Tình cờ đi sưu tập đồ cổ, anh Lê Thiện Gia (33 tuổi, phường Vỹ Dạ, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế) mua được chiếc nghiên mực bằng đá có họa tiết độc đáo. Biết nghiên mực là một trong “Văn phòng tứ bảo”, gắn liền với sự học của đất nước qua nhiều thế hệ, anh Gia bắt đầu sưu tập về trưng bày tại nhà. 18 năm qua, anh đã sưu tầm hơn 80 nghiên mực cổ được làm bằng đá, sứ, gốm...
Trong bộ sưu tập nghiên mực của anh Gia có chiếc được tạo hình rồng, chiếc hình quả đào tiên hay cây đa cổ thụ... Hình dáng, hoa văn, họa tiết của mỗi chiếc nghiên vừa nói lên độ tuổi, vừa thể hiện xu hướng mỹ thuật, giai cấp sử dụng.
Chiếc nghiên mực làm bằng đá đen, không có họa tiết nào đặc biệt, anh Thiện Gia cho rằng, người sử dụng nó thuộc tầng lớp bình dân.
Chiếc nghiên mực có từ đời Minh được làm bằng đá Đoan Khê, đến nay chỉ cần hà hơi là ra mực.
Chiếc nghiên mực thời nhà Nguyễn xung quanh được mạ vàng. Theo anh Gia, đây là nghiên mực của vương công quý tộc.
Một chiếc nghiên mực làm bằng đá đời nhà Trần.
Nghiên mực bằng gốm làm theo hình con cua, được cho là thời nhà Mạc.
"Mỗi chiếc nghiên mực nói lên nhiều điều về chủ nhân sử dụng nó. Như chiếc này người sử dụng chắc là thầy đồ, viết nhiều, nghiên mực vì thế bị thủng một lỗ", anh Gia chia sẻ.
Chiếc nghiên mực làm bằng đá được khắc họa tiết rồng thời nhà Nguyễn.
Một chiếc nghiên bằng đá được khắc chữ Hán Nôm ở phía sau. Theo anh Gia, bên cạnh sử dụng các nghiên mực lớn, người xưa cũng dùng nghiên mực có hình dáng nhỏ để tiện mang theo bên mình.