Bộ Tài chính: Tích cực nhất thì thu ngân sách năm nay vẫn giảm trên 140.000 tỷ đồng

(ĐTCK) Theo đánh giá của Bộ Tài chính tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, trước khó khăn của hoạt động sản xuất-kinh doanh, thương mại, đầu tư do tác động của đại dịch Covid-19, dự báo nguồn thu Ngân sách nhà nước năm 2020 sẽ giảm do 3 nguyên nhân chính là tăng trưởng kinh tế đạt thấp, giá dầu thô giảm sâu và điều chỉnh chính sách thu Ngân sách nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh ứng phó với dịch bệnh.
Bộ Tài chính: Tích cực nhất thì thu ngân sách năm nay vẫn giảm trên 140.000 tỷ đồng

Đưa ra 2 kịch bản phương án dự báo về mức độ giảm ngân sách do tác động bởi dịch Covid-19 trong năm nay, tại Hội nghị, Bộ Tài chính nhận định, với phương án tích cực nhất là dịch kết thúc trong quý II/2020, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,3% (giảm 1,5% so với kế hoạch), giá dầu bình quân cả năm khoảng 35 USD/thùng (trên cơ sở giả định giá dầu 9 tháng cuối năm duy trì mức 25 - 28 USD/thùng và sản lượng dầu đạt kế hoạch 9,02 triệu tấn), thu từ cổ phần hoá và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước không thực hiện được, thì thu ngân sách nhà nước ước giảm khoảng 140.000 - 150.000 tỷ đồng (chưa kể khả năng không thu được khoản thu cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (dự toán 45.000 tỷ đồng), trong đó thu ngân sách trung ương giảm khoảng 100.000 - 110.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương giảm 40.000 tỷ đồng.

Ở phương án 2, trường hợp tăng trưởng GDP không đạt mức dự kiến nêu trên (dưới 5% như dự báo của các tổ chức quốc tế), thu ngân sách nhà nước sẽ giảm lớn hơn, nhất là số thu ngân sách ở các khu vực kinh tế trọng điểm đang chịu rất nhiều tác động từ sự đình trệ của các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại, logistics… như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng…

Để đảm bảo chi đầu tư phát triển, tăng chi an sinh xã hội và phòng chống dịch bệnh trong bối cảnh dự báo thu ngân sách nhà nước có thể giảm lớn, thậm chí là vượt cả 2 kịch bản dự kiến, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi ngân sách nhà nước.

Trong đó, trước hết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài. Với việc tăng cường cắt giảm chi phí, Bộ Tài chính ước tính riêng các cơ quan Trung ương dự kiến tiết kiệm được khoảng 600 - 700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kiến nghị các địa phương, bên cạnh việc sử dụng dự phòng, dự trữ tài chính của ngân sách địa phương, phải chủ động sử dụng từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương và kinh phí cải cách tiền lương còn dư để xử lý.

Theo dự kiến, các địa phương cân đối được khoảng 13.000 - 14.000 tỷ đồng từ các nguồn dự phòng, dự trữ tài chính, tăng thu, tiết kiệm chi, nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn lực hợp pháp khác của địa phương.

Đối với những địa phương khó khăn, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ theo các mức 30%, 50% và 70% kinh phí thực phát sinh ở địa phương.

Trên cơ sở này, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan tài chính rà soát nguồn lực của mình để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp theo quy định.

Đối với cân đối ngân sách trung ương, dự kiến dành 34.600 tỷ đồng nguồn tăng thu và chi ngân sách trung ương còn lại của năm 2019 chuyển sang năm 2020, trong đó dự kiến dành 20.000 tỷ đồng để cùng với ngân sách địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và an sinh xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ. Số còn lại 14.6000 tỷ đồng tiếp tục sử dụng để dành cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ cân đối ngân sách trung ương.

Một giải pháp rất quan trọng nữa là sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước triệt để tiết kiệm, trước mắt sử dụng khoảng 50% dự phòng của ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương, tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả dịch Covid-19, các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh.

“Theo tính toán, trong điều kiện phải giữ dự toán chi đầu tư phát triển, các khoản chi chế độ, chính sách cho con người, thậm chí còn tăng chi an sinh xã hội để có thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế, giảm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Mặc dù quyết tâm rà soát, tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, nhưng với mức độ ảnh hưởng giảm thu như đã tính toán, thì khả năng bội chi ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm khoảng 1,5-1,6%GDP (tương đương ở mức 5-5,1% GDP). Kể cả trong trường hợp kiểm soát được số tuyệt đối bội chi ngân sách nhà nước năm 2020, thì tỷ lệ bội chi so GDP dự kiến vẫn tăng lên, do quy mô GDP (số tuyệt đối) không đạt mức kế hoạch”, đại diện Bộ Tài chính cho hay.

Liên quan các đề xuất từ một số tổ chức quốc tế cho Việt Nam vay hỗ trợ ngân sách như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Bộ Tài chính cho biết, đang đàm phán với các nhà tài trợ này để có điều kiện vay ưu đãi nhất, dự kiến có thể vay với chi phí thấp từ các tổ chức này khoảng 1 tỷ USD.

“Do số bội chi và tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, tổng mức vay nợ hằng năm của ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định, nên trong khi tiếp tục theo dõi đánh giá thêm về tác động của dịch bệnh đối với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô nói chung và tài chính - ngân sách nhà nước nói riêng, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ trường hợp thực hiện vay thêm từ các tổ chức quốc tế thì trước mắt giảm tương ứng phần vay trong nước để đảm bảo thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020”, lãnh đạo Bộ Tài chính kiến nghị.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh biểu thuế xuất khẩu và biểu thuế nhập khẩu ưu đãi để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, sản, thủy sản, hỗ trợ phát triển cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô dự kiến sẽ giúp giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp năm 2020 trên 6.000 tỷ đồng.

Đối với Đề xuất thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với mức dự kiến áp dụng thuế suất 15-17% tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của doanh nghiệp, đồng thời cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh. Trường hợp thực hiện từ tháng 7/2020, thì dự kiến sẽ có khoảng 700.000 doanh nghiệp (chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp trong cả nước) được hưởng lợi, qua đó giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng (cả năm là 15,6 nghìn tỷ đồng).

Với việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, tổng số thu nhập người lao động được giữ lại để chi tiêu thêm nhờ việc điều chỉnh này trong năm 2020 khoảng 10,3 nghìn tỷ đồng.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục