Bộ Tài chính: Tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ tăng CPI khoảng 0,11-0,15%

Qua đánh giá những tác động, với phương án điều chỉnh mức Thuế bảo vệ môi trường như dự thảo đã nêu và xin ý kiến, giả sử có hiệu lực từ 1/7/2018 thì việc điều chỉnh này sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2018 so với tháng 6/2018 là khoảng 0,27-0,29% và sẽ tác động CPI bình quân của năm 2018 khoảng 0,11-0,15%.
Cuộc họp báo Chính phủ. Ảnh:VGP/Nhật Bắc Cuộc họp báo Chính phủ. Ảnh:VGP/Nhật Bắc

Tại dự thảo Nghị quyết Thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính có đề xuất điều chỉnh khung mặt hàng xăng dầu. Theo ý kiến một số chuyên gia, việc điều chỉnh này không chỉ ảnh hưởng đến lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng, giá cả các mặt hàng hoá dịch vụ, mà còn có thể tác động đến tăng trưởng, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Giải đáp vấn đề này tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Nghị quyết Thuế bảo vệ môi trường đã được lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, Bộ Tài chính cũng đã tổng hợp ý kiến và xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Theo chương trình sẽ trình Chính phủ Nghị quyết này. Trong các phương án dự thảo Nghị quyết Thuế bảo vệ môi trường đã điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường, ví dụ đối với xăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng. Còn đối với một số loại như dầu, than cũng điều chỉnh tăng lên.

Việc điều chỉnh tăng này xuất phát trên cơ sở Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, đó là cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Và trong quá trình chúng ta hội nhập, cắt giảm nhập khẩu theo các hiệp định thuế quan. 

Việc tăng thuế đối với xăng và các sản phẩm cũng là căn cứ vào chiến lược thuế, căn cứ vào chiến lược tăng trưởng xanh, để hạn chế những sản phẩm gây ô nhiễm cho môi trường. Đồng thời cũng căn cứ vào nội dung trong Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, nội dung của việc trình Nghị quyết này cũng đã được kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp khi Chính phủ trình dự án luật. Dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường đã được Chính phủ cho lùi lại đến năm 2019.

Đối với việc thuế bảo vệ môi trường tác động đến chỉ số giá cả như thế nào, Bộ Tài chính đã phân tích tác động cũng như đánh giá những tác động khi điều chỉnh mức thuế này.

“Theo chúng tôi phân tích, đánh giá những tác động, với phương án điều chỉnh mức Thuế bảo vệ môi trường như dự thảo đã nêu và xin ý kiến, nếu như có hiệu lực từ 1/7/2018 thì việc điều chỉnh này sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2018 so với tháng 6/2018 là khoảng 0,27-0,29% và sẽ tác động CPI bình quân của năm 2018 khoảng 0,11-0,15%”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.

Theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, chỉ tiêu tốc độ về tăng giá tiêu dùng bình quân ở mức 4%, như vậy tính tác động khi tăng Thuế bảo vệ môi trường Bộ Tài chính cũng đã phân tích, việc tăng thuế này sẽ thực hiện được mục tiêu sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và cũng góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng hàng hoá thân thiện với môi trường như xăng E5, xăng E10, dầu diezel D5, D10, túi nylon thân thiện với môi trường…

Từ đó, việc điều chỉnh thuế sẽ góp phần làm giảm rác thải ô nhiễm môi trường và góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường (BVMT).

Trước đó, Bộ Tài chính cũng có văn bản báo cáo, giải trình về ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân về dự án Nghị quyết về biểu thuế BVMT, theo đó Bộ Tài chính tái khẳng định việc kiến nghị nghị điều chỉnh mức thuế BVMT.

Xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần trong khung 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít;

Dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần trong khung 2.000 đồng/lít, tăng 1.100 đồng/lít; Mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần trong khung 2.000 đồng/kg, tăng 1.100 đồng/kg; Nhiên liệu bay, dầu hỏa giữ như hiện hành là 3.000 đồng/lít đối với nhiên liệu bay (mức trần trong khung thuế) và 300 đồng/lít đối với dầu hỏa (mức sàn trong khung thuế).

Trước đó, Bộ Tài chính đã đưa Dự thảo Nghị quyết tăng thuế BVMT, xin ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội, doanh nghiệp, đã đăng trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân (theo Công văn số 2028/BTC-CST ngày 13/02/2018 của Bộ Tài chính).

Theo Bộ Tài chính, tới nay, Bộ nhận được 60 ý kiến tham gia, trong đó 14 ý kiến tham gia của các Bộ, ngành; 42 ý kiến tham gia của các địa phương; 4 ý kiến tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức khác.

Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự thảo Nghị quyết (40/60 ý kiến nhất trí hoàn toàn). Một số ý kiến về câu chữ, kỹ thuật soạn thảo được Bộ Tài chính hoàn chỉnh tại hồ sơ dự án Nghị quyết.


Theo VGP

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục