6.626 tỷ đồng trái phiếu chính phủ để thông luồng kỹ thuật
Trước đó, trong phương án phát hành thêm 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ trình Quốc hội, có đề cập đến dự án này. Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép bố trí 6.626 tỷ đồng để thực hiện thông luồng kỹ thuật của luồng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Được biết, dự án đã được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong 2 năm 2009- 2010 và có trong danh mục các dự án được Quốc hội phê duyệt. Do nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hạn hẹp, nên Chính phủ đã hoãn thi công dự án này.
Tổng mức đầu tư của dự án là 9.781,2 tỷ đồng, trong đó đã bố trí vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch 2009-2010 là 929,3 tỷ đồng, nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ còn lại để hoàn thành dự án là 8.851,84 tỷ đồng.
Đại biểu Quốc hội chưa đồng tình
Về đề xuất này, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình với đề nghị của Chính phủ mặc dù dự án này thuộc diện giãn, hoãn đầu tư sau năm 2015. Song dự án đã thi công dở dang khoảng 4,2 km trên tổng số 9 km tuyến kênh đào mới, đồng thời dự án có vai trò khá quan trọng để thúc đẩy phát triển giao thông vận tải vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phục vụ Trung tâm nhiệt điện Duyên hải. Do đó, đề nghị tiếp tục bố trí bổ sung vốn TPCP ở mức hợp lý để thực hiện dự án.
Nhưng có một số ý kiến không nhất trí vì cho rằng dự án không hiệu quả do thiếu tính kết nối quy hoạch cảng biển, đường thủy nội địa, hệ thống đường cao tốc và tập quán trong vận tải hàng hóa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án thiếu tính bền vững do điều kiện địa chất, thủy văn, môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng quá lớn, gấp trên 3 lần so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: dự án sẽ hiệu quả
Theo giải trình của Bộ trưởng Đinh La Thăng trong phiên họp sáng nay, luồng sông Hậu qua cửa Định An đều phải nạo vét duy tu hàng năm để đáp ứng 3.000 – 5.000 tấn qua hàng cảng nhưng nhanh chóng bị vùi lấp chỉ sau 1 – 2 tháng.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải đã giao cho một số đơn vị tư vấn trong và ngoài nước nghiên cứu dự án sau khi khẳng định không thể cải tạo thì mới đề xuất dự án cải tạo luồng sông Hậu qua.
Dự án được nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thị sát hiện trường và ủng hộ đề nghị sớm triển khai thực hiện. Do tầm quan trọng và phức tạp của dự án Thủ tướng Phan Văn Khải đã có quyết định thành lập đoàn tổ công tác liên ngành nghiên cứu khả năng thực hiện dự án do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải làm tổ trưởng. Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nghe tổ công tác báo cáo có sự cùng nghe của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương có liên quan và giao Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành để phê duyệt dự án luồng sông Hậu.
Dự án được đưa vào danh mục các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải và được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt năm 2007 và đưa vào triển khai từ năm 2008 sử dụng vốn trái phiếu chính phủ thuộc danh mục dự án được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua.
Dự án có vai trò là tuyến thủy giao thông huyết mạch phục vụ ổn định và phát triển kinh tế toàn khu vực Đồng bằng sông cửu long. Mặt khác để tiết kiệm chi phí đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất với EVN phối kết hợp dự án này với dự án Trung tâm điện lực duyên hải. EVN thực hiện phía Bắc, Bộ Giao thông vận tải thực hiện phía nam.
Hiện phía bắc đã được triển khai nếu không triển khai hạng mục phía nam và tuyến luồng vào cảng thì khu cảng nhập than của Trung tâm điện lực duyên hải không hoạt động được.
Đây cũng là dự án trọng điểm cần tiếp tục triển khai theo kết luận của Bộ Chính trị số 17-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, về cơ sở khoa học của tính ổn định và bền vững của dự án, dự án có tổng chiều dài 40 km gồm 6km luồng sông trên sông Hậu và 19 km kênh Quan Bố Chánh, 9km kênh Tắt và 6 km đường biển. Các yếu tố phân tích các khía cạnh kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường, hiệu quả kinh tế tài chính, kết quả nghiên cứu cho thấy dự án có tính khả dụng cao, đáp ứng các yêu cầu môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.
Ví dụ về đường bờ ổn định, đầu ra của kênh tắt đã được các đơn vị tư vấn đặt ra và nghiên cứu phân tích, theo kết quả nghiên cứu nơi đặt là cửa Nam kênh Tắt là nơi ổn định, đường bờ cao nhất, cùng với hệ thống kè bảo vệ đảm bảo yêu cầu ổn định tổng thể.
Về khả năng ổn định của luồng ra, luồng đi qua kênh Quan Chánh Bố, kênh tắt chiều rộng 250 – 255m chỉ là phần rất nhỏ của sông Hậu, rất ít ảnh hưởng luồng chảy và giao thông.
“Tác động môi trường được đánh giá đầy đủ theo quy định hiện hành đảm bảo sự phát triển bền vững của dự án” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nhấn mạnh vai trò hiệu quả của dự án. Sản lượng hàng hóa qua cảng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2012 là 6,67 triệu tấn trên tổng 30 triệu tấn cần vận chuyển, đến 2015 là 16,5 triệu tấn và đến 2020 là 44 triệu tấn, chiếm khoảng 20% hàng hóa. Khoảng 80% hàng xuất nhập khẩu còn lại phải chuyển tiếp qua các cảng khu vực Hồ Chí Minh do luồng sông Hậu chỉ đáp ứng được 5.000 tấn. Với chi phí tăng thêm 170 – 180 USD/container và 7 – 15 triệu tấn hàng chi phí hàng năm lên tới hàng trăm triệu USD.
Theo các tính toán về hiệu quả, tính khả thi của dự án, ngoài việc không phải tiếp chuyển hàng hóa của Đồng bằng sông Cửu Long lên khu vực cảng TP. HCM, dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ổn định phát triển khu vực, nâng cao thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao hiệu quả khai thác cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Do đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị các đại biểu cân nhắc, xem xét thông qua phương án sử dụng trái phiếu chính phủ phát hành thêm bố trí vốn cho dự án này.