Bất ổn kinh tế toàn cầu đã đẩy giá vàng thế giới cũng như trong nước lên các mức cao kỷ lục. Các sự kiện như cuộc chiến Nga - Ukraine, bầu cử tại Mỹ, xung đột Israel - Gaza khiến nhu cầu về vàng như một tài sản “trú ẩn” gia tăng, trong đó có nhu cầu từ các nhà đầu tư tư nhân ở Trung Quốc trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản nước này suy thoái. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương lớn như Trung Quốc, Ấn Độ bổ sung vàng vào kho dự trữ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có kế hoạch cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm nay càng đẩy giá vàng đi lên.
Ngoài ra, tỷ giá USD/VND tăng mạnh, vượt ngưỡng 25.000, mà giá vàng thế giới thường được tính bằng USD nên giá vàng trong nước có diễn biến cùng chiều, nhất là khi tình trạng mất cân đối cung - cầu thường xuyên xảy ra, tập trung vào thương hiệu vàng miếng độc quyền SJC.
Giá vàng thế giới gần đây tiến sát ngưỡng 2.400 USD/ounce, giá vàng SJC đạt 82 - 84 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn các thương hiệu khác phổ biến trong khoảng 75 - 77 triệu đồng lượng. Do người tiêu dùng thích sử dụng vàng SJC làm nguồn tài sản lưu trữ và phòng ngừa rủi ro nên giá loại vàng này cao hơn giá vàng thế giới 11 - 12 triệu đồng/lượng, gần gấp đôi mức chênh của giá vàng nhẫn.
TS. Đào Lê Trang Anh, Giảng viên Tài chính, Đại học RMIT |
Trước đó, ngày 27/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1426/CĐ-TTg về quản lý thị trường vàng, nhấn mạnh đến việc cần phải có biện pháp hữu hiệu để điều tiết giá vàng trong nước theo nguyên tắc thị trường, hạn chế chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế.
Nếu Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được sửa đổi theo hướng xóa bỏ độc quyền vàng miếng, cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng, thì giá vàng miếng trong nước có thể thu hẹp mức chênh lệch với giá vàng thế giới.
Tuần qua, cơ quan được giao quản lý thị trường vàng là Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tăng cung vàng miếng ra thị trường qua đấu thầu trong thời gian tới, đề nghị Bộ Công an phối hợp tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC an toàn, hiệu quả, đồng thời đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ các thủ tục thông quan nhập khẩu vàng.
Mặc dù những biến động trên thị trường toàn cầu có thể tiếp tục diễn ra khiến giá vàng thế giới tiếp tục đi lên trong vài tháng tới như dự báo của JPMorgan, nhưng động thái của Ngân hàng Nhà nước và khả năng sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP sẽ là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư cân nhắc trước khi “xuống tiền” ở kênh đầu tư vàng.
Với kênh đầu tư chứng khoán, thị trường vẫn còn dư địa tăng, nhờ lãi suất hiện tại thấp cũng như nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ, mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, cổ phiếu có thể phải đối mặt với biến động và rủi ro tăng cao trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và lãi suất thay đổi. Vì thế, nhà đầu tư cần đánh giá kỹ lưỡng từng công ty, ngành nghề và điều kiện thị trường để xác định tiềm năng tăng trưởng, đồng thời quản lý rủi ro một cách hiệu quả.
Về thị trường bất động sản, thị trường này đã trì trệ khá lâu, nhưng phân khúc căn hộ chung cư đang phát triển mạnh và nhiều lô đất được giao dịch sôi động trở lại trong bối cảnh lãi suất thấp. Đầu tư bất động sản mang đến cơ hội tăng giá lâu dài và tạo thu nhập, nhưng nhà đầu tư cần thận trọng để tránh bị lừa và xác định được cơ hội đầu tư phù hợp. Các yếu tố như quy định pháp lý, động lực cung - cầu và điều kiện kinh tế cần được đánh giá cẩn thận trước khi đầu tư vào bất động sản.
Điều quan trọng cần chú ý là việc lựa chọn kênh đầu tư (vàng, cổ phiếu, bất động sản hoặc tài sản khác) phụ thuộc vào tình hình tài chính cá nhân, mục tiêu đầu tư và khả năng chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư. Cần xem xét các mục tiêu đầu tư và tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng hoặc tham khảo ý kiến của cố vấn tài chính trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Việc đa dạng hóa danh mục đầu tư trên nhiều loại tài sản có thể giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận trong dài hạn.