Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ sẽ tiếp tục lấy ý kiến về biểu giá điện. Bộ Công thương đã nghiên cứu, xây dựng 5 phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện và lấy ý kiến các bộ ngành, đoàn đại biểu Quốc hội và các hiệp hội ngành hàng, địa phương.
Cụ thể, trong tháng 7 và tháng 8 năm 2020, Bộ Công thương sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các khách hàng sử dụng điện, các Bộ ngành. Bộ Công thương sẽ hoàn chỉnh phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý III năm 2020.
Giá bán lẻ bình quân các hộ sinh hoạt sau khi điều chỉnh bằng so với mức giá đang áp dụng tại Quyết định 648/QĐ-BCT. "Bộ Công thương cũng sẽ đề xuất cho khách hàng được quyền lựa chọn giá bán lẻ điện cho sinh hoạt chỉ có một mức giá, không có bậc thang. Chúng tôi đang tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi, trình để chính thức áp dụng từ đầu năm 2021", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.
Như vậy, Bộ Công thương sẽ trình nhiều phương án tính giá điện trong kỳ sửa biểu giá cuối năm nay. Thủ tướng sẽ quyết định việc tính giá điện theo cách nào.
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện được chia làm 6 bậc thang, áp dụng từ năm 2014, được các chuyên gia đánh giá là đang bộc lộ những bất cập.
Theo đề xuất của Bộ Công thương, biểu giá điện bậc thang sẽ rút ngắn còn 5 bậc, trong đó gộp hai bậc đầu tiên ở mức 100 kWh và điều chỉnh bậc thang cao nhất lên tới 700 kWh thay vì mức 401 kWh hiện nay.
Lý do là mặc dù các hộ sử dụng trên 700 kWh chỉ chiếm hơn 1,8% lượng khách hàng nhưng chiếm tới 13% sản lượng điện, vì vậy việc điều chỉnh giá bậc thang như đề xuất sẽ khiến các hộ tiêu dùng nhiều điện phải trả tiền điện nhiều hơn và nâng cao ý thức tiết kiệm điện.
Việc sửa biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt là điều chỉnh, thay đổi các biểu giá bậc thang với cơ cấu phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng điện của người tiêu dùng, nhằm đảm bảo sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.