Đó chưa phải là toàn bộ lợi ích mà chính sách thay đổi phương thức quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu sang mã số định danh cá nhân vừa được Chính phủ đề xuất tại Luật Cư trú (sửa đổi). Nhưng nếu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chậm hoàn thành và sau đó không được vận hành trơn tru, thì người dân sẽ gặp khó khăn trong không ít giao dịch dân sự - theo cảnh báo từ Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Trình Quốc hội ngay Kỳ họp thứ 9
Luật Cư trú được ban hành năm 2006, đã sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2013. Tuần qua, tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị bổ sung Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) vào chương trình xây dựng pháp luật của năm 2020 (trình tại Kỳ họp thứ 9, thông qua tại Kỳ họp thứ 10), dự kiến có hiệu lực vào tháng 7/2021.
Nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, hồ sơ Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) còn một số nội dung quan trọng cần được bổ sung hoàn thiện, việc triển khai thi hành luật phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo kế hoạch là năm 2021), đồng thời, việc cấp số định danh cá nhân cho tất cả công dân Việt Nam cũng khó có thể hoàn thành sớm, nên chưa nhất thiết phải trình Quốc hội thông qua dự án luật này ngay trong năm 2020. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật để trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 10 và thông qua tại Kỳ họp thứ 11.
Tuy nhiên, Thường vụ Quốc hội khi xem xét Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) lại đồng ý trình Quốc hội ngay tại Kỳ họp thứ 9 (dự kiến khai mạc ngày 20/5), bởi những lợi ích to lớn từ chính sách bỏ hộ khẩu.
“Người dân khổ sở về sổ hộ khẩu, người nghèo tha phương lên thành phố đi làm thuê, làm mướn, con không học được vì không có sổ hộ khẩu, cực càng thêm cực”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích sự cần thiết phải thay đổi phương thức quản lý cư trú.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu: “Tôi nhớ lại, Đại hội VI của Đảng bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, tức là gắn với thời kỳ bỏ sổ gạo. Lúc đó, ai mà có sổ gạo là tự hào lắm, là cán bộ nhà nước, nói “mất gì như mất sổ gạo” là căng lắm. Lần này, các đồng chí muốn bỏ sổ hộ khẩu, nếu làm được việc ấy là giống cuộc cách mạng, giống như bỏ sổ gạo”.
Vẫn rất lo
Đồng tình với việc bỏ sổ hộ khẩu, song Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, ông rất lo vì đây là đạo luật trực tiếp ảnh hưởng tới quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, song lại đang ở dạng luật ống (còn 13 nội dung chưa quy định chi tiết, trong đó, 5 nội dung giao Chính phủ, 8 nội dung giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định). Theo ông Giàu, quy định của luật phải cụ thể, dân đọc hiểu ngay và áp dụng được ngay.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phân tích, đến thời điểm này, mới có 16 triệu số định danh cá nhân được cấp, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì chưa hoàn thành. Vậy đến khi nào hai vấn đề trên được hoàn thành, thì luật mới có thể có hiệu lực được.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tháng 6/2021, hai việc nêu trên có thể hoàn thành. Hồ sơ Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) cũng nêu tính toán sơ bộ của Bộ Công an, khi ứng dụng công nghệ thông tin (cập nhật thông tin cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) để giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có yêu cầu cung cấp thông tin của công dân sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân khoảng 1.600 tỷ đồng/năm, từ việc không phải thực hiện sao, chụp, chứng thực hoặc không phải kê khai thông tin cá nhân nhiều lần.
Báo cáo Đánh giá tác động Dự án Luật phân tích, mã số định danh cá nhân được coi là chìa khóa để các cơ quan nhà nước kết nối, cập nhật tra cứu thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý.
Tuy nhiên, Bộ công an cũng nhận định, việc thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân sẽ có những tác động, ảnh hưởng nhất định đến các quan hệ giữa cơ quan nhà nước với công dân. Chẳng hạn, khi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì có căn cứ nào để chứng minh công dân đã đăng ký thường trú, tạm trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi tham gia trong các quan hệ xã hội có yêu cầu phải chứng minh nơi đăng ký thường trú, tạm trú (như các quan hệ trong đăng ký tài sản, đất đai, hôn nhân gia đình, tuyển sinh, ngân hàng, bảo hiểm…). Đây là những vấn đề bất cập có thể phát sinh tại các địa phương chưa có điều kiện xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện quản lý bằng số định danh cá nhân.
tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi ở hiện tại; nhóm máu; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.