Bỏ ra hơn 10 tỷ đồng đã mua được cổ phần chi phối Đầu tư xây dựng VVMI (DXD), đơn vị quản lý, sử dụng hơn 4.000 m2 đất ở Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng 20/7, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng VVMI (mã DXD - UPCoM) xác nhận, giao dịch thoái vốn 51% của Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc (MVB - HNX) tại DXD đã hoàn tất.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Trước đó, vào ngày 24/6/2021, Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc công bố Nghị quyết HĐQT ngày 22/6/2021 về việc thoái vốn bán toàn bộ 520.047 cổ phần, chiếm tỷ lệ 51% vốn điều lệ DXD với giá khởi điểm 19.433 đồng/cổ phiếu.

Việc thoái vốn được dự kiến diễn ra theo phương thức khớp lệnh trên thị trường UPCoM. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 6/7/2021 đến 4/8/2021.

Ngay đầu phiên giao dịch buổi sáng ngày 13/7/2021, lúc 9h03 phút có giao dịch khớp lệnh 520.047 cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ của DXD với giá 19.500 đồng/cổ phiếu. Chỉ duy nhất Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc nắm giữ lượng lớn cổ phiếu DXD trên.

Đến nay, trên website của HNX chưa thấy công bố thông tin về kết quả thoái vốn và ai đã mua được số cổ phần trên. Tuy nhiên, với giá khớp lệnh 19.500 đồng/cổ phần, thì giá trị chuyển nhượng hơn nửa triệu cổ phiếu nói trên là 10,1 tỷ đồng.

Được biết, DXD tiền thân tiền thân là Xí nghiệp xây lắp Đông Anh, sau này là Xí nghiệp xây dựng công nghiệp và dân dụng Hà Nội trực thuộc Công ty Than Nội địa (tên gọi cũ của Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc). Sau khi cổ phần hóa năm 2000, đến nay vốn điều lệ công ty là 10,19 tỷ đồng.

Mặc dù vốn điều lệ ít ỏi nhưng DXD nắm trong tay quyền quản lý, sử dụng nhiều khu đất mặt đường lớn như khu đất có diện tích 4.074 m2 ở huyện Đông Anh, Hà Nội; 252 m2 ở phường Quán Triều, TP. Thái Nguyên và 456 m2 ở phường Cẩm Phú, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Do Công ty mẹ của DXD - Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc là doanh nghiệp có phần vốn nhà nước chiếm 98,2%, nên là đối tượng phải tuân thủ quy định tại Nghị định số 140/2020/NĐ-CP về cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Theo Điểm c, Khoản 18, Điều 2 Nghị định 140/2020/NĐ-CP quy định, khi xác định giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần thì phải xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước đầu tư bao gồm cả giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê (thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thuê trả tiền hàng năm).

Nghị Định 140 chỉ rõ, thời hạn thuê đất còn lại làm cơ sở tính toán giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm trong giá khởi điểm là thời gian còn lại trong chu kỳ ổn định đơn giá thuê đất 5 năm theo quy định của pháp luật đất đai. Trường hợp doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê đất nhưng hết hạn thời gian ổn định đơn giá thuê đất mà doanh nghiệp chưa ký lại hợp đồng thì thời hạn thuê đất còn lại được xác định là 5 năm.

Dư luận thắc mắc không rõ tại sao mức giá khởi điểm thoái vốn lại khá thấp và việc định giá các tài sản vô hình như thương hiệu, lợi thế kinh doanh, đất đai ra sao?

Trả lời câu hỏi trên, ông Đỗ Huy Hùng cho biết, Tổng công ty Mỏ Việt Bắc thuê đơn vị định giá. Còn diện tích đất hơn 4.000 m2 ở huyện Đông Anh, Hà Nội chưa có sổ đỏ.

Được biết, theo Báo cáo thường niên 2020, diện tích hơn 4.000 m2 gồm 1.504 m2 để làm trụ sở văn phòng và 2.570 m2 làm nhà xưởng, kho với hình thức thuê đất, đóng thuế hàng năm.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục