Bổ sung chính sách ưu đãi đặc biệt cho hoạt động dầu khí

Với nhiều chính sách mới, Luật Dầu khí năm 2022 được kỳ vọng sẽ tạo cú hích mới cho hoạt động điều tra cơ bản và khai thác dầu khí.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV thông qua

1,2 tỷ USD chỉ là con số nhỏ nhoi

Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XV thông qua 6 đạo luật, trong đó có Luật Dầu khí năm 2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Thông tin tại cuộc họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp thứ tư, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, Luật gồm 11 chương, 69 điều, có nhiều điểm mới đáng chú ý.

Như, bổ sung chính sách về điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động điều tra, khảo sát ban đầu nhằm đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí làm căn cứ cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí.

Luật cũng bổ sung, hoàn thiện các quy định về hợp đồng dầu khí theo hướng thuận lợi, linh hoạt hơn cho nhà đầu tư.

Đáng chú ý, Luật Dầu khí mới đã bổ sung chính sách ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí.

Cụ thể, hợp đồng dầu khí đối với lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32%, thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 10% và mức thu hồi chi phí tối đa 70% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.

Hợp đồng dầu khí đối với lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 5% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.

Luật cũng bổ sung chính sách về khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu nhằm tạo cơ chế đột phá, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước, lãnh đạo Bộ Công thương cho hay.

Tại cuộc họp báo, phóng viên Báo Đầu tư đặt câu hỏi: Lãnh đạo Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) từng đưa ra tính toán là, nếu Luật Dầu khí được sửa đổi thì sẽ triển khai thêm được 5 dự án khai thác mới, gia tăng sản lượng 80 - 90 triệu thùng, đóng góp thêm cho ngân sách 1,2 tỷ USD. Lãnh đạo Bộ Công thương có cho rằng, đây là những con số khả thi không? Liệu ngành dầu khí đang ở tình trạng “ngủ đông” có thực sự được đánh thức bởi những chính sách mới của Luật mới không?

Trả lời, ông Đặng Hoàng An cho biết, những năm gần đây, hoạt động dầu khí đứng trước nhiều thách thức như trữ lượng và sản lượng khai thác đang suy giảm dần và một số dự án mới có khó khăn. Nhưng ngành dầu khí vẫn đóng góp ngân sách rất lớn, con số của năm 2020 là 127.000 tỷ đồng (10 tháng năm 2022 đã nộp trên 110.000 tỷ đồng - PV). Ngoài ra, còn có lãi từ một số dự án ngoài nước chuyển về.

Ông An cũng nêu kỳ vọng của Chính phủ và Quốc hội ở Luật mới là đưa thêm chính sách mới, thêm ưu đãi để khai thác tận thu, tăng thu ngân sách.

Lãnh đạo Bộ Công thương nhấn mạnh, các chính sách mới sẽ khắc phục chồng chéo giữa các luật Đầu tư, Đầu tư công, Luật Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Xây dựng... làm cho thủ tục thông thoáng hơn, phân cấp phân quyền mạnh hơn.

Luật cũ cơ bản thẩm quyền đều nằm ở Thủ tướng, còn luật mới, Thủ tướng chỉ phê duyệt lựa chọn nhà thầu dầu khí và hợp đồng dầu khí, còn lại giao cho các bộ và PVN.

Bằng nhiều giải pháp, kỳ vọng luật mới sẽ tạo cú hích mới cho điều tra cơ bản và khai thác dầu khí. “Như thế, con số 1,2 tỷ USD rất là nhỏ vì PVEP là nhà đầu tư không quá lớn, còn rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng khác đang tham gia ở lĩnh vực này, con số kỳ vọng lớn hơn rất nhiều”, ông An nhìn nhận.

Chống rửa tiền liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo thế nào

Giới thiệu nội dung Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, Luật có hiệu lực thi hành từ 1/3/2023, gồm 4 chương, 66 điều.

Một trong những nội dung đáng chú ý là Luật đã sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo (các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng,...), phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và nội hàm khái niệm theo khuyến nghị của tổ chức quốc tế.

Luật cũng đã bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên cơ sở luật hóa quy định về đối tượng này tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).

“Đồng thời, để đảm bảo bao quát được các hoạt động phát sinh trong tương lai, Luật quy định Chính phủ quy định hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo chưa được quy định tại Luật sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Phó thống đốc cho biết.

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 còn bổ sung quy định về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị của tổ chức quốc tế, quy định rõ hơn trách nhiệm của đối tượng báo cáo phải thực hiện các biện pháp thích hợp để xác minh nguồn gốc tài sản của khách hàng, chủ sở hữu hưởng lợi và thực hiện giám sát mối quan hệ kinh doanh trong suốt quá trình giao dịch với khách hàng này.

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về việc quản lý tiền ảo, tài sản ảo trong Luật Phòng, chống rửa tiền, ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) nói, hoạt động phòng, chống rửa tiền luôn cập nhật với thời gian và nhận diện được các hoạt động về rửa tiền trong thực tiễn.

Trong Luật đã có quy định ứng xử với các lĩnh vực mới, ông Đôn giải thích.

Câu hỏi đặt ra tại cuộc họp báo là, quá trình thảo luận, các đại biểu Quốc hội rất lo ngại việc rửa tiền qua tiền ảo. Luật quy định theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền sau khi được sự đồng ý của Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý với tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro rửa tiền. Vậy việc triển khai nhiệm vụ này như thế nào? Dự kiến khi nào sẽ có quy định liên quan đến tiền ảo và tài sản ảo?

Trả lời, ông Đôn cho biết trong Quyết định 941/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch phòng chống rửa tiền giai đoạn 2022 - 2025 đã giao các bộ, ngành ban hành các quy định về tài sản ảo làm cơ sở cho công tác này.

Liên quan đến câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về ý kiến mọi giao dịch bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng để phòng chống rửa tiền, ông Đôn cho biết, theo Quyết định 941/2022/QĐ-TTg, sẽ xử lý vấn đề này trong Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi. Bộ Xây dựng đang tiến hành xây dựng dự án luật này và Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp thực hiện.

Báo cáo Thủ tướng kết luận thanh tra mua sắm kit test, vắc xin Covid-19 tại Hà Nội, TP.HCM

Cũng trong cuối tuần qua, Chủ tịch nước đã công bố các Luật: Thanh tra năm 2022; Phòng, chống bạo lực gia đình; Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Đây đều là các luật đã được được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp thứ tư.

Một trong những điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022 là đã quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về việc báo cáo trước khi ban hành kết luận thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra như hiện nay.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Ngọc Liêm nói: “Với tư cách Phó tổng Thanh tra Chính phủ, tôi khẳng định, khi luật có hiệu lực thì việc chậm ban hành kết luận thanh tra sẽ không còn. Những cuộc thanh tra khi chưa có báo cáo Thủ tướng thì không bố trí trưởng đoàn cuộc đó làm trưởng đoàn cuộc tiếp nữa. Việc này để tập trung làm xong thì mới tiếp tục làm. Đó là giải pháp cụ thể".

Liên quan đến việc thanh tra mua sắm kit test, vắc xin Covid-19 tại Hà Nội, TP.HCM và Bộ Y tế, ông Liêm cho hay, Thanh tra Chính phủ đã kết luận và báo cáo Thủ tướng.

“Sau khi Thủ tướng có ý kiến, chúng tôi sẽ công bố công khai theo quy định của pháp luật”, ông Liêm thông tin.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục