Một thông điệp rõ ràng được lãnh đạo Chính phủ phát đi tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra mới đây là sẽ tập trung thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với lên sàn, thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không nắm giữ cổ phần.
Điều này đồng nghĩa với một lượng cung hàng hóa ra thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Để hấp thụ tốt lượng cung được dự báo là sẽ tăng đột biến này, cần có các giải pháp mới để tăng sức cầu cho thị trường, nhưng trên thực tế, theo nhìn nhận của giới chuyên gia, điều này chưa thể hiện rõ nét và mạnh mẽ tương xứng.
Điều đáng ngại là trong khi sức cầu từ khối ngoại đang khó cải thiện do vướng mắc về nới room chưa được tháo gỡ thì theo ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, nhà đầu tư tổ chức trong nước trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất mỏng. Thị trường chứng khoán trong nước chủ yếu vẫn trông chờ vào nhà đầu tư cá nhân nội địa và tổ chức đầu tư nước ngoài.
“Đặc điểm của nhà đầu tư tổ chức là hoạt động chuyên nghiệp, dài hạn, sức cầu lớn. Sự kém phát triển của đội ngũ nhà đầu tư tổ chức nội địa khiến các doanh nghiệp niêm yết gặp khó khăn trong huy động vốn qua thị trường chứng khoán…”, ông Dominic Scriven nhìn nhận.
Để cải thiện sức cầu cho thị trường chứng khoán, góp phần quan trọng cho kế hoạch thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn của Chính phủ thành công trong bối cảnh nguồn cung khủng sắp bung ra thị trường, Việt Nam cần sớm có các chính sách để kích thích đội ngũ nhà đầu tư tổ chức trong nước phát triển. Trong đó, trước mắt cần tập trung thúc đẩy sớm hình thành hệ thống quỹ hưu trí.
Sự chậm trễ trong hoàn thiện hành lang pháp lý cho quỹ hưu trí ra đời đang khiến thị trường, giới đầu tư sốt ruột. Điều này thể hiện qua kiến nghị của Nhóm công tác thị trường vốn lên Chính phủ Việt Nam, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2016 diễn ra mới đây.
Theo đó, tuy Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2016 về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện từ tháng 7/2016, nhưng hơn 4 tháng qua, các công ty quản lý quỹ vẫn đợi thông tư hướng dẫn Nghị định này. Họ mong đợi Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý cho các quỹ hưu trí tự nguyện ra đời và hoạt động.
Với quy định hiện hành, theo nhìn nhận của các công ty quản lý quỹ, có hai khó khăn nổi cộm mà họ đang phải đối mặt. Đầu tiên là tổ chức đầu tư này phải trải qua một quy trình thủ tục xin phép lập quỹ rườm rà, mất thời gian.
Thứ hai, ưu đãi thuế cho phần đóng góp vào quỹ hưu trí chưa đủ sức hấp dẫn, mặc dù chính sách thuế là nhân tố quyết định cho sự ra đời và thành công của các quỹ hưu trí tự nguyện trong giai đoạn phát triển ban đầu theo thông lệ quốc tế. Chính sách thuế hiện không tạo được động lực để người lao động và doanh nghiệp tham gia quỹ hưu trí tự nguyện.
“Để tạo động lực cho người lao động và doanh nghiệp tích cực tham gia quỹ hưu trí, chúng tôi đề nghị cần tăng mức đóng góp vào quỹ này được khấu trừ thuế từ 1 triệu đồng/người/tháng hiện tại lên 3 triệu đồng/người/tháng…”, đại diện cho tiếng nói của Nhóm công tác thị trường vốn, ông Dominic Scriven đề xuất.
Dưới góc nhìn của nhà quản lý, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, để phát triển nhà đầu tư tổ chức trong nước, thời gian qua, cơ quan quản lý đã triển khai nhiều giải pháp như làm lành mạnh hóa hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty tài chính, công ty quản lý quỹ…
“Liên quan đến đề xuất cần tăng mức đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện được khấu trừ thuế từ 1 triệu đồng/người/tháng lên 3 triệu đồng/người/tháng, chúng tôi cho rằng, cần xem xét vấn đề này sao cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Chúng tôi sẽ báo cáo nội dung này lên cấp có thẩm quyền xem xét, nhưng với điều kiện là các doanh nghiệp phải tuân thủ nộp 100% tiền bảo hiểm xã hội theo đúng quy định của pháp luật…”, ông Hà cho hay.