Thưa Bộ trưởng! Năm 2014, tình hình kinh tế - xã hội được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, khó khăn, do những tác động từ bên ngoài và từ nội tại nền kinh tế. Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đó, ngành tài chính sẽ triển khai các nhiệm vụ tài chính – ngân sách như thế nào?
Để hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra, Bộ Tài chính xác định chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ các ưu tiên chiến lược như: tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp về tài chính – NSNN để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu ngân sách. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn an ninh tiền tệ, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, phục hồi tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế.
Cộng đồng DN là thành tố quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách của ngành tài chính trong năm 2013. Những chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành và Bộ Tài chính nghiên cứu, triển khai thực hiện trong suốt năm 2013 với mục tiêu cao nhất là tháo gỡ khó khăn cho DN, cho sản xuất - kinh doanh, tạo tiềm lực cho DN vượt khó để phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho NSNN.
Ngành tài chính sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về điều hành NSNN, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ thu, chi theo dự toán đã được Quốc hội quyết định. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; không ban hành, điều chỉnh chính sách làm giảm thu và tăng chi, ảnh hưởng đến cân đối NSNN và an ninh tài chính quốc gia. Điều hành bội chi NSNN theo kế hoạch.
Công tác điều hành giá cả cũng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, điều hành giá cả theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của các loại thị trường.
Bên cạnh đó, ngành tài chính cũng tiếp tục thực hiện quản các nhiệm vụ lớn như quản lý nợ công, đảm bảo đúng cam kết trả nợ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Tăng cường quản lý tài chính DN, đẩy mạnh tái cấu trúc DN Nhà nước. Đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ công. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020.
Thu NSNN là một nhiệm vụ trọng tâm, nặng nề trong năm 2013 và Bộ Tài chính đã hoàn thành trong những ngày cuối năm, nhờ những giải pháp hết sức quyết liệt. Nhiệm vụ đó sẽ được triển khai cụ thể trong năm nay ra sao, thưa Bộ trưởng?
Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối NSNN năm 2014 là 782.700 tỷ đồng. Trên cơ sở đánh giá kết quả thu NSNN thực hiện cả năm 2013, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan phấn đấu thu NSNN năm 2014 vượt dự toán đã được giao.
Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2014, cùng với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp quản lý thu, trong đó tập trung ưu tiên vào một số nhóm giải pháp trọng tâm như: tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thuế theo hướng công bằng, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện đúng pháp luật về thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, chống buôn lậu và gian lận trong hoàn thuế GTGT; tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác thu hồi tiền nợ thuế, đảm bảo thực hiện đúng, đủ các biện pháp quản lý nợ đối với người nộp thuế… Phấn đấu trong năm nay, số tiền hoàn thuế GTGT không vượt quá 70.000 tỷ đồng.
Trong năm nay, sẽ tổ chức triển khai thu vào NSNN kịp thời đối với cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.
Ngành tài chính phấn đấu thu NSNN 2014 vượt dự toán được giao, 782.700 tỷ đồng
Năm 2014, có nhiều chính sách mới được áp dụng sẽ làm giảm thu như giảm thuế thu nhập DN phổ thông từ 25% xuống còn 22% và giảm xuống 20% đối với DN có doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm; nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/người nộp thuế thu nhập cá nhân…, thực hiện giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình gia nhập WTO và các hiệp định thương mại. Ông có lo ngại về khả năng hoàn thành kế hoạch thu ngân sách của năm 2014 không?
Để đạt được các chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách trong năm nay, theo tôi, là không dễ dàng, do kinh tế trong nước đã bước đầu phục hồi đà tăng trưởng, nhưng mức độ vẫn còn chậm, nhiều DN vẫn trong tình trạng khó khăn, việc điều chỉnh chính sách thu theo hướng giảm mức nghĩa vụ đóng cho cho DN và người dân, cũng như thực hiện cam kết hội nhập quốc tế; mặt khác, kinh tế thế giới vẫn còn những áp lực nhất định và ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.
Do đó, để hoàn thành dự toán thu ngân sách của ngành, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã báo cáo với Chính phủ giao nhiệm vụ cho các hệ thống lớn trong ngành. Trong đó, hệ thống Thuế phấn đấu hoàn thành vượt dự toán được Chính phủ và Quốc hội giao phó tối thiểu 5% và Hải quan vượt dự toán phấn đấu là 3%.
Tuy nhiệm vụ được giao là hết sức nặng nề, nhưng tôi tin rằng, với các giải pháp và bài học cụ thể được tổng kết, đúc rút từ năm 2013, ngành tài chính sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ tài chính ngân sách của mình được Quốc hội và Chính phủ giao cho, tạo nguồn lực lâu dài cho phát triển kinh tế của đất nước.
Mức bội chi NSNN năm 2014 được Quốc hội thông qua là 5,3% GDP. Trong bối cảnh DN còn nhiều khó khăn, đồng thời phải thực hiện nhiều giải pháp về thuế hỗ trợ DN nhằm nuôi dưỡng nguồn thu..., đây là áp lực không nhỏ đối với ngành Tài chính. Bộ trưởng có thể chia sẻ một số giải pháp chủ yếu về chi NSNN sẽ được Bộ Tài chính triển khai thực hiện trong năm nay?
Dự toán chi NSNN năm 2014 là 1.006.700 tỷ đồng, tăng 28.700 tỷ đồng (2,9%) so dự toán năm 2013; trong đó, phải dành khoảng 54.000 tỷ đồng cho các nhiệm vụ tăng chi (chi trả nợ 15.000 tỷ đồng, chi tiền lương tăng thêm 20.000 tỷ đồng,...). Như vậy, thực chất dự toán chi NSNN năm 2014 giảm 25.300 tỷ đồng so với dự toán năm 2013, rất thấp so với nhu cầu chi của năm 2014, chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên còn lại (sau khi đảm bảo tiền lương, chính sách chế độ cho con người), đòi hỏi phải bố trí chi hết sức chặt chẽ, triệt để tiết kiệm.
Việc chi NSNN phải gắn với hiệu quả công việc; đặc biệt phải kiểm soát chặt chẽ chi cho các hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác, không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định); hạn chế tối đa bổ sung ngoài dự toán cho các chương trình, nhiệm vụ, dự án. Giữ bội chi NSNN trong phạm vi mức Quốc hội quyết định (5,3% GDP). Cùng với đó là phải quản lý nợ công chặt chẽ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Với tỷ lệ bội chi 5,3% GDP cùng với việc tăng mức phát hành trái phiếu Chính phủ, dự kiến đến 31/12/2014 dư nợ công khoảng 59,8% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 46,2% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,4% GDP. Các chỉ số nợ mặc dù vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, nhưng cũng tạo nên sức ép khá lớn trong việc bố trí và cân đối nguồn trả nợ, nên cần được quản lý và giám sát chặt chẽ, đồng thời trong quá trình điều hành NSNN nếu có tăng thu ngân sách Trung ương so với dự toán sẽ dành ưu tiên để tăng chi trả nợ.