Bộ Giao thông và Vận tải thúc Bình Dương, Đồng Nai trả lời về phương án đầu tư vành đai 3 TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
UBND tỉnh Đồng Nai đang là địa phương duy nhất có ý kiến chính thức về phương án hoàn chỉnh tuyến vành đai 3 TP.HCM trị giá 156.800 tỷ đồng.
Bản đồ hướng tuyến vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM. Bản đồ hướng tuyến vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM.

Theo thông tin của Báo Đầu tư Online - Bodautu.vn, Bộ Giao thông và Vận tải (GTVT) vừa có công văn hỏa tốc gửi Tỉnh ủy, UBND, HĐND 2 tỉnh: Bình Dương và Đồng Nai đề nghị sớm có ý kiến để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị Dự án đầu tư đường vành đai 3 TP.HCM.

Bộ GTVT cho biết, Dự án đầu tư đường vành đai 3 TP.HCM là dự án quan trọng quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2025 đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo khẩn trương triển khai để bảo đảm tiến độ trình tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc vào cuối tháng 10/2021.

Do Dự án có tiêu chí quan trọng quốc gia nên nhiều thủ tục liên quan cần phải khẩn trương triển khai, nếu không kịp tiến độ sẽ phải trình tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc vào cuối tháng 5/2022), sẽ làm dự án chậm thêm 7 tháng.

Hiện mới chỉ có UBND tỉnh Long An đã có ý kiến, trong khi UBND tỉnh Đồng Nai và Bình Dương chưa có văn bản trả lời về phương án đầu tư hoàn chỉnh đường vành đai 3 Tp.HCM theo đề xuất của Bộ GTVT và UBND TP.HCM.

“Việc Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương xem xét, có ý kiến bằng văn bản trước ngày 6/9 là cơ sở để UBND TP.HCM có cơ sở rà soát, tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án và kịp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.

Theo Quy hoạch chi tiết đường vành đai 3 TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 với chiều dài 89,3 km (gồm 73 km xây dựng mới và 16,3 km đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn đã đầu tư).

Sau khi nghiên cứu chi tiết, chiều dài toàn tuyến là 91,66 km, mặt cắt ngang 6-8 làn xe cao tốc, có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng. Ngày 20/7/2021, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng phương án xây dựng quy mô mặt cắt ngang đường cao tốc trên toàn tuyến vành đai 3 TP.HCM là 8 làn xe.

Được biết, Bộ GTVT bắt đầu nghiên cứu theo từng phân đoạn từ năm 2011 để triển khai đầu tư khép kín đường vành đai 3 TP.HCM. Đến nay, có đoạn đã đầu tư, có đoạn đang trong giai đoạn đầu tư và các đoạn còn lại đều đã cơ bản hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án (Pre F/S).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc nghiên cứu đầu tư khép kín đường vành đai 3 Tp.HCM trong giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, các đơn vị tư vấn nghiên cứu, cập nhật ý kiến các địa phương hoàn chỉnh Pre F/S.

Đến nay, Pre F/s Dự án đã cơ bản hoàn thành. Cụ thể, Dự án vành đai 3 Tp.HCM có điểm đầu tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương (huyện Bến Lức, tỉnh Long An); chiều dài nghiên cứu 91,66 km; giai đoạn hoàn thiện gồm 8 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng.

Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện phân kỳ đầu tư, GPMB theo quy mô quy hoạch và đầu tư phần đường cao tốc 4 làn xe hạn chế (kết hợp đường cao tốc đi cùng mặt bằng và đi trên cao), phần đường song hành hai bên tối thiểu 2 làn xe.

Trên cơ sở quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư và chủ trương ưu tiên nghiên cứu đầu tư theo phương thức PPP theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT dự kiến chia dự án vành đai 3 Tp.HCM thành các dự án thành phần.

Cụ thể, phần đường song hành (bao gồm giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch): dự kiến chia thành các dự án thành phần theo địa bàn tỉnh, thành phố. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện là 64.967 tỉ đồng, giai đoạn 1 là 51.777 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 44.229 tỉ đồng (chưa bao gồm 8.300 tỉ đồng đầu tư tuyến nối vào Khu công nghiệp Ông Kèo, tỉnh Đồng Nai và tuyến nối với nút giao Thủ Đức, các địa phương triển khai vào thời điểm phù hợp). UBND các tỉnh, thành phố là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương hoặc nguồn vốn hợp pháp khác.

Với phần đường cao tốc sẽ triển khai với tư cách là một dự án độc lập gồm 4 dự án thành phần chia theo các đoạn: Nhơn Trạch - Tân Vạn; Tân Vạn - Bình Chuẩn; Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 - Bến Lức. Sơ bộ tổng mức đầu tư (chưa bao gồm lãi vay) giai đoạn hoàn thiện là 91.889 tỉ đồng, giai đoạn 1 là 30.822 tỉ đồng. Như vậy, tổng kinh phí để hoàn chỉnh đường vành đai 3 Tp.HCM trị giá 156.800 tỉ đồng.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục