Bố trí vốn thanh toán cho nhà thầu Nhật Bản tại cao tốc Bến Lức – Long Thành

0:00 / 0:00
0:00
Các Bộ: GTVT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được đề nghị xử lý sớm các vướng mắc tại Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Một đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành thi công dở dang. Một đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành thi công dở dang.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 1259/VPCP – CN đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để hoàn thiện Dự thảo Báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương chuyển đổi vốn vay về cho vay lại thành cấp phát ngân sách nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo tại văn bản số 1729-CV/BCSĐCP ngày 12/12/2020.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Bộ GTVT theo chức năng và nhiệm vụ được giao, khẩn trương thẩm định lại phương án tài chính, phương án trả nợ của Khoản vay ADB để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương sử dụng vốn dư của Hiệp định vay 3391-VIE ký với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thi công hoàn thành đoạn tuyến phía Tây của Dự án; đồng thời thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6911/VPCP-QHQT ngày 19/8/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí nguồn vốn để thanh toán ngay khối lượng đã thực hiện cho các Nhà thầu Nhật Bản (khoảng 15 triệu USD).

Trước đó, vào đầu tháng 2/2021, Bộ GTVT đã có công văn số 1016/BGTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện, các vướng mắc trong Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Trong công văn này, Bộ GTVT cho biết, việc bố trí vốn nước ngoài cho đoạn sử dụng vốn vay JICA (gói J1, J3) và vốn đối ứng phục vụ công tác giải phóng mặ bằng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm dù các bên liên quan đã có rất nhiều nỗ lực.

Để giải quyết căn cơ, cần phải thực hiện tái cơ cấu nguồn vốn các dự án của VEC. Bộ GTVT khẳng định, nội dung này Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và đầu tư, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương, làm cơ sở trình Quốc hội xem xét điều chỉnh sửa đổi các văn bản liên quan trong kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết là các vấn đề nêu trên đã tồn tại trong trong thời gian dài, chưa được giải quyết dẫn đến ảnh hưởng nguồn vốn để tái khởi động thi công và tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại lớn cho Nhà nước do Nhà thầu yêu cầu chủ đầu tư đền bù do dừng thi công và chậm thanh toán.

Để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc còn tồn tại của Dự án, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện dự thảo Đề án tái cơ cấu nguồn vốn các dự án của VEC (lần 7) trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ trong tháng 2/2021 để báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương chuyển đổi vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách Nhà nước.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sớm có phương án giải quyết vướng mắc về vốn của Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành. Đồng thời, giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương chỉ đạo thực hiện thủ tục thẩm định phương án tài chính các Dự án của VEC để có cơ sở xem xét đề xuất của VEC đối với việc thẩm định lại phương án tài chính, phương án trả nợ của Khoản vay ADB lần 2 (3391-VIE) để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương sử dụng vốn để thi công hoàn thành đoạn tuyến phía Tây của Dự án.

“Trong giai đoạn trước mắt, cho phép VEC sử dụng các khoản nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ để thanh toán ngay khối lượng đã thực hiện cho các Nhà thầu (khoảng 15 triệu USD), giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp các Nhà thầu khiếu kiện về việc chậm thanh toán và chi phí cho thời gian ngừng thi công. VEC chịu trách nhiệm trước pháp luật về cân đối dòng tiền, đảm bảo khả năng trả nợ các khoản vay theo quy định”, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị.

Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành có tổng chiều dài dự án 57,8 km; đi qua tỉnh Long An (5,12 km), Tp. HCM (27,43 km) và tỉnh Đồng Nai (25,25 km). Tổng mức đầu tư Dự án l 31.320 tỷ đồng; sử dụng 3 nguồn vốn, gồm: vốn vay ADB, JICA và vốn đối ứng; thời gian dự kiến hoàn thành dự án ngày 31/12/2023. Do nguồn vốn được vay ở thời điểm khác nhau nên thời gian triển khai các đoạn khác nhau.

Cụ thể, đoạn 1 (phía Tây) dài 21,1 km (gồm 5 gói thầu A1, A2-1, A2-2, A3 và A4): Sử dụng vốn vay ADB (hình thức vay thông thường - OCR, Nhà nước vay ADB và cho VEC vay lại), Hiệp định vay lần 1 số 2730-VIE kết thúc ngày 30/6/2019. Các gói thầu đã dừng thi công từ năm 2019, khối lượng thi công đạt 87,2%. Hiện chưa có vốn để tiếp tục thực hiện.

Đoạn 2 dài 10,7 km (gồm 3 gói thầu J1, J2 và J3) sử dụng vốn vay ODA của JICA (hình thức vay ưu đãi - STEP, Chính phủ vay JICA và giao cho VEC quản lý), Hiệp định vay lần 1 số VN11-P3 kết thúc 27/2/2017, Hiệp định vay lần 2 số VN14-P3 kết thúc ngày 17/7/2024. Khối lượng thi công hiện đạt 84,6%. Các gói thầu này đã dừng thi công từ năm 2019, hiện chưa có vốn để tiếp tục thực hiện. Hiện nay, các Nhà thầu Nhật Bản đang khiếu nại do chưa được thanh toán cho khối lượng đã hoàn thành và thời gian dừng chờ do Dự án chưa được bố trí vốn. Số tiền Nhà thầu yêu cầu Chủ đầu tư đền bù do nguyên nhân trên sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.

Đoạn 3 (phía Đông) dài 25,3 km (gồm 3 gói thầu A5, A6 và A7) sử dụng vốn vay ADB (hình thức vay thông thường như đối với Hiệp định vay lần 01), Hiệp định vay lần 2 số 3391-VIE kết thúc ngày 31/12/2023. Khối lượng thi công mới đạt 42,7%. Sau khi Dự án và Hiệp định vay được gia hạn, các Nhà thầu đang triển khai thi công, tuy nhiên tiến độ thực hiện còn chậm.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục