Bộ GTVT yêu cầu siết chặt an toàn thi công tại 4 dự án cấp bách đường sắt

0:00 / 0:00
0:00
Từ đầu năm 2021 đến nay, trên tuyến đường sắt Bắc – Nam đã xảy ra 8 sự cố, 2 vụ tai nạn trật bánh toa xe liên quan đến 4 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách.
4 dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam trị giá 7.000 tỉ đồng được Bộ GTVT khởi công vào tháng 5/2020 và hoàn thành vào cuối năm 2021. 4 dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam trị giá 7.000 tỉ đồng được Bộ GTVT khởi công vào tháng 5/2020 và hoàn thành vào cuối năm 2021.

Bộ GTVT vừa có công văn số 8824/BGTVT – CQLXD gửi Cục Đường sắt Việt Nam, Ban quản lý các dự án đường sắt; Ban quản lý dự án 85 yêu cầu nâng cao công tác an toàn trong thi công 4 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 (Dự án 7.000 tỷ đồng).

Bộ GTVT cho biết, hiện nay Dự án 7.000 tỷ đồng đang trong giai đoạn tập trung triển khai đồng loạt để hoàn thành các dự án vào cuối năm 2021. Từ khi triển khai Dự án đến nay, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị liên quan yêu cầu phải đảm bảo an toàn trong quá trình thi công.

Tuy nhiên, theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, từ đầu năm 2021 đến nay, trên tuyến đường sắt Bắc – Nam đã xuất hiện tới 8 vụ sự cố, 2 vụ tai nạn trật bánh toa xe liên quan đến việc thi công các công trình thuộc Dự án 7000 tỷ.

Để đảm bảo công tác an toàn trong thi công Dự án 7.000 tỷ và khắc phục các tồn tại mà Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phản ánh, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án Đường sắt và Ban Quản lý dự án 85 thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ đầu tư trong công tác đảm bảo an toàn đường sắt, an toàn công trình, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ.

Hai đơn vị đại diện chủ đầu tư nói trên phải đôn đốc các nhà thầu thi công và Tư vấn giám sát thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong công tác đảm bảo an toàn chạy tàu trong quá trình thi công; đồng thời khẩn trương làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của các bên liên quan và bồi thường thiệt hại cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, Cục Đường sắt Việt Nam được Bộ GTVT giao tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn trong điều kiện thi công trên đường sắt đang khai thác; các vị trí đường ngang, điểm xung yếu trong phạm vi thực hiện các gói thầu; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn chạy tàu, an toàn trong quá trình thi công của Dự án 7.000 tỷ.

Được biết, 4 dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam trị giá 7.000 tỉ đồng được Bộ GTVT khởi công vào tháng 5/2020 nhằm cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội – Tp.HCM. Thời hạn hoàn thành dự án là hết năm 2021.

Các công việc của dự án là xây mới, cải tạo trên 100 cầu yếu; cải tạo, nâng cấp 30 nhà ga, mở mới 7 ga; cải tạo, nâng cấp hơn 200km đường sắt; gia cố vỏ hầm kết hợp thay thế kiến trúc tầng trên khoảng 10 hầm yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Các dự án hoàn thành sẽ góp phần làm tăng tốc độ chạy tàu, đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM từ 3,6 tấn/m lên 4,2 tấn/m; tăng năng lực thông qua từ 18 đôi tàu/ngày đêm như hiện nay lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm.

Theo sự phân công của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đường sắt được giao làm chủ đầu tư 3 dự án: cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh tổng mức đầu tư hơn 1.398 tỉ đồng; cải tạo nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - Tp.HCM tổng mức đầu tư hơn 1.949 tỉ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn tổng mức đầu tư hơn 1.849 tỉ đồng.

Ban Quản lý dự án 85 được giao làm chủ đầu tư dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang tổng mức đầu tư 1.800 tỉ đồng.

Theo thông tin của baodautu.vn, tính đến cuối tháng 8/2021, Dự án 7000 tỷ đồng đã triển khai 31/35 gói thầu, trong đó có 4/31 gói thầu cơ bản hoàn thành, 8/31 gói thầu đáp ứng tiến độ; còn lại 19/31 gói thầu chậm so với kế hoạch; sản lượng đạt 57,5% (kế hoạch 61,9%), chậm khoảng 4,4%.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục