Bỏ ra 347.000 tỷ đồng, sẽ thu lại được gì?

0:00 / 0:00
0:00
Chấp nhận tăng bội chi, nợ công để dành hơn 347.000 tỷ đồng hỗ trợ phục hồi kinh tế, song nhiều đại biểu Quốc hội cũng muốn câu trả lời rõ ràng hơn là sẽ thu lại được những gì.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Không vì áp lực thành tích

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội dành gần 1 ngày cuối tuần qua để thảo luận (các nội dung khác chỉ thảo luận trong một buổi hoặc nửa buổi), song vẫn còn đến 14 vị đại biểu không có cơ hội đưa ra chính kiến của mình bởi hết thời gian.

Đều khẳng định sự cần thiết của gói chính sách này, song ngay từ ý kiến đầu tiên, đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh vấn đề cốt lõi mà đề án về chính sách nói trên cần trả lời là: với 347.000 tỷ đồng hỗ trợ phục hồi kinh tế, chúng ta sẽ thu được kết quả gì.

Thật ra, ở cả Tờ trình và Báo cáo tiếp thu, giải trình sau khi Quốc hội thảo luận tại tổ đều đã có câu trả lời. Đó là thực hiện chính sách bổ sung sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,5 - 7%/năm, phục hồi sản xuất - kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội.

Nhưng, đặt câu hỏi như trên, vì đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, 3 mục tiêu đó còn quá khái quát, trong khi mục tiêu cốt yếu của gói chính sách là chấp nhận bội chi, chấp nhận “đi vay” để sau thời hạn nhất định sẽ thu hồi được kết quả lớn hơn. Vì thế, nếu không có cam kết về kết quả đạt được cụ thể hơn, thì khó có thước đo chính xác đánh giá kết quả thực tế sau này.

Từ phân tích đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị bổ sung vào Dự thảo Nghị quyết đối tượng áp dụng chính sách, thời hạn hoàn thành, quy định cụ thể về trách nhiệm, thẩm quyền và cần quy định cụ thể lộ trình thanh toán nợ gốc cũng như bổ sung những cam kết về sản phẩm đầu ra.

“Chúng ta chấp nhận rủi ro, nhưng cần những bước đi vững chắc, không chịu áp lực bởi mục tiêu tăng trưởng, thành tích, vấn đề cốt lõi cần đạt được là yếu tố thực chất và hiệu quả”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.

Từ đầu cầu Quảng Trị, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nhìn nhận, với tình hình thực tế là nhiệm vụ giải ngân hết được vốn đầu tư công theo kế hoạch còn khó khăn, tình trạng tồn dư ngân quỹ quốc gia cao tại hệ thống ngân hàng mà không đưa lại được vào nền kinh tế, khả năng huy động vốn bổ sung của ngân sách nhà nước có giới hạn, thì quy mô gói hỗ trợ khoảng 347.000 tỷ đồng, tương đương hơn 4% GDP, là nỗ lực rất cao trong lúc này.

“Sau khi được thông qua, cần triển khai ngay từ trước Tết Âm lịch và chỉ kéo dài tối đa 2 năm, kết thúc chính xác vào ngày 31/12/2023. Việc chốt cứng thời hạn nhằm phản ánh đúng bản chất cốt lõi của gói là hỗ trợ phục hồi và để xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành khi triển khai thực hiện”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.

Cũng thống nhất về sự cần thiết có gói chính sách tài khóa, tiền tệ và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho rằng, có thể chấp nhận thâm hụt trong 2 năm 2022 - 2023, song cần có giải pháp rõ ràng cho các năm sau.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy còn lưu ý, Chính phủ cần rà soát kỹ lưỡng các đối tượng được hỗ trợ để bảo đảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và khả năng trả nợ trong tương lai. Nếu lạm phát tăng cao, thì các doanh nghiệp sẽ phải chạy theo vòng xoáy vay - nợ - lạm phát, lợi ích của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sẽ bị suy giảm.

Vị đại biểu của Thái Bình cũng đề nghị, cần có cơ chế để tránh tình trạng doanh nghiệp móc nối với ngân hàng hoặc ngân hàng ưu tiên doanh nghiệp “ruột”, doanh nghiệp “sân sau” và tuyệt đối tránh tình trạng doanh nghiệp vay vốn xong lại đem gửi ngân hàng để lấy phần trăm chênh lệch do lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất tiền gửi hoặc để đáo nợ.

Năm 2022 sẽ giải ngân 42% tổng số vốn

Cuối phiên thảo luận, cả Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều được mời hồi âm ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Tinh thần chung từ cả ba thành viên Chính phủ là nghiêm túc tiếp thu ý kiến đại biểu, song xin giữ nguyên các đề xuất, vì đã được cân nhắc rất kỹ.

Thay mặt Chính phủ báo cáo thêm một số vấn đề được nêu ra tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn và khó, có ý nghĩa quan trọng không chỉ với kinh tế, mà với cả xã hội và y tế, tác động không chỉ trong ngắn hạn, mà còn cả trong trung hạn và dài hạn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, về quy mô của gói hỗ trợ, Chính phủ đã tính toán kỹ lưỡng, trên cơ sở dự báo, đánh giá khả năng cân đối, huy động các nguồn lực và mức độ hấp thụ của nền kinh tế; bám sát quan điểm, mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn.

Về vấn đề này, trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng quy mô các chính sách chi hỗ trợ từ tài khóa và ngoài tài khóa (miễn, giảm điện, nước, dịch vụ viễn thông...) năm 2021 là 269.464 tỷ đồng, tương đương 3,2% GDP. Như vậy, tổng chi tài khóa và ngoài tài khóa đã thực hiện năm 2021 và dự kiến từ Chương trình là gần 570.500 tỷ đồng.

“Năm 2022 sẽ thực hiện giải ngân 42% tổng số vốn của Chương trình, còn lại sẽ giải ngân trong năm 2023”, Bộ trưởng cam kết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu, để chính sách đạt được hiệu quả như mong muốn là thách thức rất lớn, mà đảm bảo thành công chính là khâu tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành. Nhấn mạnh đây là trách nhiệm nặng nề của cả hệ thống chính trị, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ rất mong muốn đại biểu Quốc hội giám sát ngay từ khi nghị quyết được thông qua.

Liên quan đến câu hỏi: “Bỏ ra 347.000 tỷ đồng, sẽ thu được những gì”, trong báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích, mục tiêu, chỉ tiêu, kết quả thực hiện Chương trình được thể hiện, đánh giá chung bằng kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 từ 6,5 - 7%/năm (nếu không thực hiện Chương trình, tăng trưởng bình quân chỉ đạt khoảng 5,4%/năm; trường hợp thực hiện Chương trình, giúp tăng khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đã đề ra).

Theo nghị trình, trong phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất (chiều 11/1), nội dung đầu tiên Quốc hội biểu quyết thông qua là Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Giữ nguyên thuế đối với giao dịch chứng khoán

Hồi âm ý kiến đại biểu Quốc hội về tăng thuế suất đối với các giao dịch chứng khoán, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thống nhất cho rằng, cần nghiên cứu thận trọng. Vì theo quy định hiện nay, doanh nghiệp, tổ chức trong nước nộp thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán theo mức thuế suất 20% trên thu nhập. Đối với tổ chức nước ngoài (nhà thầu nước ngoài), áp dụng tỷ lệ thuế 0,1% trên doanh thu bán chứng khoán. Đối với cá nhân, áp dụng mức thuế suất 0,1% trên giá bán chứng khoán (việc áp dụng mức thu thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu, giá bán chứng khoán không phân biệt có lãi hay không có lãi).

“Thị trường chứng khoán đang là kênh huy động vốn rất tốt cho nền kinh tế, đề nghị giữ nguyên”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu trước Quốc hội.

An Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục