Rất mộc mạc, chân tình và cởi mở, ông bảo, vì “ước vọng ai cũng có thể ngẩng cao đầu để đi”, thế nên đất nước cần tiếp tục Đổi mới. Thậm chí, Đổi mới phải là nhiệm vụ sống còn.
1. Câu chuyện đầu Xuân với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cuối cùng lại bắt đầu từ những chuyện của 5 năm trước đây, khi ông vừa nhậm chức Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vào tháng 8/2011. Khi ấy, Bộ KH&ĐT đang dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, mà nếu theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, thì mục tiêu phát triển kinh tế của giai đoạn ấy phải là “nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh, đạt 7 - 7,5%”.
Dự thảo Nghị quyết của Đại hội XI cũng một phần được xây dựng từ tư vấn chính sách của Bộ KH&ĐT. Nhưng lúc các mục tiêu này được khởi thảo, vào thời điểm giữa và gần cuối năm 2010, vẫn đang có nhiều kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế. Nhưng cuối cùng, kết thúc năm, lạm phát lên tới 11,75%, còn tăng trưởng kinh tế là 6,78%.
Lạm phát đeo đẳng, trong bối cảnh bất ổn vĩ mô, nguy cơ đổ vỡ dây chuyền hệ thống tài chính - ngân hàng là rất cao, còn kinh tế toàn cầu thì vẫn diễn biến phức tạp, khiến không chỉ các chuyên gia kinh tế, mà cả các nhà hoạch định chính sách đều hiểu rằng, rất khó có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 7-7,5%.
Nhưng Nghị quyết Đại hội XI đã ban hành, đâu thể không thực hiện? Song nếu cứ bám lấy mục tiêu khó đạt ấy, thì kéo theo đó sẽ là cơ chế, chính sách, sẽ là những hệ lụy khôn lường. Liên tục các cuộc họp nội bộ được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh triệu tập. Có những cuộc kéo dài tới tối mịt. Cuối cùng, hai phương án được đặt ra, một - vẫn giữ nguyên như Nghị quyết Đại hội XI, hai - điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuống còn 6,5 - 7%, đồng thời cũng điều chỉnh mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội thành “ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm phát triển bền vững với mức tăng trưởng hợp lý”. Chính phủ thống nhất trình Quốc hội phương án 2 và cũng đã được thông qua.
Bây giờ nhìn lại, nói lại thì thấy đơn giản, nhưng Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bảo, khi đó đã phải rất dũng cảm mới đưa ra được quyết định ấy. “Một quyết định tuy khó khăn nhưng dũng cảm và đúng đắn, bởi dù sau này cũng để lại những hệ lụy, song nếu lúc ấy không quyết định như vậy, Chính phủ không ban hành Nghị quyết 11, thì đến hôm nay, kinh tế vĩ mô Việt Nam không thể ổn định, hai năm 2014 - 2015 không thể có được tốc độ tăng trưởng tốt để tạo đà cho giai đoạn sau”, ông nói.
Có lẽ, đấy là việc làm khó khăn nhưng đầy quyết liệt và dũng cảm đầu tiên của ông khi vừa mới “chân ướt chân ráo” ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ KH&ĐT. Bởi kéo theo đó, với tư cách là Tư lệnh ngành KH&ĐT, cơ quan tham mưu cho Chính phủ về các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, ông cùng các đồng sự đã ngày đêm nghiên cứu, dự thảo và đề xuất các chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khóa, thắt chặt cho vay bất động sản, thắt chặt đầu tư công, rồi đình hoãn, giãn khởi công các dự án mới…
Đấy cũng là những nền tảng ban đầu để cũng trong năm 2011 đó, Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, “mở đường” cho một loạt cải cách liên quan đến phân bổ vốn đầu tư công, tái cơ cấu đầu tư công, xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn… sau này. Nhờ bước đột phá về tư duy này, những năm sau này, tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, lãng phí - căn bệnh trầm kha của đầu tư công - đã… thuyên giảm hẳn. Ông mừng vì điều đó.
2. Ngày 18/6/2014 có lẽ là một ngày đặc biệt và không thể nào quên đối với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Hôm đó, ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công, với 88,35% tổng số đại biểu bấm nút tán thành, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã cười thật rạng rỡ. Sau này, còn bắt gặp nụ cười ấy thêm nhiều lần nữa, khi ông “khoe” với bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, với các đối tác phát triển, với các đồng sự của mình… về việc cuối cùng sau 7 năm đeo đuổi, trình - sửa - rồi lại trình, Việt Nam đã chính thức có Luật Đầu tư công.
Cuối năm đó, thêm một lần nữa ông rạng rỡ nụ cười. Ấy là khi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi được thông qua.
Mừng lắm chứ, bởi khi xây dựng Luật Đầu tư công, đã không ít lời ra tiếng vào. Bởi các quy định trong Luật động chạm tới lợi ích nhóm, tới lãnh đạo các địa phương quá nhiều. Họ sẽ bị “thít” chặt, không thể tùy tiện ra các quyết định đầu tư theo kiểu “cứ thích là làm”, hay “ai khéo xin thì cho” nữa. Họ phải chịu trách nhiệm cá nhân về các quyết định đó. Vốn đầu tư cũng được phân bổ theo nguyên tắc trung hạn, rõ ràng và minh bạch, không cần phải mỗi năm lại lên Trung ương xin vốn một lần…
Chỉ một quy định như vậy mà không ít người phản đối. Thậm chí, có lãnh đạo cấp vụ của ngay Bộ KH&ĐT thôi cũng thưa rằng, minh bạch như vậy thì “còn ai đến Bộ KH&ĐT” nữa. Nhưng Bộ trưởng gạt đi, ông bảo, đất nước này cần sự minh bạch, đất nước này không cần có tham nhũng. Rằng làm như vậy là để tránh thất thoát, lãng phí trong đầu tư công, mà cũng là cho dân, cho nước…
Vì lẽ đó, sau này nhiều người gọi ông là Bộ trưởng của sự minh bạch, Bộ trưởng của tư duy đổi mới. Đổi mới là khi dự thảo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, ông nhất quán tới các cán bộ của mình rằng, phải trao quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp.
“Thay vì chọn cho, như đến nay một số nước vẫn làm chúng tôi đã chọn một cách làm khó hơn. Đó là chọn bỏ. Chọn cho thì vẫn còn nhiều tiêu cực lắm, xin cái này, cho cái kia. Còn chọn bỏ là những gì cấm, những gì cần điều kiện thì cho vào Luật, công khai, minh bạch các điều kiện đó, người dân và doanh nghiệp được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và kể rằng, cũng có người không thích chuyện đó, vì chọn bỏ tức là không còn “xin - cho” được nữa, cái gì cũng minh bạch rõ ràng, không có chỗ cho xách nhiễu, tham nhũng nên lên Chính phủ, ra Quốc hội cũng có người bàn ra bàn vào. Nhưng tư tưởng mới ấy cần phải được đưa vào áp dụng trong thực tế. Và ông đã bảo vệ thành công quan điểm của mình.
Luật ban hành, ông lại chỉ đạo đồng sự lăn xả soạn nghị định, thông tư hướng dẫn. “Quan điểm của tôi là, cứ làm rồi sẽ đi vào nề nếp, cái gì còn thiếu sót thì tiếp tục sửa đổi”, ông nói.
Chẳng phải chỉ mỗi xây dựng Luật Đầu tư công, hay Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi mới vậy. Chuyện phân bổ vốn đầu tư trung hạn, hay chuyện xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, cả chuyện sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Hợp tác xã… cũng vậy, quan điểm của ông luôn là “cái gì lợi cho dân, cho nước thì làm”.
Tất nhiên, vì đổi mới, vì đụng chạm, vì ảnh hưởng tới lợi ích cục bộ của một nhóm người nào đó, nên có sẽ người phản đối. Nhưng cười rất tươi, ông bảo: “Nói như cựu Thủ tướng Anh Tony Blair là nếu nói đổi mới mà không có ai phản ứng thì không gọi là đổi mới”.
Phản ứng là dễ hiểu, khi người nọ, ngành kia mất quyền. Chính sách minh bạch, rõ ràng thì không còn kẽ hở để người ta lợi dụng nữa. “Nhưng chỉ là những ý kiến lúc ban đầu thôi. Sau này, những chính sách đó được nhân dân, được địa phương ủng hộ, nên đến nay, mọi thứ đã tốt hơn”.
Hỏi rằng cá nhân ông có chịu sức ép về những chính sách đổi mới đó, thì ông trả lời rằng không. Bởi bên cạnh ông, vẫn có nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội ủng hộ và khuyến khích sự đổi mới. Bên cạnh ông, vẫn luôn có những đồng sự ở Bộ KH&ĐT, một tập thể rất trí tuệ, luôn đồng tình, ủng hộ, sát cánh bên ông trong thực hiện các mục tiêu đổi mới.
“Đó là điều khiến tôi vui nhất, tôi không ân hận điều gì”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và rồi rất chân tình, cởi mở, ông kể về những kỷ niệm đã gắn bó ông với Bộ KH&ĐT, cũng như những kỷ niệm lớn nhất trong cuộc đời ông khi còn làm lãnh đạo ở tỉnh Lào Cai.
“Đấy là nơi tôi đã tốc toàn bộ trí tuệ, tuổi thanh xuân và sức lực của mình để cùng tập thể lãnh đạo đưa Lào Cai trở thành một điểm sáng của vùng Tây Bắc”. Ông kể, ông rất vui khi sau 6-7 năm làm việc ở Bộ KH&ĐT, khi quay lại, người dân và những cán bộ ở đó vẫn đón chào ông.
“Tôi tự hào vì đã làm được những điều mình muốn”, Bộ trưởng mỉm cười.
3. Dù Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói, ông “tự hào vì đã làm được những điều mình muốn”, nhưng tôi biết, ông còn nhiều lắm những điều trăn trở. “Điều tôi đau đáu nhất nhiệm kỳ vừa qua, đó là vì sao chúng ta có nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển mà chưa làm được như mong muốn”, nói rồi Bộ trưởng đặt hàng loạt câu hỏi.
Rằng chúng ta đã chuyển sang kinh tế thị trường, động lực tăng trưởng đã cạn, thì phải làm sao để tìm kiếm được xung lực mới cho nền kinh tế? Rằng doanh nghiệp Việt Nam đang rất yếu và bé, làm sao để trở thành trụ cột cho kinh tế Việt Nam? Nếu vậy, làm sao xây dựng được một nền kinh tế tự chủ, bền vững nhất? Và rằng vì sao, năng suất lao động Việt Nam còn thấp, trong khi nguồn lực quan trọng nhất, tài nguyên lớn nhất của chúng ta chính là con người…
“Chúng ta đã tạo ra những chiến thắng thần kỳ trong chiến tranh, vậy tại sao lại không có kỳ tích về kinh tế?”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trăn trở.
Ông nhấn mạnh rằng, đấy chính là điều khiến ông đau đáu nhất trong nhiệm kỳ vừa qua. Rằng vì “ước vọng mỗi người dân Việt Nam ai cũng có thể ngẩng cao đầu để đi”, nên đất nước cần phải Đổi mới thêm nữa. Thậm chí, Đổi mới phải là nhiệm vụ sống còn.
Mới đây thôi, tại Đại hội Đảng lần thứ XII, dù bảo “hết nhiệm kỳ này, tớ nghỉ” - (ông vẫn cởi mở và chân tình nói thế với cánh phóng viên), song ông vẫn có một bài phát biểu khiến dư luận “dậy sóng” bởi những góp ý thẳng thắn và những tư tưởng đổi mới của mình.
Quan điểm của ông, những thành tựu của công cuộc Đổi mới là không thể phủ nhận, nhưng chưa thể bằng lòng, thỏa mãn với những gì đạt được, nhất là khi nhìn lại mình trong tương quan với các nước bên cạnh có cùng điều kiện như chúng ta. Vẫn còn đó nỗi lo tụt hậu.
Tính theo số liệu của năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng chưa đến 1/5 mức trung bình của thế giới, cụ thể là 2.052 USD trên khoảng gần 12.000 USD bình quân của thế giới. Mức này chỉ bằng hơn 1/3 thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan.
Thế nên, phải tiếp tục đột phá bằng đổi mới thể chế kinh tế, hoàn thiện nền tảng kinh tế thị trường, bởi chúng ta mới chỉ “chạm chân”, mà chưa động đến được yếu tố cốt lõi của kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại, phải nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp quốc gia…
Cả chuyện “Nhà nước kiến tạo phát triển” mà lâu nay chúng ta vẫn thường nói tới nữa, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, đã đến lúc phải chuyển từ bộ máy quản lý sang bộ máy phục vụ. Chỉ có như thế, nền kinh tế mới vận hành đúng quy luật và phát huy hiệu quả, khơi dậy được tiềm năng phát triển của đất nước…
Một chút trầm ngâm khi được hỏi về tương lai đất nước, như Báo cáo 2035 mà Bộ KH&ĐT đang xây dựng, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói, có rất nhiều vấn đề hệ trọng liên quan đến sự phát triển của Việt Nam được đề cập trong bản báo cáo này. Mà một trong số đó là trả lời câu hỏi Việt Nam muốn hưng thịnh, dân chủ, văn minh thì phải làm gì?
“Báo cáo chứa đựng khát vọng của chúng tôi về một nước Việt Nam phát triển bền vững, dân chủ và đạt được trình độ phát triển cao”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và cho biết, ông hy vọng báo cáo ấy sẽ là cẩm nang cho Chính phủ nhiệm kỳ mới trong hoạch định chính sách cho tương lai phát triển của Việt Nam.
4. Có một chuyện mà tôi còn nhớ mãi. Ấy là hồi trung tuần tháng 3/2012, thời điểm mà ông vừa nhậm chức Bộ trưởng Bộ KH&ĐT được hơn nửa năm, khi tham gia Chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời, có người đã hỏi ông rằng, từng làm lãnh đạo của một tỉnh vùng xa, nay lại về làm lãnh đạo của một bộ lớn, thì có trở ngại nào không. Chân tình, ông trả lời, đúng là nghe tin ông làm Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, nhiều người băn khoăn, và sự băn khoăn đó là hoàn toàn tự nhiên.
Nhưng ông bảo, kiến thức và tài năng của con người không phụ thuộc vào nơi ở, nơi sinh, nơi công tác, mà phụ thuộc vào quá trình học hỏi, tích lũy và tố chất của mỗi con người. “Lào Cai là môi trường biên ải khó khăn nhưng là nơi rèn luyện rất tốt, thử thách, kiểm chứng. Những năm tháng sống ở đó bây giờ trở thành kiến thức, kinh nghiệm và giúp tôi có bản lĩnh tốt. Tôi nghĩ đây cũng là một lợi thế của tôi”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cười.
Và đúng là như vậy, sau này, trong câu chuyện với các địa phương về việc đổi mới công tác quản lý đầu tư công, xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn.., ông luôn nhắc đi nhắc lại việc “tôi đi từ địa phương lên, nên hiểu rất rõ”. Hiểu rõ chuyện xin - cho, chuyện tư duy nhiệm kỳ… nên khi xây dựng chính sách, đây đó vẫn có lời ra tiếng vào, nhưng cuối cùng nhận được sự đồng thuận rất cao. Đúng là bản lĩnh và tài năng của con người không phụ thuộc vào nơi ở, nơi sinh, nơi công tác.
Để đến bây giờ, nhìn lại nhiệm kỳ gần 5 năm ông đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, không ít người dân bảo, những Bộ trưởng tâm huyết như ông chính là cái “mỏ neo” để họ thêm niềm tin vào Đảng, Nhà nước. Rằng họ quý trọng nhất tấm lòng vì dân, vì nước của ông. Rằng ông là một trong những Bộ trưởng thông minh nhất và có tài nhất trong Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua…
Điều này có lẽ đã được kiểm chứng qua những gì ông nói và làm. Còn tôi, thảng hoặc, trò chuyện cùng bạn bè, người thân, vẫn gọi ông là “Bộ trưởng nhà mình” một cách đầy tự hào. Rõ là vơ vào, rõ là “thấy người sang bắt quàng làm họ”, dù… xét một cách toàn diện thì ít nhiều, ông cũng vẫn là sếp, là “Bộ trưởng nhà mình” thật (Bộ KH&ĐT là cơ quan chủ quản của Báo Đầu tư). Nhưng mà có hề gì đâu, chẳng cứ tôi, mà còn rất nhiều người dân Việt Nam khác cũng đã tự hào vì Việt Nam này có một vị Bộ trưởng như ông - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.