Nhân đọc bài “Bỏ mệnh giá cổ phiếu” và “DN được phát hành cổ phiếu thấp hơn mệnh giá?” (ĐTCK, số ra ngày 28/12/2011 và 30/12/2011), tôi có một số ý kiến sau:
Trước hết, việc bỏ mệnh giá cổ phiếu hay để DN phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá liệu có thật sự cần thiết, có thật sự giúp DN huy động vốn dễ dàng hơn? Tôi e là không. Bởi lẽ mệnh giá là thuật ngữ để thống nhất, để tạo ra luật chơi cho các DN, các NĐT.
Một DN phát hành cổ phiếu ra công chúng phải có kế hoạch kinh doanh cụ thể, phải có kế hoạch sử dụng vốn huy động một cách rõ ràng.
Chẳng hạn, DN có nhu cầu huy động vốn là 10 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình. Nếu quy định mệnh giá là 1 tỷ đồng thì sẽ có 10 cổ phiếu được bán ra. Nếu quy định mệnh giá là 1 triệu đồng thì sẽ có 10.000 cổ phiếu được bán ra. Mệnh giá là 100.000 đồng thì sẽ có 100.000 cổ phiếu, mệnh giá là 10.000 đồng thì sẽ có 1.000.000 cổ phiếu được bán ra.
Nếu quy định mệnh giá quá lớn sẽ hạn chế khả năng huy động vốn của DN từ các NĐT nhỏ, lẻ. Nhưng nếu quy định mệnh giá quá thấp sẽ có nhiều NĐT tham gia dẫn đến khó khăn trong việc quản lý cổ đông, làm tăng chi phí quản lý DN.
Như vậy, DN phải xác định cần huy động đối tượng huy động vốn, các NĐT lớn hay từ các NĐT nhỏ lẻ, để xác định mệnh giá lớn hay nhỏ. Mệnh giá là cái giá nền để quy ước, để thống nhất với nhau trong việc huy động vốn. Bỏ mệnh giá đi rồi thì DN và NĐT lấy mức giá nào để mua bán?
Mệnh giá là mức giá ban đầu để thực hiện việc huy động vốn phục vụ cho sản xuất - kinh doanh, thị giá là giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng trên thị trường. Theo lý thuyết, DN huy động vốn nhưng chưa thực hiện kinh doanh thì thị giá bằng mệnh giá, DN thực hiện kinh doanh có hiệu quả, thì thị giá sẽ lớn hơn mệnh giá, DN kinh doanh thua lỗ thì thị giá sẽ thấp hơn mệnh giá.
Hai là, trong trường hợp DN kinh doanh thua lỗ, thị giá cổ phiếu xuống dưới mệnh giá, nếu DN tiếp tục phát hành cổ phiếu với giá bằng mệnh giá, liệu có ai mua bởi lúc này, NĐT mua trên thị trường còn có lợi hơn?
Với trường hợp này, phải đặt ra hai tình huống: Thứ nhất, tình trạng thua lỗ của DN là do chiến lược kinh doanh kém, việc điều hành của ban lãnh đạo yếu thì đương nhiên, việc phát hành thất bại này là khó tránh khỏi và xứng đáng với DN đó;
Thứ hai, việc thua lỗ này chỉ có tính thời điểm, do sự cố nào đó gây nên, chứ không phải do lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của DN thì nếu DN phát hành thêm cổ phiếu có kế hoạch kinh doanh tốt, đem lại hiệu quả cao thì các NĐT vẫn sẵn sàng mua cổ phiếu đó với giá bằng mệnh giá.
Vì lúc đó, với kỳ vọng phát triển trong tương lai của DN, giá cổ phiếu sẽ được tăng lên, NĐT khó có khả năng mua cổ phiếu với mức giá nhỏ hơn mệnh giá. Trong trường hợp này, DN không những phát hành cổ phiếu thành công mà còn có thể phát hành với giá cao hơn mệnh giá.
Hơn nữa, khi thị giá nhỏ hơn mệnh giá thì có thể thực hiện gộp cổ phiếu lại, điều này nằm trong khả năng của DN. Vậy thì, cớ sao lại kiến nghị UBCK và cơ quan quản lý thay đổi thuật ngữ mệnh giá?