Về nội dung cụ thể, có đại biểu đề nghị, đối với hợp đồng đã công chứng, nếu một bên không thực hiện, bên còn lại có thể đưa thẳng cơ quan thi hành án, đề nghị thực hiện nội dung đã cam kết mà không cần phải qua tòa án. Nếu đề xuất này được chấp nhận, việc xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Sau 5 năm thi hành Luật Công chứng, các đại biểu đánh giá cao những đóng góp của các văn phòng công chứng, phục vụ kịp thời nhu cầu của nhân dân, không còn hiện tượng ùn tắc, quá tải, “cò” công chứng.
Tuy nhiên, chất lượng công chứng cũng nảy sinh nhiều vấn đề, các văn phòng công chứng có tình trạng không tuân thủ nghiêm túc về trình tự, thủ tục, thời gian, địa điểm công chứng. Do đó, đã tạo cơ hội cho đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế, nhiều vụ án, hành vi lừa đảo có thể được thực hiện trót lọt có vai trò rất lớn từ sự tắc trách của công chứng viên.
Do đó, trong Luật sửa đổi lần này, các ý kiến của đại biểu đều tập trung vào vấn đề chất lượng và trách nhiệm của công chứng viên. Các ý kiến đồng tình với việc thu hẹp diện miễn đào tạo nghề công chứng, thậm chí, có ý kiến đề nghị phải thu hẹp hơn nữa, vì đây là chức danh tư pháp do Nhà nước bổ nhiệm, không phải cứ là chuyên gia, học vị cao là có thể đảm nhiệm.
Đánh chú ý, một số ý kiến đại biểu góp ý về quy định giá trị pháp lý của văn bản công chứng. Theo quy định tại Điều 6 của Dự thảo Luật, hợp đồng, giao kết được công chứng có giá trị bắt buộc thực hiện với các bên, nếu một bên không thực hiện thì bên còn lại có quyền đề nghị tòa án giải quyết. Đồng thời, Điều 6 cũng quy định, văn bản công chứng có giá trị chứng cứ và tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh.
Theo đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ), về cơ sở pháp lý, nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận đã được quy định trong Bộ luật Dân sự và văn bản liên quan. Theo đó, cam kết thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực với các bên và phải được tôn trọng.
Nguyên tắc này cần được bảo đảm bằng cơ chế hiệu quả, nhanh chóng, mà việc tổ chức thực thi, thực hành qua các cơ quan có thẩm quyền là phù hợp. Quy định như Dự thảo làm giảm gánh nặng cho tòa án các cấp trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trong Dự thảo trước đây quy định, khi đã thỏa thuận, giao kết có công chứng mà không thực hiện thì bên còn lại có quyền đề nghị cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành việc đã giao kết trừ một số trường hợp tranh chấp mà tòa án đã thụ lý. Tuy nhiên sau đó đã bỏ quy định.
Thực tế, nhiều trường hợp các bên đã thỏa thuận, nhưng sau đó không thực hiện hợp đồng, dù tài sản không có tranh chấp. Chẳng hạn như trường hợp thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng, người vay không có khả năng trả nợ và không có tranh chấp, nhưng ngân hàng vẫn phải khởi kiện để giải quyết do hiện nay không có cơ chế để giải quyết việc này.
Trong khi pháp luật thừa nhận giá trị pháp lý của văn bản công chứng rất cao và có giá trị chứng cứ, không cần chứng minh. Do đó, có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo khảo sát làm rõ thêm và báo cáo để Quốc hội xem xét.
Như vậy, nếu quy định này được xem xét, nghiên cứu và đưa vào Luật sửa đổi thì sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho ngành ngân hàng trong việc xử lý tài sản bảo đảm.