Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký quyết định giao đầu mối tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn hai đầu cầu.
Theo đó, Bộ GTVT giao nhiệm vụ cho Ban quản lý dự án Mỹ Thuận tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn hai đầu cầu.
Dự án có mục tiêu từng bước hoàn chỉnh đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo quy hoạch, tăng cường kết nối các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng nhu cầu vận tải, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực dự án nói chung và các tỉnh Vĩnh Long, TP. Cần Thơ nói riêng, phát huy hiệu quả nguồn vốn Nhà nước đã đầu tư trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Kinh phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn 2 đầu cầu được thanh toán theo nhiệm vụ, dự toán được duyệt và kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư hàng năm; thời gian thực hiện là từ năm 2023 đến 2025.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận có trách nhiệm lựa chọn tư vấn lập báo cáo và tận dụng tối đa các kết quả nghiên cứu đã có để phục vụ công tác nghiên cứu, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn hai đầu cầu.
Được biết, Dự án cầu Cần Thơ 2 là một đoạn tuyến kết nối tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, là một phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đảm nhiệm là hệ thống trục xương sống của quốc gia, đảm bảo vận tải hàng hóa, hành khách khối lượng lớn, liên tục với tốc độ cao. Tuyến cần đảm bảo sự kết nối thuận lợi với các cảng biển chính, các khu đô thị lớn, khu công nghiệp, cảng cạn, logistic …
Dự án có điểm đầu kết nối vào điểm cuối Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long; điểm cuối nối vào điểm đầu tuyến cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang.
Tổng chiều dài của Dự án (cầu và đường) khoảng 15,35 km, trong đó chiều dài cầu chính và cầu dẫn là 4 km với nhịp chính dây văng với khẩu độ 550m, tĩnh không thông thuyền (rộng 300m; cao 39m); đường dẫn là 11,35km. Tiến trình đầu tư theo Quy hoạch là trước năm 2030.
Cầu Cần Thơ hiện hữu bắc qua sông Hậu nối liền giữa tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ. Cầu được khởi công xây dựng vào ngày 25/9/2004, khánh thành vào ngày 24/4/2010. Tổng mức đầu tư 4.832 tỷ bằng nguồn Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam (khoảng 15%).
Cầu Cần Thơ có tổng chiều dài toàn tuyến là 15,85km, bao gồm phần đường dẫn vào cầu phía Vĩnh Long dài 5,41km; phần cầu chính và nhịp dẫn dài 2,75km; phần đường dẫn vào cầu phía Cần Thơ dài 7,69km.
Cầu khi đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, đi lại giữa TP. HCM và Cần Thơ, kết nối thuận lợi với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.