Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị cắt giảm biên chế

(ĐTCK) Nhận định tình hình thu ngân sách năm 2014 sẽ khó hơn, nên Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề xuất cắt giảm luôn 10% chi tiêu, cùng với đó là cắt giảm biên chế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị cắt giảm biên chế

Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị cắt giảm biên chế ảnh 1

6 tháng đầu năm, cả nước mua mới 168 xe ô tô công, nguyên giá 219,3 tỷ đồng

 

Ngày 19/9, Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận báo cáo về thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và việc triển khai công tác này năm 2013 trong một số lĩnh vực như quản lý, sử dụng ngân sách; tài sản công; dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN); tài nguyên thiên nhiên; lao động; tài sản và vốn nhà nước tại DN...

Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày cho biết, về mua sắm công, 6 tháng đầu năm 2013, cả nước mua mới 168 xe ô tô, với nguyên giá 219,3 tỷ đồng; mua mới các loại tài sản khác có giá từ 500 triệu đồng trở lên là 106 tài sản, với nguyên giá 982 tỷ đồng.

Đối với việc kê khai và xử lý nhà đất, cả nước đã kê khai và đề xuất phương án xử lý đối với 121.811 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích khoảng 2.434 triệu m2 đất và 115 triệu m2 nhà. Các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 2.169 triệu m2 đất; 79 triệu m2 nhà; trong đó, chuyển nhượng gần 4,7 triệu m2, thu hồi trên 2,9 triệu m2, chuyển mục đích sử dụng đất trên 2,9 triệu m2.

Đối với việc quản lý vốn và tài sản nhà nước tại DN, năm 2013, có 11 tập đoàn và 88 tổng công ty nhà nước đã xây dựng và đăng ký kế hoạch tiết kiệm chi phí sản xuất - kinh doanh và tiết giảm chi phí quản lý, với tổng số tiền 11.816 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm toán, công tác này tại một số DN còn nhiều bất cập như: công tác quản lý nợ còn chưa chặt chẽ, hiệu quả đầu tư và sử dụng vốn chưa cao...

Đánh giá về từng mảng công việc trên, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 đã có nhiều tiến bộ, song tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm vẫn còn tồn tại trên nhiều lĩnh vực với mức độ khác nhau. Còn một số hạn chế, tồn tại mà báo cáo của Chính phủ chưa nêu đầy đủ, cụ thể và chưa làm rõ nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục.

Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng NSNN, trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, khả năng thu NSNN không đạt dự toán, nhưng tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế lớn và tăng cao đột biến ở một số địa phương, ảnh hưởng đến công tác điều hành NSNN. Chi NSNN vẫn còn lãng phí, chi chuyển nguồn lớn và không giảm, sử dụng ngân sách sai mục đích, vượt định mức, tiêu chuẩn...

Cũng theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn là vấn đề nóng. Tình trạng phê duyệt dự án vượt quá khả năng cân đối vốn, khởi công mới, bố trí vốn dàn trải, thi công kéo dài dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản lớn nhưng chưa được xử lý, khắc phục triệt để, gây lãng phí còn diễn ra.

Việc quản lý, sử dụng sử dụng vốn và tài sản của DNNN có chuyển biến, song chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu khối DN này. Tiến trình thực hiện đề án tái cơ cấu, cổ phần hoá còn chậm, chưa đạt kế hoạch và mục tiêu đề ra. Việc quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN của các cơ quan chức năng ở một số nơi còn hạn chế, dẫn đến việc vi phạm các quy định của Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí tiền và tài sản nhà nước.

Thảo luận về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ lĩnh vực nào còn yếu. Bảy nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mà báo cáo nêu ra còn yếu kém, nhưng không làm rõ cụ thể là yếu kém gì, trách nhiệm thuộc về ai, giải quyết thế nào!? Nếu cứ báo cáo thế này thì Quốc hội khó đưa ra giải pháp tốt hơn. Phải làm rõ để Quốc hội thảo luận và cho ý kiến đưa vào Nghị quyết.

“Ta nói rất nhiều về đầu tư dàn trải, dự án treo, quy hoạch treo.... Vậy đến nay, việc giải quyết đến đâu? Điều này cần phải được làm rõ”, đại biểu Khoa nhấn mạnh.

Về tình trạng lãng phí trong đầu tư, mua sắm trang thiết bị làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho biết: “Chỉ nói về xây dựng trụ sở, có tỉnh làm rất nghiêm túc, sử dụng hết công năng nhưng có tỉnh xây dựng lộng lẫy như cung điện”. Ông Phước cho rằng, tình trạng lãng phí hiện còn rất nghiêm trọng. Để khắc phục thì cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, cơ quan để xảy ra tình trạng lãng phí.

Giải trình thêm với các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, công tác quản lý thu đã rất quyết liệt tại hầu hết các địa phương cũng như Trung ương. Công tác tiết kiệm chi đã giúp cắt giảm khoảng 22.000 tỷ đồng khoản chi từ ngân sách. Những địa phương, tổ chức có những khoản chi vượt định mức như chi mua ô tô đều bị tuýt còi ngay.

Ông Dũng đề nghị, sang năm tới, tình hình thu ngân sách khó hơn nên đề xuất cắt giảm luôn 10% chi tiêu, cùng với đó là cắt giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ viên chức hành chính. Trong 16 chương trình mục tiêu quốc gia năm tới, đề nghị cắt giảm 50% để dồn tiền cho các chương trình đã chứng minh được hiệu quả.

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục