rất mong các địa phương tập trung chỉ đạo.
Một nội dung nữa liên quan đến vấn đề thuốc hiếm theo người đứng đầu ngành Y, trong thời gian vừa qua thì cũng đã có nhiều đại biểu đề cập đến vấn đề này.
Theo quy định của Luật Dược thì đã có nhiều quy định về vấn đề thuốc hiếm, chính sách của Nhà nước về vấn đề thuốc hiếm như hình thức mua sắm, quy định về nhập khẩu thuốc hiếm, việc bán, chuyển nhượng của các bệnh viện việc ưu tiên thẩm định thuốc hiếm, các thuốc hiếm đã bắt buộc phải dự trữ để phục vụ thì Bộ Y tế cũng đã có Thông tư số 26 năm 2019, trong đó quy định 214 loại danh mục thuốc hiếm và 229 thuốc không sẵn có.
Quy định là vậy song thực tế thời gian vừa qua vẫn còn một số các vướng mắc liên quan đến vấn đề thực hiện mua sắm thuốc hiếm do nguồn cung trên thế giới cũng như là các cơ chế dự trữ còn vướng mắc.
Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đang xây dựng một quy chế liên quan đến việc dự trữ và đảm bảo thuốc đặc biệt hiếm để áp dụng trên toàn quốc và dự kiến là trong quý III này sẽ báo cáo với Chính phủ.
Được biết, vừa qua tại TP.HCM có 7 bệnh nhân nhập viện do ngộ độc botulinum. Trong số đó có 3 bệnh nhi may mắn được sử dụng thuốc giải độc (BAT đặc hiệu); 4 người khác thì mòn mỏi chờ thuốc giải độc trong hơn 10 ngày và khi thuốc giải độc được Tổ chức Y tế cứu trợ khẩn cấp về tới Việt Nam thì đã quá thời gian chỉ định sử dụng.
Theo các chuyên gia y tế, nếu có thuốc giải độc BAT, chỉ trong vòng 48-72 tiếng đồng hồ, bệnh nhân sẽ thoát khỏi tình trạng bị liệt, không phải thở máy. Còn nếu đã thở máy 1-2 ngày thì chỉ cần có thuốc từ 5-7 ngày, bệnh nhân có thể bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu và sớm hồi phục, trở lại cuộc sống thường ngày.
Được biết, vào tháng 8/2020, sau khi sử dụng 2 lọ thuốc giải độc được chuyển từ kho dự trữ chiến lược quốc gia của Thái Lan để cứu hai bệnh nhân ngộ độc Botulinum do sử dụng pate Minh Chay, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã đưa ra đề nghị, Việt Nam cần có kho thuốc dự trữ như vậy để bảo vệ sức khỏe toàn dân.
Để cơ chế được bền vững thì thuốc cần được bảo hiểm y tế chi trả. Thế nhưng, sau hơn 2,5 năm diễn ra sự việc trên, đề xuất này vẫn chưa được thực hiện và chúng ta vẫn chưa có kho dự trữ thuốc hiếm quốc gia.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cùng nhiều chuyên gia đã liên tục có ý kiến về việc cần có trung tâm dự trữ thuốc hiếm cấp quốc gia nhằm ứng phó trong tình huống phát sinh ca ngộ độc.
“Chúng tôi đã đề nghị rất nhiều lần phải thành lập trung tâm dự trữ quốc gia. Sau đó, đưa các loại thuốc, vắc-xin cần thiết vào trong danh mục dự trữ quốc gia để chủ động hơn trong các tình huống cấp bách”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết.
Ngoài thuốc giải BAT, tại TP.HCM, các bệnh viện mắt, da liễu, truyền máu Huyết học đang thiếu một số thuốc hiếm trong thời gian dài vì không có nhà cung ứng. Cụ thể, Bệnh viện Mắt thiếu thuốc nhỏ mắt Atropin; Bệnh viện Da liễu thiếu thuốc uống Acitretin và thuốc viên Dapson phối hợp sắt oxalat; Bệnh viện Truyền máu Huyết học thiếu thuốc tiêm Mitoxantrone, thuốc tiêm Idarubicin và thuốc tiêm Foscarnet trisodium hexahydrate.
Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho hay, các thuốc này thiếu trong một khoảng thời gian dài do không có nhà cung ứng. Để đáp ứng nhu cầu điều trị, bệnh viện đã sử dụng các phác đồ thay thế. Tuy nhiên, khi thay thế bằng các thuốc khác, bệnh nhân phải chi trả giá thuốc cao hoặc không được bảo hiểm y tế thanh toán.
Ngoài ra, TP.HCM cũng không có sẵn thuốc cấp cứu như trường hợp ngộ độc botulinum vừa xảy ra. Đối với một số thuốc hiếm hoặc thuốc phát sinh đột xuất trong trường hợp cấp cứu, nguồn cung ứng là một vấn đề nan giải, cần sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan.
"Hầu hết các thuốc này nhu cầu sử dụng ít và không sẵn có ở Việt Nam. Nguồn cung ứng rất hạn chế do ít công ty sản xuất, nhập khẩu và phân phối, giá trị tiền thuốc cao, nhu cầu sử dụng không thường xuyên. Do đó, Sở Y tế TP.HCM cũng đã đề xuất cơ chế mua sắm dự trữ thuốc hiếm cấp địa phương hoặc quốc gia bằng nguồn ngân sách nhà nước", vị này chia sẻ.