Bộ Tài chính lý giải về lợi tức trái phiếu quốc tế

Theo lý giải của Bộ Tài chính, có 3 tiêu chí làm căn cứ xác định lợi tức trái phiếu quốc tế của Việt Nam và cũng là 3 nguyên nhân chính dẫn đến kết quả của đợt phát hành vừa qua.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà (bên trái) tại cuộc họp báo diễn ra sáng ngày 1/2. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà (bên trái) tại cuộc họp báo diễn ra sáng ngày 1/2.

Tại cuộc họp báo diễn ra sáng ngày 1/2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã cho biết, 1 tỷ USD tiền bán trái phiếu quốc tế đã về tài khoản của Việt Nam lúc 1h ngày 29/1.

 

TIN LIÊN QUAN

* Trái phiếu quốc tế: Những câu hỏi quanh lợi tức 6,95%

* Trái phiếu ngoại tệ mở ra kênh huy động vốn mới

* Việt Nam bán 1 tỷ USD trái phiếu với lợi tức 6,95%

Theo Bộ Tài chính, số trái phiếu trong đợt chào bán này sẽ được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore và đáo hạn vào ngày 29/1/2020. Đợt phát hành trái phiếu trị giá 1 tỷ USD, kỳ hạn 10 năm đã thành công với mức lợi tức 6,95%.

 

Ông Trần Xuân Hà cho biết, số tiền huy động vốn trái phiếu quốc tế này sẽ dùng để chi tiêu chung của Chính phủ, trong đó một phần sẽ được dùng để cho vay lại đối với dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất và các dự án khác.

 

Cũng theo ông Trần Xuân Hà, lợi tức trái phiếu của Việt Nam trong đợt phát hành vừa qua được căn cứ trên 3 tiêu chí: xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam; tình hình giao dịch của trái phiếu Việt Nam đáo hạn vào năm 2016 (VN2016) và tình hình thị trường vốn quốc tế tại thời điểm phát hành. Và đây cũng chính là những nguyên nhân khiến lợi tức trái phiếu của Việt Nam cao hơn lợi tức trái phiếu có cùng kỳ hạn của Philippines, Indonesia.

 

Thứ nhất, về xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, hiện chúng ta được Moody’s xếp định mức tín nhiệm Ba3, còn Standard & Poor’s xếp ở mức BB. Với mức xếp hạng tín nhiệm này, chênh lệch giữ lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Việt Nam so với trái phiếu kho bạc Mỹ cùng kỳ hạn là từ 3,78 - 3,85%.

 

Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam hơn Philippines, Indonesia một bậc theo xếp hạng của Standard & Poor’s, nhưng lại thua Indonesia một bậc theo xếp hạng của Moody’s và hai bậc theo xếp hạng của Fitch. Bên cạnh đó, xếp hạng của Việt Nam lại thua Philippines về triển vọng theo đánh giá của Moody’s và một bậc theo xếp hạng của Fitch.

 

Như vậy, nhìn chung Việt Nam có nhỉnh hơn so với hai nước trong khu vực về xếp hạng tín nhiệm nhưng triển vọng (outlook) lại yếu hơn khi bị xếp ở mức “tiêu cực - negative”. Triển vọng “tiêu cực” nói lên xu hướng của xếp hạng tín nhiệm trong 6-9 tháng tới hoặc là về “ổn định” hoặc là bị xuống hạng. Trong khi đó, với triển vọng “tích cực - positive” có nghĩa trong 6-9 tháng tới triển vọng quay về “ổn định” hay lên 1 hạng.

 

Thứ hai, về giao dịch trái phiếu VN2016, trong thời gian qua, trái phiếu này được giao dịch với lợi tức trong khoảng từ 6,17 - 6,27%. Và từ ngày 18 - 21/1, tức thời điểm Việt Nam tổ chức các đợt chào bán trái phiếu, lợi tức dao động ở mức 6,26 - 6,27%.

 

Trái phiếu VN2016 còn thời gian đáo hạn là 6 năm với mức lợi tức như trên thì trái phiếu kỳ hạn 10 năm sẽ phải tính thêm độ trội thêm trong khoản 0,75 - 0,8%, theo đó lợi tức phải ở mức từ 7 - 7,15%.

 

Trong khi đó, trái phiếu của Philippines, Indonesia có cùng thời gian đáo hạn năm 2016 lại có mức lợi tức thấp hơn từ 1,25 - 1,5% so với trái phiếu của Việt Nam. Từ ngày 18-21/1, mức lợi tức trái phiếu của Philippines dao động ở mức 4,84 - 4,88%, còn mức lợi tức của trái phiếu Indonesia từ 5,05 - 5,14%.

 

Như vậy, mức lợi tức này nếu cộng thêm độ trội cho trái phiếu kỳ hạn 10 năm thì lợi tức trái phiếu của Philippines, Indonesia cũng sẽ không vượt quá 6%, phù hợp với đợt phát hành trái phiếu của hai nước này trong nửa đầu tháng 1/2010, với mức lợi tức lần lượt là 5,674% và 6%.

 

Xét về yếu tố thanh khoản, thì trái phiếu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với trái phiếu của Philippines, Indonesia, do đó mức độ hấp dẫn của trái phiếu của Việt Nam cũng gắn liền với mức lợi tức phải trả.

 

Thứ ba, về tình hình thị trường khi Việt Nam phát hành trái phiếu. Ngày 20/1, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, sau đó là Nhật Bản, đã tuyên bố các biện pháp thắt chặt tiền tệ. Điều này làm cho tính thanh khoản của các ngân hàng yếu đi. Cũng trong ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Obama công bố kế hoạch cải tổ hệ thống pháp lý ngân hàng khiến thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh và kéo dài nhiều ngày tiếp theo đó.

 

Điều này khiến nhu cầu chứng khoán kém đi nhiều so với đầu tháng 1/2010, và điều này đã ảnh hưởng đến cầu trái phiếu của Việt Nam. Lượng đăng ký mua trái phiếu đến ngày 21/1 đạt 2 tỷ USD và khi giao dịch chính thức có 2,4 tỷ USD đăng ký mua. Trong khi đó, các đợt phát hành trái phiếu của Philippines, Indonesia vào nửa đầu tháng 1/2010 đã có lượng đặt mua gấp 5-6 lần khối lượng dự kiến phát hành.

 

Theo Bộ Tài chính, kết quả của đợt phát hành này có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục mở ra kênh huy động vốn trên thị trường quốc tế của Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới cho đầu tư phát triển.


VNE

Tin cùng chuyên mục